GDP quý 2 tăng 4,14%, báo nước ngoài đánh giá Việt Nam đã ‘tăng trưởng tốt hơn’

Dy Khoa |

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

GDP quý 2 tăng 4,14%, báo nước ngoài đánh giá Việt Nam đã ‘tăng trưởng tốt hơn’ - Ảnh 1.

Ảnh: Dy Khoa.

Tờ The Star của Malaysia dẫn lại bài viết của Bloomberg cho biết, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn dự kiến ​​trong quý 2. Bài viết cho rằng nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của nước ta vẫn có đà tăng trưởng mặc dù nhu cầu hàng hóa toàn cầu chậm lại.

Tổng sản phẩm trong nước trong quý kết thúc vào tháng 6 tăng 4,14% so với một năm trước, Tổng cục Thống kê cho biết trong một tuyên bố. Trong khi trước đó, trong một khảo sát của Bloomberg thì đã ước tính trung bình cho mức tăng trưởng 3,8% cho quý vừa qua.

“Sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất là chìa khóa để thúc đẩy hoạt động tổng thể ở Việt Nam, nơi xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế”, bài viết này nêu.

Cạnh đó, Bloomberg cũng đề cập và đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bốn đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế sau khi phục hồi có dấu hiệu cạn kiệt.

Bên cạnh nhắc lại các chỉ số đã được công bố, Reuters cũng nêu thêm một số nhận định. “Việt Nam, một trung tâm sản xuất của khu vực, đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm lại, bằng việc ngân hàng trung ương (Ngân hàng Nhà nước - PV) cắt giảm lãi suất bốn lần trong năm nay và các nhà lập pháp gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng”, bài viết của hãng tin hàng đầu có đoạn.

Reuters dẫn nguồn báo cáo Tổng cục Thống kê cho biết, lĩnh vực dịch vụ đã tăng 6,11% trong quý 1 so với một năm trước đó, trong khi lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 3,25% và lĩnh vực sản xuất và xây dựng tăng 2,50%.

Nhưng xuất khẩu trong quý 2 đã giảm 14,2% so với một năm trước đó do nhu cầu toàn cầu yếu, cơ quan này cho biết thêm rằng nhập khẩu giảm 22,3%.

Reuters nêu thêm: Các nhà phân tích cho rằng nhập khẩu giảm mạnh có thể cho thấy sự chậm lại trong sản xuất công nghiệp, do các doanh nghiệp giảm mua sắm nguyên vật liệu và thiết bị.

Việt Nam là nước xuất khẩu chủ lực các mặt hàng điện tử, dệt may, giày dép và đồ gỗ, bao gồm cả các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Capital Economics, hôm thứ Năm tuần này, đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 4,5% trong năm nay, từ mức 5,0%.

“Với môi trường bên ngoài có thể vẫn không thuận lợi trong nửa cuối năm, chúng tôi cho rằng nền kinh tế sẽ gặp khó khăn trong những quý tới,” Capital Economics cho biết.

Đơn vị dự báo nói thêm rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cắt giảm lãi suất chính sách hơn nữa, 100 điểm cơ bản, vào cuối năm nay, lưu ý rằng lạm phát đã giảm bớt.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% trong năm nay, chậm hơn so với mức tăng trưởng 8,02% của năm ngoái.

Reuters tiếp tục dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết thêm, sản lượng công nghiệp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 đã giảm 1,2% so với một năm trước đó. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ doanh thu nửa đầu năm nay tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá tiêu dùng bình quân trong kỳ tăng 3,29%.

Tổng cục Thống kê cho biết, sản lượng điện thoại thông minh, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đã giảm 27,1% trong quý 2 so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 39,8 triệu chiếc. Sản lượng may mặc trong quý giảm 2,9% và sản lượng giày dép giảm 4,1%.

GDP quý 2 tăng 4,14%, báo nước ngoài đánh giá Việt Nam đã ‘tăng trưởng tốt hơn’ - Ảnh 2.

Các báo quốc tế đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ lãi suất. Ảnh minh họa: Dy Khoa.

Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) nêu nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 4,14% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm trước.Hãng này nhắc lại tăng trưởng quý 1 là 3,3%. Tuy nhiên, con số này vẫn chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng trước đó khi nhu cầu xuất khẩu giảm.

“Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam tăng trưởng khoảng 6% đến 7% hàng năm trước COVID-19. Nó cũng tăng 8% vào năm 2022 khi phục hồi sau đợt sụt giảm do COVID”, Nikkei Asia nhìn lại.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã chậm lại trong năm nay do nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa như may mặc và điện tử, những mặt hàng đến từ lĩnh vực sản xuất cốt lõi của Việt Nam, đang chững lại.

Mức tăng 4,14% trong quý 2 là mức thấp thứ hai trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 kể từ năm 2011, Tổng cục Thống kê Việt Nam lưu ý trong báo cáo. Vào năm 2020, khi COVID tấn công khắp thế giới, nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng ở mức thấp 0,34%.

“Trong ba tháng tính đến tháng 6, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,5%. Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 6,11% trong quý.

Lượng khách du lịch nước ngoài trong tháng 6 đạt khoảng 1 triệu lượt, tăng gấp 4 lần so với cùng tháng năm ngoái nhưng bằng khoảng 70% so với trước COVID”, tờ báo chuyên tài chính của Nhật Bản nêu.

Theo dữ liệu được công bố, xuất khẩu tháng 6 dự kiến ​​sẽ thấp hơn 11,4% so với một năm trước đó, một phần do doanh số bán điện thoại thông minh và máy tính cá nhân trên toàn cầu sụt giảm.

Nikkei Asia cũng nhắc việc nước ta đã thực hiện các bước để hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó có việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, thiết lập để giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ 10% trong sáu tháng kể từ tháng 7 để kích thích hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Việt Nam Lê Đăng Doanh nhấn mạnh với Nikkei Asia về nhu cầu đẩy nhanh cải cách cơ cấu.

“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy chuyển đổi số, doanh nghiệp điện tử và dịch vụ Chính phủ điện tử”, ông Doanh nói. “Còn phải kết nối chuỗi giá trị với đối tác nước ngoài, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại