GDP bình quân từng bằng 1/8 Philippines, Việt Nam đã vượt qua được bao nhiêu năm?

Minh Tiến |

Năm 1989, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 102 USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN.

GDP bình quân từng bằng 1/8 Philippines, Việt Nam đã vượt qua được bao nhiêu năm? - Ảnh 1.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giai đoạn 1989-2019, GDP bình quân của Việt Nam liên tục thấp hơn Philippines. Năm 1989, GDP bình quân của Philippines đạt khoảng 817 USD, gấp 8 lần GDP bình quân của Việt Nam (102 USD). Năm 2019, GDP bình quân của Philippines đạt khoảng 3.512 USD còn Việt Nam đạt khoảng 3.398 USD.

Tuy nhiên, đến năm 2020, GDP bình quân của Việt Nam đã vượt qua Philippines. Năm 2020, GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 3.514 USD, còn của Philippines đạt khoảng 3.325 USD. Theo đó, thu nhập bình quân của Việt Nam đã vượt qua Philippines sau 31 năm khi từng chỉ bằng 1/8.

GDP bình quân từng bằng 1/8 Philippines, Việt Nam đã vượt qua được bao nhiêu năm? - Ảnh 2.

GDP bình quân của Philippines và Việt Nam giai đoạn 1989-2021 và dự báo 2022-2023. Nguồn: IMF.

Giai đoạn 2020-2021, GDP bình quân của Việt Nam xếp trên Philippines. Năm 2021, GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 3.718 USD, còn thu nhập bình quân của Philippines đạt 3.576 USD.

Năm 2022 và 2023, theo dự báo của IMF, GDP bình quân của Việt Nam tiếp tục xếp trên Philippines. Cụ thể, năm 2022, GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 4.163 USD, còn GDP bình quân của Philippines đạt khoảng 3.597 USD. Năm 2023, IMF dự báo GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 4.682 USD, còn GDP bình quân của Philippines đạt khoảng 3.764 USD.

Như vậy, tính đến 2022, GDP bình quân của Việt Nam vượt qua Philippines được 3 năm.

Xét trong toàn bộ các nước thuộc khu vực ASEAN, GDP bình quân của Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt trong giai đoạn 1989-2021.

Năm 1989, thu nhập bình quân của Việt Nam xếp thứ 9/10 trong khu vực ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar (100 USD). Đến năm 1996, GDP bình quân của Việt Nam đã vượt qua Campuchia và xếp thứ 8/10 các quốc gia trong khối ASEAN. Lúc này, GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 419 USD, cao hơn Myanmar (130 USD) và Campuchia (316 USD).

Từ năm 1997-2020, GDP bình quân đã vượt qua Philippines, Myanmar, Campuchia và Lào, xếp thứ 6/10 các quốc gia trong khối ASEAN.

Năm 2021, GDP bình quân Việt Nam vẫn xếp thứ 6/10 các quốc gia trong khối ASEAN. Trong giai đoạn 1989-2021, GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 1.300 USD/năm, cao hơn 1,8 lần GDP bình quân của Myanmar (733 USD/năm), cao hơn 2 lần GDP bình quân của Campuchia (636 USD/năm) và cao hơn 1,22 USD so với GDP bình quân của Lào (1.063 USD).

Năm 2021, GDP bình quân của Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia vẫn xếp trên Việt Nam. GDP bình quân của Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Indonesia đang gấp lần lượt là 19,58 lần; 8,76 lần; 3,07 lần; 1,94 lần và 1,17 lần so với GDP bình quân của Việt Nam.

GDP bình quân từng bằng 1/8 Philippines, Việt Nam đã vượt qua được bao nhiêu năm? - Ảnh 3.

GDP bình quân các nước khối ASEAN giai đoạn 1989-2021 và dự báo 2022-2023. Nguồn: IMF.

Năm 2022, IMF dự báo GDP bình quân Việt Nam vẫn xếp thứ 6/10 trong khối ASEAN. Cụ thể, GDP bình quân của Singapore (79.426 USD), Brunei (42.939 USD), Malaysia (13.108 USD), Thái Lan (7.631 USD) và Indonesia (4.691 USD) vẫn xếp trên Việt Nam.

Năm 2023, IMF dự báo GDP bình quân Việt Nam vẫn xếp thứ 6/10 trong khối ASEAN. Cụ thể, GDP bình quân của Singapore (84.500 USD), Brunei (41,713 USD), Malaysia (13.942 USD), Thái Lan (8.273 USD) và Indonesia (5.005 USD) vẫn xếp trên Việt Nam.

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2050, mục tiêu phát triển đến năm 2030, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5-7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000-32.000 USD.

Nghị quyết nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh.

Cùng với đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại