Từ lúc mặt trời còn chưa ló dạng, chú Phạm Thanh Tùng (50 tuổi), ngụ xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cùng người bạn nghề đã bắt đầu lên TP.HCM để thực hiện việc cưa cây.
Hơn 27 năm gắn với nghề leo trèo, hạ gục những cây xanh của người đàn ông 50 tuổi ở Tiền Giang
Dù gặp những cây khó bị các thợ cưa cây khác từ chối nhưng chú Tùng vẫn vui vẻ nhận và chinh phục nó một cách dễ dàng
Hơn 20 năm qua, chú Tùng bỗng nổi danh khắp miền Tây Nam Bộ nhờ tài hạ cây mà vẫn kiểm soát được hướng rơi, không để trúng nhà cửa, dây điện bên dưới.
Hướng ánh mắt nhìn cây bồ đề cao gần 20m, chú Tùng đứng tần ngần một lúc để quan sát, với kinh nghiệm nghề lâu năm, chú Tùng vẽ ra trong đầu hướng hạ cây làm sao cho an toàn, hiệu quả nhất.
Cận cảnh "vua khỉ" ở miền Tây đốn cây xanh trong tích tắc
Lớn lên ở vùng đất có nhiều loại cây ăn trái, nên từ nhỏ chú Tùng đã thành thạo việc leo trèo. Năm 23 tuổi, gia đình bên vợ có người mở xưởng cưa, chú xin theo phụ việc. Một lần mượn máy cưa để về đốn mấy cây chết trong vườn, thấy mến nghề nên từ đó chú mới mua cái máy, thỉnh ông tổ máy cưa, nghề mộc về thờ rồi theo nghề từ đó.
Chú Tùng coi chiếc cưa là người bạn đồng hành của mình
Tiền cưa mỗi cây được 300 đến 500.000 đồng, chú Tùng chia ra cho những người phụ mình
"Có những vị khách dễ thương người ta thấy tui leo trèo nguy hiểm, cưa không làm hỏng đồ nên thương rồi cho tiền thêm. Nhờ vậy mà mới có tiền lo cho 5 đứa con ăn học. Nói chứ mình đi làm cho người ta cũng giống như làm cho mình vậy, phải làm sao cho tốt nhất, đừng làm qua loa rồi lấy tiền, tội lắm", chú Tùng tâm sự.
27 năm làm nghề dù mạnh mẽ, khéo léo là vậy nhưng "vua khỉ" miền Tây cũng đã 7 lần gãy xương, hầu hết là những tình huống chủ quan, đặc biệt là vì... say rượu.
Nụ cười hiền hậu của người đàn ông 50 tuổi, gắn liền với việc leo trèo mỗi ngày
Mạnh mẽ, khéo léo nhưng "vua khỉ" miền Tây đã 7 lần gãy xương, kể cả vết sẹo trên tay trái của mình
"Lúc trước hay ỷ lại lắm, uống rượu rồi vẫn làm, mà uống rượu tay chân đâu có nhạy bén như lúc mình tỉnh, té gãy chân này cũng vì uống rượu. Giờ lớn tuổi rồi nên tự nhủ trong lòng không được như vậy nữa, mình còn gia đình, con cái", chú Tùng chỉ vào vết sẹo rồi nói.
Để đề phòng bất trắc, khi thấy gió lớn và cành cây có biểu hiện yếu, chú Tùng thường buộc dây thừng vào cây rồi di chuyển chậm. "Lỡ không may gãy cành thì còn có sợi dây thừng níu lại. Tui không dùng dây bổ trợ vì thấy vướng và tốn thời gian, thêm cả lúc cây ngã xuống thì không né được", chú cho biết.
Danh tiếng "vua khỉ" miền Tây của chú được đông đảo người dân biết đến nhờ tài leo trèo điêu luyện trên những ngọn cây cao chót vót
Thử thách lớn nhất của nghề với chú không phải là gặp những cây có thế khó mà là những lần bị ong chích, kiến đốt.
"Có mấy loại cây độc thì mủ cây rất ngứa, trên cây còn có ong, kiến ba khoang. Khi lên đến cây rồi bị ong chích, kiến đốt dẫn đến sốt là chuyện thường. Nếu không kiên trì và yêu nghề thì không làm nổi. Mà nói chứ làm hoài rồi cũng quen", chú Tùng cười nói.
Mấy năm nay, sức khỏe chú cũng không còn được như trước, động tác vì thế mà đã chậm đi nhiều. Sau mỗi lần trèo cây, cơn đau cơ lại ập đến, nhưng vì miếng cơm manh áo, chú vẫn tiếp tục gắn bó với nghề.
Chiếc máy cưa hiện tại là do một người nước ngoài tặng vì thán phục tài leo trèo đặc biệt của chú
Chú Tùng nhớ lại những lần "thót tim" khi leo trèo trên những ngọn cây lớn
Kết thúc một buổi làm việc vất vả, chú Tùng ngồi bệt xuống đất, trầm ngâm. Đôi mắt của chú hướng về phía cái cây vừa bị đốn gục, không biết những ngày tháng tiếp theo, chú còn bao nhiêu sức khỏe để gắn bó với việc leo trèo như thế này.
Hớp vội miếng nước trà, khoác lên mình chiếc ba lô đầy máy móc, chậc lưỡi một cái, chú Tùng nghêu ngao hát rồi lững thững bước đi. "Mình còn sức thì còn làm, còn gắn bó với cái nghề gian khổ này", chú Tùng cười sảng khoái như cái cách nhiệt tình, hồn hậu vốn có của người miền Tây sông nước.
Công việc dù rất vất vả nhưng chú Tùng chưa nghĩ đến chuyện "về hưu"
Cơ thể rắn chắc của chú Tùng dù đã 50 tuổi khiến không ít người ngỡ ngàng...
Xong công việc, chú Tùng lái chạy chiếc xe máy cũ để về nhà, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi