Bài viết được biên tập từ chia sẻ của Ella Jones trên trang Insider.
Tôi sinh năm 2000, trong ký ức của tôi thì ở nhà tôi chưa bao giờ thiếu máy tính. Tới năm 12 tuổi, tôi có chiếc điện thoại đầu tiên nhờ tự tiết kiệm để mua. Năm 13 tuổi, tôi tham gia mạng xã hội lần đầu. Sau đó tôi sở hữu chiếc iPhone 3GS và sử dụng Instagram, Snapchat, Tumblr hay YouTube - đều là những nền tảng phổ biến trong vòng tròn xã hội của tôi.
Khi lên đại học, có nhiều thời điểm tôi nhận ra Instagram thực sự gây nghiện và đã cố gắng cai nghiện khỏi nó. Một mùa hè nọ, bạn trai (hiện là chồng tôi), đã hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra nếu bọn mình không có smartphone nhỉ?”.
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đó. Chúng tôi rà qua một lượt tất cả những thứ thiết yếu yêu cầu mình phải sử dụng smartphone. Đối với tôi đó là nhắn tin, gọi điện và Google Maps. Chúng tôi đi tìm xem có chiếc điện thoại nào không phải là smartphone nhưng lại có tất cả những chức năng đó. Khi đã tìm ra, cả hai quyết định dùng thử chúng để biết liệu chúng tôi có thể giảm sự phụ thuộc vào công nghệ hay không.
Từ tháng 7/2021, bạn trai tôi trang bị một chiếc Nokia 800 và tôi thì có chiếc Nokia 2720 Flip - tôi muốn một chiếc điện thoại nắp gập thú vị. Tôi sử dụng chiếc điện thoại đó suốt 9 tháng cho đến khi nó không còn phù hợp nữa. Sau đó, tôi sớm nhận được một công việc đòi hỏi tôi phải có một chiếc điện thoại cao cấp hơn.
Tôi phát hiện ra mình phụ thuộc vào công nghệ nhiều hơn tôi tưởng.
Lợi ích bất ngờ của điện thoại “cục gạch”
Chiếc điện thoại nắp gập tôi có vừa cồng kềnh vừa chậm chạp. Để gõ một ký tự, có khi tôi phải nhấn nút tới 3 lần, và tất nhiên nó không có màn hình cảm ứng hay giao diện nhanh chóng, đầy màu sắc cực kỳ gây nghiện trên smartphone.
Tôi không còn cảm thấy ham muốn lướt điện thoại trong vô thức và buộc phải “sống chậm” lại. Toàn bộ chiếc điện thoại không có chút “thông minh” nào, dù nó vẫn kết nối được Internet. Tôi có nhiều nhóm chat trên WhatsApp, nhưng không thể theo kịp tin nhắn của mọi người bởi việc gõ văn bản trở nên quá chậm chạp, khiến tôi dành ít thời gian tương tác hơn.
Trên lý thuyết, chiếc điện thoại này vẫn tải được app và lướt Facebook, nhưng không có gì vui vẻ khi lướt web trên chiếc màn hình bé xíu đó cả, nên tôi gần như không động tới mạng xã hội.
Một lợi ích bất ngờ của chiếc điện thoại nắp gập “lạc hậu” này là nó không thể chỉ hướng bằng âm thanh qua Google Maps. Tôi buộc phải tự ghi lại đường đi trên giấy nhớ. Kết quả là, khả năng điều hướng và nhớ đường của tôi đã được cải thiện rất nhiều.
Cuối cùng, tôi đặc biệt nhớ việc có thể chụp ảnh một cách tử tế hoặc quét mã QR. Một bất tiện khi đi ăn ngoài là rất nhiều nhà hàng hiện nay yêu cầu quét mã để xem menu. Trong những trường hợp như vậy, tôi thường phải nhờ bạn bè hoặc xin menu giấy (mà thường là họ không có sẵn).
Tháng 6/2022, tôi nhận được một công việc mới là làm nhà sáng tạo nội dung. Lúc này, tôi buộc phải có một chiếc smartphone để làm việc trên mạng xã hội. Ngoài ra, tôi cần tính năng quay video 4K để làm YouTube, vậy nên tôi đã chuyển sang sử dụng chiếc iPhone 12 Mini.
Không còn “nghiện” điện thoại
Bằng việc sử dụng một chiếc điện thoại nắp gập, tôi muốn đi ngược lại nền văn hóa tiêu thụ nội dung thừa mứa và tiện lợi quá mức. Việc này đúng là rất khó khi tôi phải thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất, như ghi lại đường đi trên giấy nhớ hay sử dụng laptop thường xuyên hơn cho công việc.
Trải nghiệm này cũng cho tôi thấy rằng công nghệ và xu hướng là không thể tránh khỏi. Dù đã cố “bơi ngược dòng” nhưng cuối cùng tôi vẫn bị cuốn đi và phải quay về sử dụng smartphone. Phần nào đó trong tôi cảm thấy mình đã thất bại.
Tuy nhiên, một phần khác trong tôi lại dấy lên cảm giác tự hào bởi tôi không còn sợ nghiện smartphone nữa. Tôi đã có thể sống một cuộc sống không cần tới nó. Bất kỳ lúc nào tôi cũng có thể quay trở lại sử dụng chiếc điện thoại nắp gập nếu thói quen dùng smartphone của tôi trở nên mất kiểm soát.
Trước khi dùng chiếc điện thoại nắp gập đó, mỗi ngày tôi dành tới 5 giờ lướt smartphone. Nhưng giờ đây, con số đó chỉ còn 1-2 giờ. Năm 2024, tôi cũng quyết định sẽ không sử dụng Facebook hay Instagram nữa. Đã xa rồi những ngày “dán mắt” vào smartphone như khi tôi còn tuổi teen.