Chắc hẳn chúng ta từng phải trải qua cảm giác đếm từng giây phút, nhìn vào không gian vô định một cách sốt ruột khi muốn làm một thủ tục giấy tờ gì đó? Để giết thời gian, chúng ta có thể lấy những chiếc điện thoại thông minh ra lướt web, check facebook, instagram,...
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta lại không thể sử dụng smartphone để thực hiện kê khai thông tin, thay vì ngồi lướt web chứ?
Đó chính là lý do vì sao mà tất cả chúng ta nên... GATO (ghen ăn tức ở) với người Estonia, nơi mà chính phủ đã hiện thực hóa ý tưởng trên và dành nó cho người dân nước mình.
e-Estonia – Chính phủ trực tuyến đầu tiên trên thế giới
Có lẽ nhiều người không biết, nhưng Estonia là nơi ra đời của Skype - một trong những công cụ giao tiếp phổ biến nhất thế giới. Và quốc gia này đã bắt đầu triển khai dự án "chính phủ trực tuyến" từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi di chuyển thành công nhiều dịch vụ của nhà nước sang nền tảng sử dụng Internet.
Cụ thể, vào năm 1997, Estonia đã cho ra mắt trang web e-Estonia, cho phép mọi công dân bắt đầu từ năm 2000 có thể nộp thuế trực tuyến, nhận kết quả xét nghiệm y tế và đơn thuốc, ký các văn bản... Giờ đây thì thậm chí cả việc bỏ phiếu và cho phép công dân nước ngoài làm thủ tục nhập quốc tịch,... tất cả đều online.
Hình thức này nhanh chóng được một số quốc gia lân cận như Phần Lan, đảo Síp hay Nhật Bản học hỏi và áp dụng tại nước mình. Các quốc gia này đã liên kết với một số công ty của Estonia để xây dựng nền tảng thuế điện tử. Họ cũng "mượn" luôn hệ thống ID trực tuyến cho nhiều mục đích khác nhau, từ an sinh xã hội cho tới bầu cử hay ứng phó thiên tai.
Số hóa mọi dịch vụ liệu có an toàn?
Việc đưa mọi dịch vụ lên nền tảng trực tuyến đặt ra một câu hỏi cho Estonia, đó là hệ thống này liệu có đảm bảo an toàn cho thông tin và tài khoản người sử dụng?
Năm 2014, các nhà nghiên cứu tại ĐH Michigan, Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu, qua đó xác định được những nguy cơ an ninh của hệ thống bầu cử trực tuyến tại Estonia. Họ đưa ra đề xuất, cho rằng quốc gia này nên chấm dứt hệ thống trên ngay lập tức.
Tuy nhiên, e-Estonia lên tiếng bảo đảm rằng hệ thống bầu cử này có thể giữ an toàn con số phiếu bầu, cũng như thông tin cá nhân của người bỏ phiếu. Bên cạnh đó, công ty trên cũng cho biết công nghệ blockchain của họ đã cố gắng đảm bảo rằng không một ai – từ hacker cho tới quản trị viên hệ thống, và thậm chí cả chính phủ - có thể lợi dụng thông tin của cử tri.
Đại diện của e-Estonia cũng cho biết hệ thống bầu cử này chưa bao giờ bị tấn công hoặc xâm nhập. Những yếu tố có khả năng tác động làm tê liệt các cuộc bầu cử tại Estonia chỉ có thể xảy ra khi có các cuộc tấn công theo dạng truyền thông xã hội, như tung tin đồn thất thiệt hay các quảng cáo lừa đảo, gây hoang mang dư luận.
Hình mẫu của e-Estonia có thể được phổ cập toàn cầu trong tương lai?
Không thể phủ nhận rằng Estonia đã làm rất tốt việc điều hành một chính phủ trực tuyến. Tuy nhiên điều này không thể đồng nghĩa với việc có thể nhân rộng mô hình ra toàn thế giới.
Estonia là một quốc gia bé nhỏ, với số dân chỉ 1,3 triệu người, chỉ khoảng 1/6 của thủ đô Hà Nội. Với việc vô cùng hạn chế về số lượng dân tộc và ngôn ngữ, e-Estonia có thể vận hành một cách trơn tru, hiệu quả.
Vậy nên, các quốc gia khác với quy mô lớn hơn, tình hình chính trị, trị an phức tạp hơn sẽ khó lòng ứng dụng e-Estonia trong thời gian ngắn. Do vậy mà tính đến nay, chưa có quốc gia nào có thể theo kịp Estonia về lĩnh vực số hóa dịch vụ công, giúp quốc gia này đang trên đường trở thành quốc gia "kỹ thuật số" đầu tiên trên thế giới.
Nguồn: BBC Future