Giá dầu tăng 5 tuần liên tiếp

Diệp Vũ |

Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, tiến sát mốc 50 USD/thùng, khi kỳ vọng về một gói kích cầu kinh tế mới của Mỹ và khả năng sớm có tiêm chủng Covid-19 làm dịu nỗi lo về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu và số ca tử vong vì đại dịch tăng mạnh.

Hãng tin Reuters, các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đang cố gắng hành động để sớm thông qua một gói kích cầu trị giá 908 tỷ USD. Kỳ vọng về kế hoạch này càng gia tăng khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm kém khả quan hơn dự báo.

Khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 245.000 công việc trong tháng 11, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 469.000 công việc mà giới phân tích đưa ra trước đó. Đây cũng là mức tăng trưởng việc làm thấp nhất ở Mỹ kể từ khi thị trường lao động nước này bắt đầu hồi phục vào tháng 5.

Tổng thống đắc cử Joe Biden nói rằng báo cáo việc làm "ảm đạm" cho thấy phục hồi kinh tế đang chững lại, đồng thời cảnh báo về "mùa đông u ám" phía trước sẽ càng khiến tình hình trở nên xấu hơn trừ phi Quốc hội thông qua ngay một gói kích cầu kinh tế mới.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,54 USD/thùng, tương đương tăng 1,11%, đạt 49,25 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,62 USD/thùng, chốt ở 46,26 USD/thùng.

Tuần này là tuần tăng thứ 5 liên tiếp của cả giá dầu Brent và WTI, trong đó giá dầu Brent tăng 1,7% và giá dầu WTI tăng 1,9%. Tháng 11 vừa qua, giá cả hai loại dầu đều tăng trên 25%, dù làn sóng Covid-19 thứ hai và thứ ba nổi lên tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là Mỹ và châu Âu.

"Giá dầu vẫn tăng dù có những dữ liệu xấu. Tất cả đều nhờ hy vọng vào gói kích cầu", ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau thuộc Mizuho ở New York, phát biểu. "Rất có thể sẽ có một thỏa thuận ngay trong cuối tuần này".

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, hôm thứ Năm tuần này nhất trí sẽ nâng nhẹ sản lượng từ tháng 1, nhưng vẫn duy trì phần lớn mức hạn chế sản lượng đã áp dụng suốt mấy tháng qua để hỗ trợ giá dầu.

Theo thỏa thuận này, mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ thu hẹp còn 7,2 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nhu cầu tiêu thụ dầu hàng ngày của thế giới, thay vì mức giảm 7,7 triệu thùng/ngày như hiện nay.

Trước khi thỏa thuận trên được đưa ra, thị trường đã kỳ vọng OPEC+ giữ mức hạn chế sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày cho đến ít nhất hết tháng 3. Dù vậy, việc OPEC+ chỉ nâng sản lượng thêm nửa triệu thùng dầu mỗi ngày đã là tích cực, nếu xét đến kế hoạch ban đầu của nhóm này là nâng sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 1 trở đi.

Một số nhà phân tích vẫn lo ngại thế giới sẽ lại thừa dầu. Chẳng hạn, các nhà phân tích của Wood Mckenzie cho rằng nếu mức tăng sản lượng nửa triệu thùng/ngày duy trì quá tháng 3/2021, thế giới sẽ có 1,6 triệu thùng dầu thừa trong quý 1.

Sản lượng dầu của Mỹ hiện đã hồi phục từ mức đáy của 2 năm rưỡi thiết lập hồi tháng 5, chủ yếu do các nhà khai thác dầu đá phiến khôi phục lại hoạt động của các giếng dầu khi thấy giá dầu đi lên.

Dữ liệu từ công ty dịch vu mỏ dầu Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ đã tăng thêm 5 giàn trong tuần qua, lên mức 246 giàn - con số cao nhất từ tháng 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại