Tại họp báo công bố Triển vọng Phát triển Kinh tế Việt Nam do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức sáng ngày 4/4, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB cho biết, kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng trong năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và sự phục hồi của tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, đại dịch đã làm bộc lộ các vấn đề mang tính cơ cấu, và đây cũng là những rủi ro chủ yếu đối với nền kinh tế. Tăng trưởng được dự báo giảm nhẹ trong 2 năm tới và lạm phát dự kiến sẽ tăng lên. Một thách thức chính của Việt Nam là xử lý những vấn đề trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả các khoản nợ xấu đang gia tăng. Trong bối cảnh đó, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,5%.
Số liệu gần đây nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam trong quý I/2023 chỉ ra rằng, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Vị kinh tế trưởng Ngân hàng ADB nhận định, kết quả của Quý I cho thấy mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Chỉ duy nhất lĩnh vực dịch vụ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong quý I, với giá trị tăng thêm của ngành này tăng 6,79% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, ông Cường đánh giá, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% như Chính phủ đã đặt ra, Việt Nam cần phải đạt được 3 đột phá chính.
Theo đó, đột phá thứ nhất đến từ lĩnh vực đầu tư công. Cụ thể, dự kiến một lượng lớn vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ ngành và tỉnh để giải ngân từ tháng 1/2023.
“Có thể thấy, 30 tỷ USD là một con số rất là lớn nhưng cũng sẽ là một đột phá rất mạnh. Bởi vì nếu như Việt Nam giải ngân được hết 30 tỷ USD thì sẽ đóng góp khoảng 1% vào GDP của cả nước”, ông Cường cho hay.
Thứ hai là việc Việt Nam chuyển hướng sang chính sách nới lỏng . Theo đó, vào ngày 7/3, Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng trung ương hành động để hỗ trợ thanh khoản và phục hồi kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra quyết định trong bối cảnh thị trường vốn căng thẳng, khiến tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Trong khi đó, lạm phát giảm nhẹ và tình trạng bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây ở Mỹ được đánh giá là sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ giảm bớt chính sách thắt chặt tiền tệ diều hâu, qua đó có khả năng làm giảm lạm phát do chi phí đẩy từ bên ngoài. Đồng thời, áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam gia tang, khi nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ.
Ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất chiết khấu từ 4,5% xuống còn 3,5%, lãi suất qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán bù trừ qua ngân hàng trung ương từ 7,0% xuống 6,0% và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 5,5% xuống còn 5,0% (có hiệu lực từ ngày 15/3). Ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,0%.
Ông Cường cho biết, chính sách giảm lãi suất điều hành bất ngờ khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB phát biểu tại họp báo
“Việc chuyển hướng từ chính sách thắt chặt để kiểm soát lạm phát sang nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng là một quyết định vô cùng quan trọng. Việc hỗ trợ tăng trưởng này sẽ là yếu tố đột phá thứ hai để tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 6,5%”, ông Cường nhấn mạnh.
Cuối cùng là việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa. Theo kinh tế trưởng ADB, các lĩnh vực từ từ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ở Trung Quốc đang có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng mạnh sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình phục hồi kinh tế ở Việt Nam.
Trong đó, lĩnh vực dịch vụ dự kiến tăng 8,0% trong năm 2023 nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi. Không chỉ vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp. Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2023.