Không phải là Arab Saudi hay Iran mà hai thành viên khác của Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là Libya và Nigeria lại được cho là nhân tố quyết định việc giá dầu có thể lên 100 USD/thùng trong tương lai, CNBC cho biết.
Trong bối cảnh lệnh trừng phạt Iran của Mỹ sắp bắt đầu và Arab Saudi đang tăng mạnh sản lượng để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Iran, điều quan trọng là các quốc gia sản xuất dầu lớn khác phải duy trì dòng chảy dầu thô trong những tháng tới.
Đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia phân tích đang theo dõi sát sao tình hình tại Libya và Nigeria, hai quốc gia chuẩn bị bước vào đợt bầu cử cấp cao.
Ảnh minh họa
Tại Nigeria, nước sản xuất dầu lớn nhất châu Phi, việc thay đổi lãnh đạo sẽ là rủi ro đối với thỏa thuận giữa chính phủ đương thời và phiến quân. Hai năm trước, phiến quân từng khiến hoạt động sản xuất dầu tại Nigeria gặp gián đoạn lớn.
Trong khi đó, tại Libya, thị trường vẫn băn khoăn liệu bầu cử có giúp giải quyết được cuộc nội chiến trường kỳ giữa các chính phủ đối lập vốn đang gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu dầu của nước này hay không.
Tình hình hiện tại của hai quốc gia này sẽ đóng vai trò quan trọng, chi phối hướng đi của giá dầu thô, theo bà Helima Croft, Giám đốc chiến lược hàng hóa Toàn cầu tại RBC Capital Markets. “Điều tôi luôn lo lắng là sự bất ổn của nguồn cung”, bà nói.
RBC cho rằng, sản lượng dầu của hai quốc gia này có thể giảm 500.000 thùng/ngày theo thời kỳ, và các cuộc bầu cử sắp tới sẽ mang đến nhiều bất ổn hơn nữa.
Dù con số này chỉ tương đương với 1% nhu cầu tiêu thụ dầu hàng ngày của thế giới, nhưng việc thiếu hụt chừng ấy dầu sẽ gây ra tác động lớn trong bối cảnh xuất khẩu dầu của Iran dự báo giảm gần 1 triệu thùng/ngày trong những tháng tới.
Trên thực tế, xuất khẩu dầu thô của quốc gia Trung Đông này đang giảm dần vì các khách hàng e ngại lệnh trừng phạt từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Gần đây, Washington liên tục kêu gọi Arab Saudi, Nga và một số quốc gia sản xuất khác duy trì nguồn cung dồi dào ra thị trường để ngăn chặn đà tăng giá mạnh của dầu thô, đặc biệt là sau khi dầu Brent có lúc chạm đỉnh gần 4 năm.
Ảnh minh họa
Nigeria sẽ mất 400.000 thùng dầu/ngày nếu phải chuyển giao quyền lực
Trong khi giới giao dịch tin rằng giá dầu sẽ lên 100 USD/thùng, ngân hàng Barclays lại dự đoán giá sẽ không thể lên 3 con số. Tuy nhiên, theo Giám đốc nghiên cứu thị trường năng lượng Michael Cohen của Barclays, kết quả bầu cử của Nigeria trong tháng 2/2019 sẽ là rủi ro lớn nhất đối với triển vọng giá dầu.
Nếu Tổng thống Muhammadu Buhari bị lật đổ, các chuyên gia phân tích của Barclays tin rằng chính quyền mới sẽ phải thỏa thuận lại với phiến quân.
Trong thời gian chuyển giao quyền lực, phiến quân có thể tái tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của nước này, và khiến sản lượng dầu của Nigeria giảm khoảng 400.000 thùng/ngày vào đầu 2019.
Theo giới phân tích tại Barclays, có nhiều khả năng ông Buhari sẽ bị lật đổ, bởi số lần xuất hiện của ông trước công chúng khá hiếm hoi vì ông phải chữa bệnh ở nước ngoài trong phần lớn thời gian đương nhiệm.
“Những người tham gia giao dịch trên thị trường dầu nên để ý hơn tới khả năng gián đoạn nguồn cung tại Nigeria”, bà Cohen cho biết.
Nguồn cung dầu tại Libya sẽ bị thiếu hụt đáng kể nếu chính trị tiếp tục bế tắc
Trong khi đó, những người theo dõi tình hình tại Libya đang lo ngại rằng cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sắp tới nhằm thống nhất đất nước sẽ kích hoạt một cuộc nội chiến mới.
Các chính phủ đối lập ở phía đông và tây nước này hiện vẫn chưa thống nhất về hệ thống hiến pháp mới. Dù dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10/12 nhưng các đợt bầu cử này có thể sẽ không diễn ra cho tới tận năm 2019.
Nói về sản lượng dầu của Libya, chỉ riêng tháng 9, nước này sản xuất hơn 100.000 thùng/ngày, giúp bù đắp lại sự thiếu hụt 150.000 thùng từ Iran.
Mặc dù các vụ đụng độ vũ trang gần đây không ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung dầu của Libya nhưng tình hình an ninh bất ổn triền miên sẽ gây ra rủi ro lớn cho ngành dầu mỏ trong 6 tháng tới, ông Hamish Kinnear, chuyên gia phân tích thị trường Trung Đông và Bắc Phi tại công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft cho biết.
“Trong vòng hai tháng tới, nếu xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung như tháng 6 và tháng 7 thì thị trường sẽ bị thiếu hụt dầu đáng kể, và giá có thể tăng mạnh theo đó”, ông Kinnear nói.
Nguồn: CNBC
Hiện tại, có một số dấu hiệu cho thấy giá dầu sẽ không tăng mạnh như phần lớn thị trường dự đoán. Các tổ chức dự báo như OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế gần đây đều hạ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu do căng thẳng thương mại leo thang và một số thị trường mới nổi gặp khó về tài chính.
Đà giảm gần đây của thị trường chứng khoán cũng là yếu tố khiến giá dầu “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, vụ sát hại nhà báo Arab Saudi Jamal Khashoggi mới đây lại “bơm” bất ổn mới vào thị trường dầu mỏ cũng như dấy lên nghi ngờ về liên minh Mỹ - Saudi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi từng khẳng định quốc gia này không có ý định sử dụng vai trò chi phối thị trường dầu mỏ của mình như là một vũ khí, đồng thời giữ nguyên ý định tăng sản lượng.