Giá căn hộ tại TP HCM tăng mạnh, thiết lập mặt bằng giá mới

Duy Phương |

Các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp, dự án thuộc phân khúc trung cấp biến thành cao cấp...

“Trong thời gian ngắn, mặt bằng mới giá căn hộ tại TP HCM đã được thiết lập. Phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp nhưng do tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng”. 

Đây là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại hội thảo “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025: Phân khúc nào phù hợp” diễn ra ngày 24/12.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, cơ cấu nguồn cung phân khúc nhà ở hiện tại không tương thích với nhu cầu. Tại TP HCM, phân khúc nhà ở giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) đã biến mất; còn tại Hà Nội, tỷ trọng của phân khúc này cũng rất thấp (khoảng 10%). 

Trong quý III/2020, giá căn hộ tại TP HCM tăng mạnh từ 15-20% so với quý III/2020. Ở phân khúc trung cấp, giá bán quý III/2020 tăng 1,43 lần so với quý IV/2018.

Giá căn hộ tại TP HCM tăng mạnh, thiết lập mặt bằng giá mới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Theo ông Hà, trong khoảng thời gian ngắn, mặt bằng giá mới tại TP HCM đã được thiết lập. Các dự án thuộc phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp, dự án thuộc phân khúc trung cấp biến thành cao cấp...

Đáng nói, sự thay đổi phân khúc là vì tăng giá chứ không phải vì tăng chất lượng của dự án cho phù hợp. Điều này không phản ánh đúng giá trị của bất động sản, rất dễ xảy ra bong bóng bất động sản. Một thị trường như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển không bền vững.

Giá căn hộ tại TP HCM tăng mạnh, thiết lập mặt bằng giá mới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, phải có chính sách để ổn định về giá. Bộ Xây dựng sẽ nhanh chóng ban hành hệ thống pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. 

Điều này giúp tránh được tình trạng các địa phương phải chờ quy định của pháp luật, kéo dài thời gian thực hiện dự án, dẫn tới tăng chi phí. Ngoài ra, phải có cơ chế khuyến khích nhà ở giá trung bình trở xuống:

“Từ đó mới góp phần kéo giảm giá nhà, đẩy mạnh nguồn cung, thông qua các cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế, chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất và các thủ tục đầu tư. Đặc biệt là chính sách về tín dụng cho phát triển nhà ở, sang năm 2021 cơ chế đấy sẽ được triển khai”, ông Khởi cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại