Giá bất động sản quá cao vét cạn túi tiền người Trung Quốc?

Trung Mến |

Người Trung Quốc quan niệm, đàn ông phải có nhà mới nên nghĩ đến việc kết hôn. Không có nhà, sẽ rất khó để con của họ được đi học trường tốt.

Tình trạng giá bất động sản quá cao tại Trung Quốc đang gây tác động tiêu cực lên tiêu dùng. Giá bất động sản tăng quá mức khiến người mua nhà phải chịu nhiều khoản nợ lớn, thu nhập của họ vì vậy không còn lại bao nhiêu.

Ở Trung Quốc, việc sở hữu nhà có cực kỳ quan trọng, đặc biệt tại thủ đô. Những ai phải mua nhà thường phải rất “thắt lưng buộc bụng”, khác hẳn với những người có thể tiêu xài thoải mái.

Tại Bắc Kinh, nếu cha mẹ sở hữu căn hộ, họ sẽ để lại nó cho con trai khi con họ kết hôn. Thế nhưng những người nhập cư từ tỉnh khác đến phải tự mua nhà.

Khi hai người cùng là người nhập cư kết hôn tại Bắc Kinh, họ thường phải cố gắng bằng mọi cách vay mượn tiền từ họ hàng để mua nhà ở thủ đô, theo chia sẻ của đại diện một công ty bất động sản.

Người Trung Quốc quan niệm, đàn ông phải có nhà mới nên nghĩ đến việc kết hôn. Khi mà số lượng nam giới đến tuổi kết hôn vượt quá lượng nữ giới cùng độ tuổi, phụ nữ có thêm nhiều quyền để áp tiêu chuẩn cao với người mà họ muốn cùng lập gia đình.

Đó là chưa kể đến việc khi đi thuê nhà, cặp vợ chồng đó sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc muốn gửi con đi học ở trường tốt.

Giá căn hộ chung cư ở Bắc Kinh giờ đắt ngang với Tokyo, thậm chí hơn. Hai năm trước đây, một công chức nhà nước mua căn hộ có giá khoảng 565 nghìn USD. Việc trả nợ mua căn hộ này khiến vợ chồng anh còn rất ít tiền để chi tiêu.

Năm 2017, khoảng 1,7 tỷ mét vuông sàn bất động sản được bán ra với giá tổng 13,4 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Tổng giá trị tiền đặt cọc trung bình khoảng 33%, theo tính toán của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tương đương với khoảng 4,4 nghìn tỷ nhân dân tệ. Tổng nợ của các hộ gia đình tính đến cuối năm 2017 ở mức 40,5 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Việc phải dành quá nhiều thu nhập trả nợ cho việc mua nhà khiến người dân không còn nhiều tiền để chi tiêu. Doanh số bán hàng tiêu dùng giảm sâu khi mà tỷ lệ tiêu tiền vào bất động sản tăng đều đặn qua các năm 2011, 2013, 2016 và 2017. Những số liệu thống kê gần đây cho thấy tiêu dùng tại Trung Quốc còn tiếp tục đi xuống.

Tháng 1 và tháng 2 năm 2018, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng trưởng 9,7% so với cùng kỳ. Cục Thống kê Quốc gia khẳng định tiêu dùng tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thực theo tính toán của giới chuyên gia kinh tế thấp hơn con số được nói đến ở trên khá nhiều. Các chuyên gia kinh tế ước tính doanh số bán lẻ 2 tháng đầu năm chỉ tăng được 7,7%, tốc độ tăng trưởng thấp nhất từ năm 2003.

Năm 2017, tiêu dùng cá nhân tăng 5,4%, thấp hơn 1,4% so với tốc độ tăng trưởng của năm 2016. Tiêu dùng người dân trong dịp Tết Âm lịch cũng tăng trưởng chậm hơn trước rất nhiều.

Năm 2017, doanh số bán điện thoại thông minh tại Trung Quốc giảm lần đầu tiên. Quý IV/2017, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng được 6,8%, trong đó tỷ lệ đóng góp của tăng trưởng tiêu dùng cá nhân thấp nhất tính từ năm 2015.

Giá bất động sản tăng cao đang khiến chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc ngày một tồi tệ hơn. Giá bất động sản cao, những người giàu có tại Bắc Kinh và Thượng Hải có sở hữu nhiều bất động sản hưởng lợi.

Trong cùng lúc, tăng trưởng thu nhập của nhóm người có thu nhập trung bình chững lại còn tăng trưởng thu nhập của nhóm giàu lên mạnh trong năm 2016 và 2017.

Xu thế này chắc chắn khiến chính phủ Trung Quốc không hài lòng. Tháng 3/2018, Quốc hội Trung Quốc công bố kế hoạch nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế để giảm bớt gánh nặng thuế cho các công dân bình thường.

Tuy nhiên, xét đến quy mô khổng lồ những khoản nợ mà người dân đang phải gánh chịu, chính sách trên chưa mang đến giải pháp toàn diện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại