Nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái sau khi GDP âm 2 quý liên tiếp. Ảnh: Reuters.
Ngày 28/7, Bộ Thương mại Mỹ cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã thu hẹp trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6/2022, đánh dấu quý suy giảm kinh tế thứ hai liên tiếp.
Cụ thể, GDP Mỹ đã giảm 0,9% trong quý II/2022, trái ngược so với dự báo tăng 0,3% của nhiều chuyên gia kinh tế. Trước đó, GDP Mỹ cũng giảm 1,6% trong quý I/2022.
Về mặt lý thuyết, việc GDP giảm 2 quý liên tiếp đã đáp ứng định nghĩa suy thoái. Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia, đây có thể chưa phải là suy thoái cho tới khi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) chính thức tuyên bố tình trạng.
Việc nền kinh tế Mỹ giảm tốc trong quý II chủ yếu do áp lực nhiều hơn từ lạm phát, lãi suất tăng, tăng trưởng việc làm chậm lại, doanh số bán nhà giảm và các khó khăn khác.
Nhìn chung, lạm phát vẫn đang là cội nguồn rắc rối của nền kinh tế. Chỉ số CPI đã tăng lên 8,6% trong quý II/2022, tốc độ tăng mạnh nhất kể từ quý IV/1981.
Ở một diễn biến khác, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan quyết định chính sách của FED - cũng đã tăng lãi suất cho vay cơ bản lên mức 2,25-2,5%. Đây là lần tăng 0,75 điểm phần trăm thứ hai liên tiếp và là lần nâng lãi suất thứ tư trong năm nay.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng trung ương của Mỹ có hành động mạnh để hạ nhiệt mức lạm phát tăng cao nhất trong hơn 4 thập kỷ mà không làm gián đoạn nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy FED lưu ý dấu hiệu nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, cơ quan này vẫn có các tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục tăng chi phí đi vay. Chủ tịch FED, ông Jerome Powell, đã tỏ rõ thái độ rằng lãi suất cơ bản hoàn toàn có thể được nâng thêm một lần nữa với mức cao hơn.
Ông cho biết FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi có chứng cứ chắc chắn rằng lạm phát đang quay đầu trở lại mục tiêu 2%.