Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu thô giao kỳ hạn đóng cửa ở mức thấp nhất trong 2 tuần khi mà những nỗi lo lắng về sự lây lan của cúm corona bên ngoài Trung Quốc ngày một lớn dần, nhà đầu tư bán ra đẩy giá dầu giảm đến phiên thứ 3.
Chuyên gia cao cấp phân tích về thị trường hàng hóa tại Schneider Electric, ông Robbie Fraser, nói: “Hiện có quá nhiều yếu tố tâm lý bi quan trên thị trường”.
Trong nghiên cứu hàng ngày, ông Fraser nói: “Sự lây lan của virus cúm corona tiếp tục thống trị tâm lý của thị trường, nó át đi tất cả những yếu tố khác trong môi trường hiện tại.
Hiện đặc biệt đáng lo ngại về sự lây lan của virus cúm bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt tại nhiều nước sản xuất dầu lớn của thế giới như Oman, ngoài ra là rất nhiều trường hợp lây nhiễm tại Iran”.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tháng 4/2020 trên thị trường New York giảm 1,53USD/thùng tương đương 3% xuống 49,90USD/thùng. Giá dầu như vậy đóng cửa ở mức thấp nhất tính từ ngày 10/2/2020, theo Dow Jones Market Data.
Thị trường London, giá dầu Brent hợp đồng tương lai tháng 4/2020 giảm 1,35USD/thùng tương đương 2,4% xuống 54,95USD/thùng – đây là mức đóng cửa thấp nhất tính từ ngày 11/2/2020.
Số lượng các ca lây nhiễm cúm corona tiếp tục tăng. Hiện tại đã có 80.238 ca lây nhiễm tại 34 quốc gia và ít nhất 2.700 ca tử vong, theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo lên cao nhất, tổng số các ca lây nhiễm cúm corona đã vượt 800 ca. Bên ngoài châu Á, Italy đang trở thành nước có số lượng ca lây nhiễm cao nhất với hơn 130 trường hợp và 7 ca tử vong. Iran công bố có 12 ca tử vong vì cúm corona.
Giới chức thuộc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo dịch bệnh sẽ có thể tồi tệ, và rằng người Mỹ nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho những sự gián đonạ dù rằng rủi ro với Mỹ hiện đang khá thấp.
Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Mỹ kêu gọi ngân sách chi ra 2,5 tỷ USD tiền của liên bang để ngăn virus cúm corona lan rộng, trong đó có việc tích trữ khẩu trang và cố gắng đưa ra vắc xin. Nhiều cơ quan chính phủ lo ngại rằng sẽ không có vắc xin trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới.