Theo đó, nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp cắt giảm khí nhà kính, vốn là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, loài gấu trắng Bắc Cực sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn. Ước tính của các nhà khoa học cho thấy, số lượng gấu Bắc Cực trên toàn cầu hiện tại chỉ còn khoảng 26.000 con và liên tục suy giảm qua từng năm. Tại vùng biển Beaufort Sea (Canada), quần thể gấu Bắc Cực sinh sống ở đây đã giảm 25-50% trong hơn 50 năm qua. Trong khi đó, quần thể gấu tại vịnh Hudson (Canada) cũng đã giảm 30% số lượng kể từ năm 1987.
Nguyên nhân chính cho sự suy giảm này đến từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Khi nhiệt độ Trái đất tăng lên, băng ở Bắc Cực sẽ tan nhanh hơn. Trong khi đó, gấu Bắc Cực thường dựa vào lớp băng dày này để săn mồi. Khi băng tan chảy, chúng buộc phải di cư vào đất liền, nơi chúng không thể tìm thấy thức ăn. Do vậy, gấu Bắc Cực đối diện chuỗi ngày nhịn đói lâu hơn.
Nghiên cứu của Đại học Toronto được thực hiện trên 13 quần thể gấu Bắc Cực cho thấy, việc loài gấu này phải nhịn đói lâu hơn bình thường gây ra nhiều tác động đáng kể lên sức khỏe của chúng, bao gồm khả năng sinh sản và sinh tồn.
Thông thường, cơ thể gấu Bắc Cực chuyển hóa thức ăn thành năng lượng dưới các lớp mỡ để sinh tồn trong thời điểm không thể săn mồi hoặc không tìm ra thức ăn.
Dựa trên đặc điểm này, nhóm nghiên cứu đã mô hình hóa việc sử dụng năng lượng trong cơ thể gấu Bắc Cực để tính số ngày chúng có thể nhịn ăn. Họ cũng dựa vào dữ liệu nhiệt độ tăng hằng năm để mô phỏng các kịch bản băng tan trong tương lai, từ đó tính toán được thời điểm băng tan nghiêm trọng đến mức khiến gấu Bắc Cực chết đói do không kiếm được thức ăn.
Cụ thể, nếu tốc độ tăng nhiệt trên Trái đất vẫn như hiện tại, nhiều quần thể gấu Bắc Cực sẽ suy giảm đến mức không còn đủ số lượng để duy trì sinh sản vào thời điểm năm 2040. Đây là kịch bản sẽ xảy ra nếu nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái đất vẫn tăng thêm 3,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong khi đó, nếu tốc độ tăng nhiệt trên Trái đất giữ ở mức dưới 2,4 độ C, tốc độ suy giảm của quần thể gấu Bắc Cực sẽ chậm lại đôi chút. Tuy nhiên vào năm 2080, số lượng gấu Bắc Cực còn sót lại vẫn không đủ để duy trì sinh sản. Cuối cùng, vào năm 2100, tất cả quần thể gấu Bắc Cực sẽ rơi vào cảnh bị tuyệt chủng hoàn toàn.
"Trước đây, chúng tôi biết rằng gấu Bắc cực cuối cùng sẽ bị tuyệt chủng trừ khi thế giới ngăn chặn được sự gia tăng khí nhà kính. Nhưng việc biết được khi nào gấu Bắc Cực biến mất cũng rất đặc biệt, khi chúng ta có thể đưa ra những chính sách và hành động đối phó phù hợp", nhóm nghiên cứu cho biết.
"Nghiên cứu này là hồi chuông kêu gọi các nước cần hành động ngay, mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ môi trường sống và các loài sinh vật trên thế giới".
Tham khảo USA Today / The Guardian