Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1990, GDP bình quân của Lào gấp 2 lần Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ này đã có sự thay đổi rõ rệt.
Giai đoạn 1990-1995, GDP bình quân của Việt Nam liên tục thấp hơn Lào. Năm 1995, GDP bình quân của Lào đạt khoảng 364 USD, còn Việt Nam đạt khoảng 277 USD. Tuy nhiên, đến năm 1997, GDP bình quân của Việt Nam đã vượt qua Lào. Năm 1997, GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 348 USD, còn của Lào đạt khoảng 346 USD.
Năm 2021, GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 3.694 USD và GDP bình quân của Lào đạt khoảng 2.551 USD. Theo đó, GDP bình quân của Việt Nam gấp khoảng 1,45 lần GDP bình quân của Lào. Như vậy, sau 32 năm, GDP bình quân của Việt Nam từng chỉ bằng 1/2 Lào thì đến nay đã gấp 1,45 lần.
GDP bình quân của Việt Nam và Lào giai đoạn 1990-2021. Nguồn: WB.
Trong giai đoạn 1990-2021, GDP bình quân của Việt Nam đã tăng gần 40 lần, còn GDP bình quân của Lào tăng hơn 12 lần.
Xét trong toàn bộ các nước thuộc khối ASEAN, thứ hạng GDP bình quân của Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt trong giai đoạn 1990-2021.
Năm 1990, thu nhập bình quân của Việt Nam xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar (49,26 USD). Sang năm 1996, GDP bình quân của Việt Nam đã vượt thêm Campuchia, xếp thứ 8/10 các quốc gia ở Đông Nam Á. Lúc này, GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 324 USD, cao hơn Myanmar (130 USD) và Campuchia (319 USD).
Từ năm 1997-2021, GDP bình quân đã vượt qua Philippines, Myanmar, Campuchia và Lào. Cụ thể, đến năm 2021, GDP bình quân của Việt Nam xếp thứ 6/10 các quốc gia trong khối ASEAN.
Hiện nay, GDP bình quân của Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia vẫn xếp trên Việt Nam. GDP bình quân của Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Indonesia đang gấp lần lượt là 16 lần, 8 lần, 3 lần, 2 lần và 1,2 lần so với GDP bình quân của Việt Nam.
GDP bình quân các nước trong khối ASEAN giai đoạn 1990-2021. Nguồn: WB.
Sau 32 năm nỗ lực phát triển, GDP bình quân của Việt Nam đã tăng từ 96 USD năm 1990 lên 3.694 USD năm 2021.
Trong giai đoạn 1990-2021, GDP bình quân của Việt Nam có mức tăng lớn nhất trong khu vực ASEAN (gấp gần 40 lần). Các quốc gia khác đều có sự cải thiện nhưng chậm hơn như: Myanmar (gấp 24,1 lần), Lào (gấp 12,5 lần), Campuchia (gấp 8 lần), Indonesia (gấp 7,3 lần), Singapore (gấp 6,14 lần), Thái Lan (gấp 4,8 lần), Malaysia (gấp 4,65 lần), Philipines (gấp 4,35 lần) và Bruinei (gấp 2,3 lần).