Giá dầu thế giới biến động nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (28/5), nhưng tăng mạnh trong tuần này nhờ các số liệu khả quan về kinh tế Mỹ và kỳ vọng vào sự khởi sắc nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Những yếu tố này lấn át nỗi lo về nguồn cung dầu gia tăng từ Iran một khi quốc gia vùng Vịnh này được dỡ lệnh trừng phạt kinh tế, cũng như về Covid-19 bùng mạnh ở châu Á.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,79%, còn 66,32 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu đạt 67,52 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 8/5. Tính cả tuần, giá dầu WTI tăng 4,31%.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau chốt phiên với mức tăng 0,24%, đạt 69,63 USD/thùng. Cả tuần, giá dầu Brent tăng 4,8%.
Cả tháng 5, giá dầu WTI tăng 5,7% và giá dầu Brent tăng 3,6%. Tính từ đầu năm, giá dầu WTI tăng 38% và giá dầu Brent tăng 36%.
“Được thúc đẩy bởi các dữ liệu kinh tế tốt và tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư trên thị trường tài chính, giá dầu Brent đang nỗ lực một lần nữa nhằm chinh phục mốc giá tâm lý quan trọng 70 USD/thùng”, nhà phân tích Eugen Wenberg thuộc Commerzbank nhận định với hãng tin CNBC.
“Nỗi lo về nhu cầu do đại dịch Covid-19 đang nhường chỗ cho lạc quan về sự trở lại nhanh chóng của người tiêu dùng”, ông Wenberg nói thêm.
Giới phân tích dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ hồi phục lên gần 100 triệu thùng/ngày trong quý 3 năm nay nhờ hoạt động du lịch mùa hè ở Mỹ và châu Âu sau khi một tỷ lệ lớn dân số đã được tiêm chủng ngừa Covid.
“Nhu cầu xăng ở nhiều nơi hiện đã vượt ngưỡng của năm 2019”, các nhà phân tích thuộc ANZ viết trong một báo cáo.
Các dữ liệu tích cực từ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất và cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới, cũng hỗ trợ không nhỏ cho giá dầu trong tuần này. Báo cáo hôm thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020 và tốt hơn nhiều so với dự báo.
Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại New York từ đầu năm. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang ít nhiều lo về làn sóng Covid mới ở châu Á. Tổng số ca nhiễm ở vùng Nam Á đã vượt 30 triệu vào ngày thứ Sáu, theo số liệu của Reuters, dẫn đầu là Ấn Độ - nơi đang chống chọi với một đợt bùng dịch mới.
Ngoài ra, giá dầu cũng chịu áp lực giảm từ khả năng sắp có thêm nguồn cung dầu từ Iran.
“Iran sẽ khiến cho tốc độ tăng của giá dầu chậm lại”, ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau thuộc Mizuho ở New York, phát biểu.
Nếu đạt một thoả thuận với các cường quốc để khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015, Iran sẽ được dỡ trừng phạt kinh tế, trong đó có lệnh cấm vận dầu lửa. Khi đó, nước này sẽ đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu dầu.
Ước tính sẽ có hơn 34 triệu người Mỹ lái xe đi nghỉ trong thời gian từ ngày 27-31/5, trong dịp lễ Memorial Day (ngày tưởng nhớ binh sỹ trận vong) – khởi đầu của mùa cao điểm lái xe hàng năm ở Mỹ. Tuy nhiên, giá xăng bình quân ở Mỹ đang ở mức 3,04 USD/gallon, cao nhất từ năm 2014.
Cũng tại Mỹ, sản lượng khai thác dầu thô đã tăng 14,3% trong tháng 3 so với tháng 2, đạt 11,2 triệu thùng/ngày, theo báo cáo mới nhất từ Bộ Năng lượng nước này. Số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ – một chỉ báo về sản lượng trong tương lai – đã tăng 9 tháng liên tiếp, theo số liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes.
Nguồn tin từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nói rằng OPEC+, liên minh giữa OPEC và một số nước sản xuất dầu ngoài khối, gồm Nga, dự kiến sẽ tiếp tục thực thi kế hoạch nới dần sản lượng. Quan điểm của OPEC+ là sự hồi phục nhu cầu sẽ hấp thụ được nguồn cung dầu gia tăng từ Iran, theo nguồn tin.
“Chúng tôi nhận thấy thị trường sẽ hấp thụ được nguồn cung dầu tăng lên từ OPEC+, cũng như từ Iran”, nhà phân tích Warren Patterson thuộc ING nhận định.