Hạnh phúc nhất trên đời là về nhà ăn cơm mẹ nấu. Năm tháng qua đi, vụ mùa cũng theo gió trôi đi mất, chỉ còn mẹ ngồi đó, với bao giọt mồ hôi.
Mỗi mùa lúa chín, mẹ vẫn thường dạy phải biết quý hạt gạo. Đó là hạt ngọc của trời, là mồ hôi nước mắt của bao người làm ra. Mỗi khi ăn cơm, có hạt nào rơi vãi, mẹ bảo nhặt vào bằng được, không được dẫm lên. Người không ăn thì để đó vật ăn.
Những món ăn dân dã, bình dị mẹ nấu, tưởng chừng đã bị lãng quên từ thời bao cấp, nay "chễm chệ" trên mâm cơm nhà mình. Mẹ không nấu những thứ "siêu to khổng lồ", hôm nay mẹ nấu bánh đúc, ngày mai là đĩa gà xào sả ớt, hôm sau con có bát canh cua mát rượi ngày hè. Cứ như thế, mẹ bước vào "lãnh địa" Youtube tự nhiên như chính hơi thở thường ngày.
Thời điểm này, kênh Youtube "Ẩm thực mẹ làm" đã đạt hơn 147.000 người đăng ký.
Làng quê Tân Sơn 9, Xuân Phương, Phú Bình, Thái Nguyên có căn nhà cấp 4 đơn sơ của mẹ, có bếp củi nồng đượm khói chiều, có khu vườn xanh mát, có 2 chú chó Mập Mập và Lạc Lạc, có đôi bạn gà thỉnh thoảng đi lạc vào khoảng sân và cả bầy heo thay nhau kêu ầm ĩ từng hồi.
"Ẩm thực mẹ làm" ra đời giữa chốn quê hương thân quen như thế, mặc cho ngoài kia, làn sóng dữ dội của thế hệ người già làm Youtube xoay vần mỗi ngày. Mẹ chọn con đường đi khác biệt, mộc mạc, chân phương và vô cùng đẹp đẽ.
Ghé thăm 2 mẹ con đằng sau kênh Youtube "Ẩm thực mẹ làm". Thực hiện: Kingpro.
Mẹ không hiểu Youtube là gì và mẹ phải "diễn" như thế nào
Mẹ tên Dương Thị Cường, 55 tuổi. Mẹ sinh ra đã mang trong mình gốc gác là một người nông dân. Lớn lên, ngoài việc đồng áng, mẹ còn tranh thủ chăm thêm bầy gà, đàn heo. Mẹ bảo, đời mẹ trước khi biết đến Youtube, cơ bản cứ yên bình như thế mỗi ngày.
Mẹ có cậu con trai là Đồng Văn Hùng, 23 tuổi, làm thợ chụp ảnh trên Hà Nội. Những ngày Hùng không về, chỉ mình mẹ với căn nhà nhỏ, khu vườn kia, tự phục vụ chính mình. Thỉnh thoảng về quê, Hùng quay cho mẹ vài clip, chụp dăm bộ ảnh, gọi là lưu giữ kỷ niệm.
Nhưng khi mẹ xuất hiện trên mạng xã hội, mẹ giản dị, mẹ chất phác, mẹ nhẹ nhàng, đúng chất... một người nông dân. Điều này kể ra cũng hơi vô lý, nhưng chính giữa mênh mông hiện đại thời nay, con người lại da diết biết nhường nào hình ảnh của mẹ. Họ bày tỏ mong muốn được ngắm mẹ nhiều hơn nữa, trong chính sự mộc mạc hàng ngày đó.
Hùng chợt nghĩ, cậu lớn lên nhờ những bữa cơm của mẹ, những món ăn gắn liền với ký ức tuổi thơ. Và thế là, kênh Youtube mang tên "Ẩm thực mẹ làm" xuất hiện. Ở đó, có người mẹ nông dân tần tảo cùng những món ăn đồng quê thân thuộc do chính tay mẹ nấu. Bên mẹ, không xô bồ, vội vã, chỉ có cảm xúc và những đứa trẻ của ngày xưa.
Đôi khi, chỉ bát canh cua và nụ cười của mẹ mà sao lũ trẻ xa quê lại muốn khóc oà lên vỡ vụn.
Mẹ Dương Thị Cường, 55 tuổi. Mẹ mộc mạc và giản dị, chân quê.
Mỗi ngày, mẹ dậy từ sớm lo việc đồng áng rồi về nhà cơm tấm lợn gà.
Cậu con trai hiền lành, chất phác của mẹ Cường.
Mẹ không hiểu Youtube là gì và mẹ phải "diễn" như thế nào. Nhưng Hùng bảo, mẹ không cần phải làm gì cả. Cứ hãy là mẹ của mỗi ngày: đồng áng và cơm nước. Chỉ quanh quẩn thế thôi. Và mẹ hiểu ra từng ngày, từ sự ngượng ngùng ban đầu cho đến những clip bỡ ngỡ đầu tiên.
"Cô dậy sớm, cám tấm lợn gà xong xuôi mới dành thời gian làm Youtube. Mới đầu thì cũng khó khăn, nhưng dần dần rồi cô cũng quen. Như công việc hằng ngày cô vẫn làm, chỉ có điều cẩn thận, cầu kì và lâu hơn thôi" - mẹ nói.
Không kịch bản, có gì quay nấy. Mẹ ra đồng, Hùng cũng ra đồng. Mẹ vào bếp, Hùng cũng lọ mọ chui vào nhóm củi. Mẹ chỉ làm những món ăn dân dã từ ngày xưa khi bà ngoại còn sống. Thịt, rau, trứng,... chẳng phải đâu xa, đều từ vườn nhà mà ra. Mẹ làm bánh đúc, kẹo lạc, nồi cháo trai đậm đà hương vị quê, đĩa rau tầm bóp xào tỏi, rồi cả canh rau dền thịt băm, nộm hoa chuối, măng luộc chấm tương, cơm lam chấm muối lạc...
Bất kể món gì, mẹ cũng nấu được, bằng chính nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà, gia vị thêm tình thương và sự mộc mạc. Mỗi clip là một thước phim ngắn, tái hiện chân thực cuộc sống sinh hoạt đời thường của mẹ.
Thứ nhạc Hùng đưa vào, khiến người nghe da diết từng khúc. Cảnh Hùng quay, dù không quá cầu kì, nghệ thuật, nhưng đủ đẹp và dễ đi vào lòng người.
Đôi khi, chỉ là tiếng lá vỗ xào xạc vào nhau, hay vài tia nắng sót lại của một buổi chiều quê. Ai cũng thòm thèm dõi theo từng cảnh mẹ nấu, muốn ăn thử, làm thử,... và hơn thế, là muốn chạy ngay về với mẹ, ngồi bên mâm cơm nhà giản dị mà yêu thương.
"Cô muốn truyền lại những món ăn cổ xưa cho con cháu, như mẹ cô trước đây, cũng đã dạy cô nấu ăn từ lúc nhỏ. Đặc biệt, cô muốn Hùng biết được, ngày xưa bà và mẹ đã cực khổ thế nào".
Món đơn giản, mẹ làm một buổi là xong. Nhưng cầu kì hơn, có khi cả ngày mới thành. Nhưng khi được hỏi, liệu mẹ có mệt không? Mẹ chỉ cười, bảo cuộc sống của mẹ vốn vậy, giờ làm thêm Youtube lại thêm vui.
"Có nhiều niềm vui ập đến, nhưng có lẽ vui nhất là cô được gần gũi con trai mình hơn, gắn bó nhiều hơn. Từ ngày Hùng xuống Hà Nội làm việc, cô chưa được thăm con lần nào. Về nhà, Hùng cho cô xem lại clip, khoe có bao nhiêu người đăng ký, thế là cô phấn khởi.
Thời đại bây giờ tiến lên, nhiều cái không còn giữ được nét cổ xưa, nhưng cô muốn giữ mãi nét đẹp này. Giờ cô mới biết, làm như thế để cuộc sống mình vươn lên".
Căn nhà cấp 4 đơn sơ của mẹ.
Mỗi ngày, mẹ ra vườn hái rau vào làm bữa cơm đạm bạc.
"Mình rất vui vì đã truyền được cảm xúc đến người xem"
"Ẩm thực mẹ làm" chính thức "chào sân" Youtube từ ngày 26/2/2019.
2/6/2019, sau 96 ngày xây dựng, kênh đạt mốc 100.000 người đăng ký, 22 clip, lượt xem trung bình 200-300 nghìn. Một sự phát triển tuy chậm nhưng chất lượng. Và hơn hết thảy, ước mơ nút bạc của 2 mẹ con đã trở thành hiện thực.
Từ con số 0 tới 50.000 người đăng ký, Hùng tự hào, lý do "Ẩm thực mẹ làm" gây được sự chú ý là nhờ nội dung. Làm Youtube, bên cạnh những chiêu trò, nội dung vẫn phải là ưu tiên số một. Những gì là trào lưu, thường chỉ kéo dài một thời gian rồi biến mất. Hành trình tiếp theo chạm mốc 100.000 đăng ký, không ai giúp đỡ, với một Youtuber "chân ướt chân ráo" như Hùng, đó phải gọi là sự may mắn.
"3 tháng đi lên từ con số 0, thật sự có những lúc mệt mỏi, mình chỉ có suy nghĩ là nghỉ ngơi rồi tiếp tục quay lại làm clip. Không bao giờ mình bỏ cuộc, vì động lực lớn nhất chính là các khán giả đã ủng hộ 2 mẹ con suốt thời gian qua. Có những lời bình luận rất xúc động, ví như, đa số mọi người xem xong đều nói nhớ nhà, nhớ mẹ, thậm chí đã không kìm được nước mắt. Mình rất vui vì đã truyền được cảm xúc đến người xem".
Căn bếp nhỏ đúng chất thôn quê của mẹ.
Vài ba thứ "đồ nghề" của mẹ cũng không có gì nhiều.
Có người xem clip của "Ẩm thực mẹ làm", bảo nhớ nhà, nhớ quê hương, rồi bỗng chốc muốn thu mình lại, cảm thấy mệt mỏi giữa phố xá thị thành. Xin một tấm vé về với tuổi thơ, vào mùa nhanh nhanh chóng chóng lẽo đẽo theo mẹ đi cấy.
Vui có, buồn cũng có, nhưng đọng lại những ký ức không bao giờ quên được. Nơi mà có thể bây giờ là những con đường bê tông hoá, hiện đại biết nhường nào, đều có dấu chân của những ngày thơ bé.
Hùng nghĩ, mọi người yêu thích kênh của 2 mẹ con là nhờ nét đẹp mộc mạc nhất có thể qua từng góc quay cậu muốn truyền đạt. Nhân vật chính là mẹ và con, đôi khi Mập và Lạc, cùng lũ mèo, bầy gà xung quanh nhảy vào hí hoạ, "đòi" làm nhân vật phụ.
Trung bình 5-6 ngày, Hùng và mẹ cho ra một clip. Từ khi được nhiều người quan tâm, yêu cầu nội dung hay, súc tích hơn, có thể 7 ngày một clip.
"Đây là lần đầu tiên mình làm Youtube" - Hùng thổ lộ. "Ban đầu hơi khó khăn về quay dựng, mình còn nhiều bỡ ngỡ, mẹ vẫn chưa quen. Có những món ăn không thành công, vì mình quay chậm, mẹ phải chịu khó nấu lại. Tuy vất vả hơn, nhưng lúc nào mẹ cũng bảo, không làm mẹ không chịu được, bởi mẹ vốn quen với những nhọc nhằn.
Ai cũng có một người mẹ tần tảo, mà trong mắt họ, mẹ là duy nhất. Mình muốn kể những câu chuyện của riêng mẹ và mình, truyền tải cho mọi người về sự vất vả đó".
Là thợ chụp ảnh, Hùng vẫn cố duy trì công việc để tạo ra thu nhập, lo cho cuộc sống. Không có sự đánh đổi nào giữa Youtube và nhiếp ảnh, cậu chỉ phải dành thêm nhiều thời gian, về nhà nhiều hơn, gần mẹ nhiều hơn. Nếu sau này phát triển, có thể cậu sẽ về hẳn.
"Mình nghĩ những câu chuyện đơn giản, mộc mạc dễ đi vào lòng người. Ai từng ghé kênh "Ẩm thực mẹ làm" một lần đều giữ chân ở lại. Điều mong muốn lớn nhất là sao cho mình có thể cố gắng làm ra thật nhiều sản phẩm thật tốt.
Mẹ đỡ mệt mỏi, có thêm niềm vui, niềm phấn khởi. Nhớ nhất khi quay xong clip đầu tiên, nhiều người biết đến và ủng hộ tới nỗi 2 mẹ con nói chuyện suốt tới đêm mới ngủ được vì vui quá. Mình tin, hình ảnh người mẹ đã chạm tới trái tim nhiều khán giả".
"Hai nhân vật phụ" góp phần đều đặn trong các clip của mẹ.
"Hạnh phúc chính là bên mẹ và thấy nụ cười của mẹ"
Chắc chắn, trào lưu ông bà già làm Youtube sẽ còn phát triển hơn nữa, nhưng tới đâu thì chưa ai có thể nói trước. Dẫu sao, đó cũng là một hiện tượng tích cực, khi những người nông dân, những thế hệ U60, U70, cố gắng tạo ra thêm niềm vui, thu nhập vào tuổi xế chiều. Cuộc sống tuổi già, nhờ thế cũng đỡ vất vả, lo toan.
"Ẩm thực mẹ làm" khác với "Bà Tân Vlog" và nhiều kênh tương tự khác. Cùng khai thác chủ đề nấu ăn vùng quê, nhưng chấp nhận rẽ ngang, đi ngược chiều với xu hướng "siêu to, khổng lồ". Sự đầu tư nghiêm túc, góc quay, thông điệp và tâm hồn gửi gắm, đã giúp một kênh Youtube có vẻ như lép vế rất nhiều, lại được ưu tiên và chú ý đến vậy.
Dù các kênh khác có tốc độ phát triển nhanh hơn "Ẩm thực mẹ làm" gấp 10, thậm chí 20 lần, nhưng chưa bao giờ Hùng đặt lên bàn cân để so sánh. Công sức bỏ ra, thì dù 50.000 hay 500.000 đăng ký, đều xứng đáng như nhau.
"Tất cả Youtuber đều muốn kênh đi lên, ai phát triển nhanh hơn, mình nghĩ một phần nhờ may mắn. Nếu cố gắng, mình hy vọng cũng sẽ nhận được sự may mắn đó và đem đến nhiều nội dung thực sự mang lại giá trị cho người xem.
Tất nhiên khi kênh được bật chức năng kiếm tiền, có thể tạo một mức thu nhập để lo cho mẹ và bản thân, thì đấy cũng là một điều tốt. Chủ yếu, mình mong muốn đưa nét đẹp văn hoá, hình ảnh quê hương đến với nhiều bạn hơn nữa".
Mẹ đã trồng những ruộng lạc, ruộng ngô, những giọt mồ hôi lăn trên má thấm đẫm nỗi vất vả. Ngày xưa ấy, là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời! Tuổi thơ của chúng ta là đây, một thời mò cua bắt cá. Nhẹ nhàng, không ồn ào, mọi thứ cứ thế êm ả trôi...
"Mình chưa thể hứa hẹn, chỉ dám hy vọng có thể phát triển hơn nữa kênh ẩm thực của mẹ, kể lại những câu chuyện thời ấu thơ mình từng trải qua, cùng những món ăn chở theo bao kỷ niệm, đặc biệt khắc họa hình ảnh người mẹ tần tảo.
Mẹ đã dành cả một đời để dành dụm những thứ tốt đẹp nhất cho chúng ta. Dù bạn là ai, ở đâu, làm gì, hãy biết quý trọng, thương yêu mẹ. Hạnh phúc chính là bên mẹ và thấy nụ cười của mẹ".