Giá dầu đã về lại mức trước khủng hoảng sau chuỗi 9 tuần tăng

Vân Chi |

Giá dầu đang nối dài chuỗi tăng tuần thứ 9 trong vòng 10 tuần gần gần đây do Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng sâu hơn mức yêu cầu giúp giảm bớt lo ngại về tình trạng dư cung, giữa bối cảnh Quốc hội Mỹ xác nhận ông Joe Biden đắc cử - mở đường cho giai đoạn Mỹ sẽ tăng chi tiêu để kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/1, dầu Brent kỳ hạn tháng 2 trên sàn London tăng 8 US cent lên 54,38 USD/thùng, sau khi có thời điểm trong phiên đạt 54,90 USD/thùng, mức cao kỷ lục kể từ đợt phương Tây phong tỏa chống Covid-19 lần 1.

Dầu Tây Texas Mỹ (dầu ngọt nhẹ - WTI) trên sàn New York tăng 20 US cent lên 50,38 USD/thùng, sau khi có thời điểm đạt 51,28 USD.

Giá dầu đã về lại mức trước khủng hoảng sau chuỗi 9 tuần tăng - Ảnh 1.

Như vậy, tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng mạnh 5%. Tính từ cuối tháng 10/2020 tới nay, giá dầu thô đã tăng hơn 4% nhờ một loạt vắc xin ngừa Covid-19 được công bố hiệu quả và được tiêm đại trà, bất chấp đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm buộc nhiều nơi phải siết chặt hoạt động giao thông đi lại.

Đảng Dân chủ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Georgia, đồng nghĩa với việc đảng này sẽ nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện, Hạ viện và chức vụ Tổng thống, hứa hẹn một bước tiến sâu rộng hơn trên thị trường tài chính Mỹ.

Điều đó xảy ra sau khi Saudi Arabia cam kết với OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3/2021.

Ngân hàng UBS hôm qua đã nâng dự báo về giá dầu Brent lên 60 USD/thùng vào giữa năm 2021 và lên 63 USD vào cuối năm 2021; dự báo về dầu WTI cũng được ngân hàng này nâng lên cùng chiều, ở mức thấp hơn 3 USD/thùng so với dầu Brent, với lý do "Động thái ‘phủ đầu’ của Saudi Arabia cho thấy vương quốc này rất mong muốn bảo vệ và hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu hạn chế do việc Châu Âu siết chặt lệnh phong tỏa".

Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 chưa dừng lại, số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng trên khắp Châu Âu buộc Tổ chức Y tế thế giới phải lên tiếng kêu gọi các nước Châu Âu thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn, trong đó Anh đã phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc, có thể sẽ khiến tiêu thụ dầu mỏ lao dốc.

Do đó, một số nhà phân tích lo ngại rằng đà tăng của giá dầu đã đi quá xa. Goldman Sachs Group Inc. cảnh báo việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia có thể là dấu hiệu quan trọng cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ suy yếu hơn nữa.

Ngay cả ngân hàng UBS hôm qua cũng phải thận trọng cho biết: "Nếu nhu cầu giảm ít thì động thái của Saudi Arabia sẽ giúp giảm bớt lượng tồn kho".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại