Gia đình 4 người dự tính tiêu Tết 45 triệu, tặng mẹ chồng 2 chỉ vàng

Tô Diệp |

Mỹ Anh chia sẻ sẽ chi mạnh tay hơn cho những ngày Tết. Bởi vì cả năm làm việc vất vả nên Tết là dịp để chi nhiều hơn cho bản thân, gia đình.

Thời gian này nhiều gia đình đã sắm Tết sắp xong. Một vài người đã mua đủ đồ mặc Tết, một số gia đình đã sắm xong đồ khô như bánh kẹo trưng bày Tết. Tuy nhiên, cũng có không ít người đang loay hoay trong câu chuyện lập kế hoạch chi tiêu ngày Tết sao cho phù hợp nhất.

Cùng gặp Đào Mỹ Anh để hiểu hơn về cách chi tiêu ngày Tết của gia đình 4 người sinh sống ở TPHCM và sẽ ăn Tết tại Bình Định.

 Gia đình 4 người dự tính tiêu Tết 45 triệu, tặng mẹ chồng 2 chỉ vàng - Ảnh 1.

Mỹ Anh - Ảnh: NVCC

Khoản chi ngày Tết tăng 30% so với thông thường

Gia đình Đào Mỹ Anh dự tính sẽ chi khoảng 45 triệu trong Tết năm nay. Mỹ Anh ước tính số tiền này tăng 30% so với chi phí sinh hoạt hàng tháng. Gia đình Mỹ Anh dự định tặng mẹ chồng 2 chỉ vàng khoảng 11 triệu, mua sắm đồ mới hết 10 triệu, quà Tết và lì xì ước chừng 10 triệu, đi du lịch 10 triệu và chi phí về quê khoảng 5 triệu.

Cụ thể, Mỹ Anh chia sẻ rằng từ lúc lập gia đình, năm nào gia đình cô cũng về quê chồng ở Bình Định ăn Tết. “Vì ba mẹ ruột mình mất lâu rồi, nhà không còn ai nên thường sẽ ăn Tết ở quê chồng. Theo thói quen, mình sẽ tặng mẹ chồng 2 chỉ vàng, không đưa tiền. Vàng là tài sản tích lũy tốt, có khả năng tăng giá cũng như chống lại tình trạng bão giá. Bên cạnh đó, mẹ làm kinh doanh nên thông thường có tiền sẽ xoay vốn chứ không tích luỹ". Ngoài ra, vì gia đình tự lái về quê nên sẽ tốn khoảng 5 triệu đồng bao gồm tiền xăng, phí cầu đường, ăn uống, nghỉ ngơi dọc đường.

Được biết, dự tính chi phí năm nay của gia đình Mỹ Anh tăng khoảng 5-10 triệu bởi vì thêm khoản chi đi du lịch. Đây cũng là năm đầu tiên gia đình quyết định đi chơi ngày Tết sau 2 năm dịch không thể đi đâu. Cô cũng muốn nhân dịp này cả gia đình có thể nghỉ ngơi xả hơi.

“Theo quan điểm riêng, mình sẽ chi mạnh tay hơn cho những ngày Tết. Bởi vì cả năm làm việc vất vả nên Tết là dịp để chi nhiều hơn cho bản thân, gia đình. Đó cũng là thú vui, cách giảm áp lực hiệu quả”, suy nghĩ của Mỹ Anh trong câu chuyện chi tiêu Tết.

Mỹ Anh cũng cho rằng 1 năm mới về quê 1-2 lần, cô cũng chi tiêu “xông xênh” cho người thân họ hàng ở quê, mua chút quà biếu mọi người để có cảm giác gia đình ấm áp. “Ăn uống thoải mái hơn ngày thường chút, nhìn thấy người thân cùng nhau có bữa cơm đầm ấm, mình cũng cảm thấy vui hơn".

Hạn chế mua thực phẩm

Rút kinh nghiệm những sai lầm từ các Tết trước, Mỹ Anh nhấn mạnh rằng cô sẽ giảm bớt các khoản mua sắm đồ gia dụng không cần thiết, hạn chế mua quá nhiều quần áo, giày dép. Bởi vì theo kinh nghiệm cá nhân, mua quá nhiều nên thường sẽ không dùng hết, bỏ quên lâu trong tủ và chẳng bao giờ động đến, như vậy rất lãng phí.

Với những trang phục nhu cầu thiết yếu trong dịp năm mới, Mỹ Anh thường sẽ không mua sát Tết vì giá cao mà lại không nhiều mẫu đẹp. Cô săn sale để tiết kiệm một khoản tiền mà vẫn sắm được những bộ quần áo đẹp.

Bên cạnh đó, năm nay cô sẽ không tích trữ quá nhiều đồ ăn, thức uống, chỉ sắm vừa đủ. “Nhà chồng mình khá đơn giản, không cúng, bày biện đồ ăn Tết linh đình nhiều. Do vậy, mình chỉ sắm ít bánh kẹo, đồ ăn cơ bản cho gia đình. Hơn thế nữa, trong những ngày Tết tất cả các thành viên thường sẽ đi chúc Tết và ăn ở nhà họ hàng bạn bè. Nếu trữ quá nhiều đồ ăn, không dùng đến hết, bỏ đi mình cảm thấy phí tiền lắm. Mình nghĩ mọi người nên mua sắm vừa đủ".

Trước khi chi tiêu, Mỹ Anh sẽ thường cân nhắc món đồ đó có thật sự cần thiết với gia đình. Đồng thời, tính toán về ngân sách dự kiến xem sau khi mua có bị vượt quá hay không. “Mình nghĩ rằng đối với các bạn trẻ hay những người trung niên, việc sắm Tết sẽ phụ thuộc hầu hết vào nền tảng kinh tế sẵn có của từng gia đình. Mỗi người sẽ có cách chi tiêu cũng như những ưu tiên khác biệt, mình cho rằng chỉ cần không vượt quá ngân sách, vẫn kiểm soát được dòng tiền là ổn rồi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại