Gặp "Vua chuối" sở hữu nhiều đất nhất miền Tây: "Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng, tất cả tiền đều biến thành đất"

BẢO TRÂN - NHIÊN AN |

Ông Võ Quan Huy hay còn được biết đến với cái tên là "Huy Long An", hiện tại đang sở hữu hơn 1.000 hecta đất trồng cây ăn trái ở miền Tây và vùng cao nguyên Lâm Đồng.

Đi về phía đông TPHCM khoảng 80km, chúng tôi có hẹn với ông Út Huy nổi danh với tên gọi “Vua chuối". Nếu chỉ được mô tả vài dòng về tiểu sử ông Huy, có lẽ viết như thế này là rõ nhất:

Ông tên đầy đủ là Võ Quan Huy, 61 tuổi, con út trong một gia đình ngụ xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sở hữu hơn 1.000 ha đất nông nghiệp đang canh tác trải dài từ Đồng bằng sông Cửu Long đến vùng Đông Nam Bộ và một số ở cao nguyên Lâm Đồng. Ông Huy là người góp công lớn trong việc đưa nông sản Việt xuất khẩu, sản phẩm "chuối xuất khẩu" của ông hiện nay đang có mặt tại hầu hết các siêu thị từ lớn đến nhỏ trên toàn quốc.

Gặp Vua chuối sở hữu nhiều đất nhất miền Tây: Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng, tất cả tiền đều biến thành đất - Ảnh 1.

Thực hiện bài phỏng vấn với ông Huy, vấn đề khiến chúng tôi trầm ngâm là ông Huy vốn không còn là một nhân vật xa lạ trong nền nông nghiệp Việt Nam. Làm thế nào để có cách khai thác mới hơn về "vua chuối" này nếu bỏ qua những màn đối thoại giữa ông và các cấp lãnh đạo Trung ương. Những cuộc nói chuyện ấy vốn đã vang tiếng một thời.

Thế nhưng, để đại diện doanh nghiệp ngồi trên "bàn tròn" đối thoại với nhà nước, ta phải kể đến lịch sử hơn 40 năm gắn bó với nông nghiệp của ông Huy. Nó bắt đầu từ "vị đắng" của cây mía.

"Tất cả những thành quả mà tôi có ngày nay là đều nhờ cây mía", ông Út Huy nhìn nhận.

Năm 1978, khi còn là một cậu thanh niên đi làm thuê ở vựa mía, không vốn liếng, không máy móc, nhờ chính sách các nhà máy mía khu vực miền Tây cấp vốn cho nông dân trồng và canh tác mía. Có đất, có xẻng, ông Huy bám vào đó và bắt đầu khởi nghiệp.

"Khoảng năm 1989 - 1990, tôi vì mê Kênh Đông Củ Chi mà lên Tây Ninh trồng mía. 6 năm trồng trọt từ miền Đông lên miền Tây, tôi mới trả hết nợ cho nhà máy".

Gặp Vua chuối sở hữu nhiều đất nhất miền Tây: Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng, tất cả tiền đều biến thành đất - Ảnh 2.

Lao theo cây mía từ Tây Ninh, đến Bình Dương bước ông Huy đầu đều thất bại. Mãi cho đến khi tự tay mình xây dựng một quy trình trồng bài bản với hơn chục bước, ông Huy mới nếm được vị ngọt của cây mía.

Trước khi hồi hương, ông Út Huy gan dạ nhận hơn 200hecta vùng đất rốn phèn ở Đồng Tháp. Bằng cách xẻ đất, đào kênh khai thông nhau, đắp đê lửng chờ lũ về để lấy phù sa, nhiều năm liên tiếp rửa phèn, ông Út Huy trở thành người "đánh thức vùng đất dữ" này.

Vận dụng cách thức này về lại cố hương, ông Út Huy cũng trở thành người nông dân khai hoang phục hoá, tiên phong phủ xanh vùng đất nhiễm phèn. Lão nông này không ngại chuyển sang trồng bưởi, ớt, dưa hấu,... Và ghi dấu ấn khi sáng tạo hệ thống canh tác chuối hàng đầu Đông Nam Á như cáp thu hoạch, hạ tầng chống đổ ngã cây, nhà kho đóng gói, bảo quản,... Hiện tại, nơi nào có vườn của ông nơi đó gần như được phủ xanh hoàn toàn.

"Cũng nhờ có người thương và trời thương, mình mới vượt qua cơn bĩ cực ấy, gần như đó là niềm tự hào của mình. Rằng ở một nơi đất đai nhiễm phèn chua, nước mặn, nhờ có sức người, nhờ ý chí sắt đá mà nay vườn cây ăn trái mọc lên sum suê", ông Huy nói.

Gặp Vua chuối sở hữu nhiều đất nhất miền Tây: Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng, tất cả tiền đều biến thành đất - Ảnh 3.

Hệ sinh thái của "vua chuối" Võ Quan Huy không chỉ dựng lại ở mía hay chuối, nó đa dạng vì quan điểm "không bao giờ bỏ trứng vào cùng một rổ" của ông.

Trên vùng rốn phèn Đồng Tháp, ông Huy trồng từ mía, đến ớt. Tại các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương,... lão nông này trồng rải rác từ bưởi da xanh, thanh long, chuối đến cây cao su công nghiệp. Không tính vườn cao su, mỗi năm ở mỗi loại cây, ông Huy cung cấp cho thị trường từ vài chục đến vài trăm tấn, tổng lãi lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong suốt quá trình khai hoang đất lạ trồng cây, ông Huy "tay trái hái ra tiền", chọn Sóc Trăng là điểm bắt đầu cho hành trình khởi nghiệp thuỷ sản. Ông đầu tư đào ao nuôi tôm, trải qua hàng chục năm, với diện tích chuyên canh tôm tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, ông Huy trở thành "quân sư" cho nhiều doanh nghiệp tôm giống địa phương. Ông cũng nhiều năm liền giữ chức Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, thúc đẩy sự nghiệp phát triển thuỷ sản của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Ngoài ra, ông Út Huy còn liều mình nhập khẩu bò từ Úc và bò Wagyu để nuôi và bán, dù học được từ đó không ít bài học ê chề.

"Bò Wagyu là một thất bại của tôi, nó phải trả giá nhiều. Bán không ai mua.", ông Út Huy thở dài.

"Tôi rút ra bài học, mình muốn làm gì mình phải xem thị trường đó như thế nào, bán cho ai, thị trường bò Wagyu thường không nhiều, nếu có thường là các khách hàng khó tính, chính vì vậy việc đem bò Wagyu về miền Tây là một quyết định khó nhằn", ông Huy nói tiếp

Trải qua nhiều năm bôn ba, ông Huy được báo đài biết đến nhiều nhất là vào những năm 2016 - 2020, chuối sạch do Công ty TNHH Huy Long An chính thức xuất khẩu và được bày bán trên kệ của hệ thống siêu thị nổi tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... Ngoài ra, tại thị trường nước láng giềng Trung Quốc, "vua chuối" 61 tuổi này cũng vượt mặt chuối sạch nội địa chiếm thế thượng phong.

Gặp Vua chuối sở hữu nhiều đất nhất miền Tây: Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng, tất cả tiền đều biến thành đất - Ảnh 4.

Gặp Vua chuối sở hữu nhiều đất nhất miền Tây: Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng, tất cả tiền đều biến thành đất - Ảnh 5.

Gặp Vua chuối sở hữu nhiều đất nhất miền Tây: Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng, tất cả tiền đều biến thành đất - Ảnh 6.

Gặp Vua chuối sở hữu nhiều đất nhất miền Tây: Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng, tất cả tiền đều biến thành đất - Ảnh 7.

Chuối sạch của ông Huy xuất khẩu sang thị trường khó tính nhất như Nhật Bản

Gặp Vua chuối sở hữu nhiều đất nhất miền Tây: Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng, tất cả tiền đều biến thành đất - Ảnh 8.

Kể với chúng tôi, lão nông nhớ lại những ngày bỏ cây mía, "tái thiết" đất phèn với cây ăn quả, ông đi khắp các quốc gia láng giềng để học hỏi.

"Thời điểm ấy bên lưng quần tôi luôn có một cái thước đo. Đi đến nước nào, họ cho mình thì tôi lấy thước ra đo từng mét đất, rồi lấy sổ ghi lại, học hỏi đàng hoàng, chỗ nào không cho thì tôi học lén. Gì chứ học hành, tôi nhanh lắm", ông Út Huy bật cười sảng khoái.

Ông Út cho hay ông học từng thứ nhỏ nhất nhờ tài theo dõi từng nhất cử nhất động xung quanh mình.

"Họ trồng cây ăn trái mô hình nhỏ, nhưng họ tỉ mỉ, tôi cũng phải học để sửa lại những cái tỉ mỉ ở nhà mình. Mình học được hay không phải xem mình có khiến người ta muốn dạy mình không? Đời này không có ai không muốn làm thầy. Nên trước tiên ta phải có sự thành tâm".

Gặp Vua chuối sở hữu nhiều đất nhất miền Tây: Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng, tất cả tiền đều biến thành đất - Ảnh 9.

Chính từ sự tâm huyết dành cho nền nông nghiệp Việt Nam, ông Út Huy không khỏi mong mỏi về một thế hệ kế thừa tiềm năng.

"Tư duy - kiến thức chuyên môn khi thiếu mình có thể bổ sung nhưng thiếu nhiệt huyết không ai thay mình được. Kỹ sư nông nghiệp bây giờ rất yếu, nhiều người trẻ thậm chí không hiểu về sinh lý cây trồng, khi ra trường được công nhận là kỹ sư nhưng nhiều bạn lại có kiến thức rất sơ sài, thực tế công nhân cũng là 1 người kỹ sư".

"Ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?" - bản thân ông Huy thừa nhận nhiều lần sai sót dẫn đến những bài học đắt giá. Thế nhưng không vì điều đó mà ngừng học tập. Theo ông Huy, một người muốn đổi đời, phải bắt đầu từ việc học hỏi chăm chỉ và kiên trì.

"Phải học hỏi thì cuộc đời mới khác được!", ông Huy nhấn mạnh.

Tinh thần hiếu học là đặc tính mà những tiền bối thường dành cho hậu thế, để có lịch sử phát triển trăm năm của nền nông nghiệp Việt Nam cũng phải nhờ người khai hoang mở cõi, kiên trì, học hỏi mà thành. Ở tuổi 61, ông Huy vẫn giữ cho mình sự say sưa với những kiến thức mới. Hồi đáp niềm say mê ấy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã gửi tặng ông các đầu sách thiên về nghiên cứu và phát triển nông nghiệp.

"Ngày trước còn thời gian tôi đọc nhiều lắm, bây giờ thì vẫn duy trì thói quen ấy có điều bận rộn nên không được thường xuyên như trước", ông Huy nói.

Ông Út Huy là một lão nông nghiện trà. Suốt buổi nói chuyện, ông Út phải dùng đến hai bình trà đều là loại trà ngon, thơm. Từ đó mà những lời tâm sự cũng đến "chật ních" trong văn phòng tại Tây Ninh của ông. Vốn là người sở hữu nhiều đất đai có tiếng ấy thế mà trong câu chuyện về cơ ngơi bạc tỷ ấy, ông Út Huy trút một lời than khiêm tốn đến khó tin.

"Tôi sống nhẹ nhàng lắm. Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng".

Lấy làm ngờ vực trước câu nói ấy, chúng tôi hỏi vui: "Tỷ phú thường không dùng tiền mặt sao ông?".

Ông Út Huy trả lời: "Bao nhiêu tiền của tôi đều biến thành đất. Tôi sài tiền của ngân hàng chứ không phải tiền của tôi". Ông bật cười sau đó giải thích tiếp lời mình:

"Chủ trương luật đất đai của nhà nước là không bao giờ lấy đất của người canh tác. Nên tích sản của tôi ngày một nhiều, tôi mua đất để làm chứ không phải để bán. Tôi mê làm, thích trồng trọt làm nông nghiệp, đó là suy nghĩ hướng thiện của tôi".

Một ngày, ông Huy có thể bắt đầu buổi sáng ở Tây Ninh, buổi trưa ở Long An và chiều tối ông về lại Tây Ninh. Chiếc Ford Ranger Wildtrak được ví như "máy cày thời 4.0" của lão nông dân này gần như chưa bao giờ "ngơi" bùn đất, thậm chí nếu để ý người ta còn có thể thấy một vài sợi của tàu lá chuối mắc trên biển số, trên bánh xe, hoặc ngay sau thùng xe. Làm chủ, lái xe đi thăm đồng chuối hằng ngày, phải thế!

Gặp Vua chuối sở hữu nhiều đất nhất miền Tây: Nhiều lúc trong túi tôi không có một đồng, tất cả tiền đều biến thành đất - Ảnh 10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại