Gặp Thủ tướng, Chủ tịch Samsung cam kết: VN sẽ là "cứ điểm" lớn nhất trong 1 lĩnh vực đặc biệt của Tập đoàn

Minh Hằng |

Hơn 300 công ty của Việt Nam hiện đang là những đối tác trong chuỗi sản xuất của tập đoàn nổi tiếng của Hàn Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lee Jae Yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lee Jae Yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung. Ảnh: VGP

Sáng 2/7, tại Seoul, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lee Jae Yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Samsung đã gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ và giúp đỡ hiệu quả mà Việt Nam dành cho tập đoàn, nhất là trong giai đoạn Covid-19 đã giúp tập đoàn vượt qua được những khó khăn và thách thức. Ngoài ra, lãnh đạo Tập đoàn Samsung còn cảm ơn về các chính sách mới được Việt Nam chuẩn bị ban hành nhằm tiếp tục hỗ trợ cho nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên.

Ông Lee Jae Yong cũng gửi lời cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tham dự lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung ở Hà Nội vào tháng 12/2022 và sẽ thăm nhà máy bán dẫn của tập đoàn trong chuyến thăm lần này.

Qua 16 năm, Chủ tịch Samsung đánh giá, quan hệ hợp tác giữa tập đoàn với Việt Nam đã phát triển rất rực rỡ và đồng hành với sự phát triển của Việt Nam. "Thành công của Việt Nam là thành công của Samsung, sự phát triển của Việt Nam là sự phát triển của Samsung", ông Lee Jae Yong, Chủ tịch Samsung nhấn mạnh.

Samsung cam kết đặc biệt với Việt Nam

Tại Việt Nam, Tập đoàn Samsung đã đầu tư 22,4 tỷ USD, với tổng số lao động khoảng 90.000 người. Năm 2023, Samsung Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu đạt 55,7 tỷ USD.

Ông Lee Jae Yong cho biết, hiện nay, có 310 công ty Việt Nam đang là những đối tác trong chuỗi sản xuất của Samsung. Ngoài ra, còn có 2.500 kỹ sư và nghiên cứu viên ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung ở Hà Nội, bao gồm cả bộ phận nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) bằng các ngôn ngữ ngoài tiếng Việt. Chủ tịch Samsung cho biết, tập đoàn đang tiến hành nghiên cứu và phát triển thiết bị 5G.

Với tư cách nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và nhà xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ông Lee Jae Yong cho biết, Samsung cam kết luôn đồng hành với Việt Nam trong phát triển bền vững theo đúng tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" mà Thủ tướng đã nhiều lần nhắc tới.

Đặc biệt, Samsung có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ trong 3 năm tới để nhà máy ở Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu.

Gặp Thủ tướng, Chủ tịch Samsung cam kết: VN sẽ là "cứ điểm" lớn nhất trong 1 lĩnh vực đặc biệt của Tập đoàn- Ảnh 1.

Thủ tướng bày tỏ hoan nghênh những ý định hợp tác của Samsung vào thời gian tới với các sản phẩm mới... Ảnh: VGP

Sau khi lắng nghe chia sẻ của Chủ tịch Samsung, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao về những kết quả của tập đoàn trong quá trình đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, cũng như đóng góp tích cực vào việc phát triển những sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại và xuất nhập khẩu của Việt Nam, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 1 năm qua, sau cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng và Chủ tịch Samsung ở Hà Nội (tháng 6/2023) nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol., Thủ tướng đánh giá có "6 điểm được" nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tập đoàn Samsung. 

"6 điểm được" này bao gồm: Sự gắn kết giữa hai bên chặt chẽ hơn, lãnh đạo Samsung đã có nhiều cuộc gặp với Thủ tướng để thúc đẩy hợp tác; Trung tâm R&D của Samsung đã đi vào hoạt động đạt kết quả tốt; việc kết nối, hợp tác giữa Samsung với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam được thúc đẩy, nhất là trong đào tạo nhân lực; việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoạt động của Samsung diễn ra tích cực dù vướng mắc về pháp luật cả ở Việt Nam và thế giới...

Gặp Thủ tướng, Chủ tịch Samsung cam kết: VN sẽ là "cứ điểm" lớn nhất trong 1 lĩnh vực đặc biệt của Tập đoàn- Ảnh 3.

Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh. Ảnh: Samsung

Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm đảm bảo sự ổn định, sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, thu hút những tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn trong các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như công nghệ cao, chip bán dẫn, AI, trung tâm R&D… Ngoài ra, Việt Nam đang chuẩn bị ban hành nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong cung ứng điện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ hoan nghênh những ý định hợp tác của Samsung vào thời gian tới với các sản phẩm mới, kết quả mới, đặc biệt là tạo đột phá trong hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng mong muốn Tập đoàn Samsung tiếp tục mở rộng đầu tư, mở rộng thị trường đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết và coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược, nghiên cứu - phát triển, sản xuất các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế.

Tập đoàn Samsung – "Át chủ bài" của kinh tế Hàn Quốc

Gặp Thủ tướng, Chủ tịch Samsung cam kết: VN sẽ là "cứ điểm" lớn nhất trong 1 lĩnh vực đặc biệt của Tập đoàn- Ảnh 5.

Samsung được coi là một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất của Hàn Quốc và có sức ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của quốc gia này. Ảnh: Medium

Samsung Electronics được coi là một trong những tập đoàn lớn nhất ở Hàn Quốc. Kể từ khi được thành lập vào năm 1969 đến nay, Samsung đã làm nên nhiều kỳ tích.

Tập đoàn Samsung có tầm ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế, chính trị, truyền thông và văn hóa của Hàn Quốc. Samsung cũng là động lực chính đứng sau "Kỳ tích sông Hàn" làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế của Hàn Quốc. Trên thực tế, các công ty con của Samsung sản xuất ra khoảng 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc. Trong năm 2022, doanh thu của Tập đoàn Samsung bằng 22,4% trong tổng GDP của Hàn Quốc.

Trong những năm 1970, Samsung đã sản xuất tivi đen trắng và sau đó mở rộng ra những sản phẩm như tủ lạnh, máy giặt và tivi màu.

Đến năm 1977, Samsung thâu tóm một công ty sản xuất chip của Hàn Quốc, từ đó đặt nền móng cho quá trình trở thành nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới.

Vào năm 1983, Samsung bắt đầu sản xuất máy tính.

Đến năm 1992, Samsung trở thành nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Năm 1994, Samsung đã phát triển loại chip DRAM có dung lượng 256 megabit đầu tiên trên thế giới.

Năm 1995, Samsung mở nhà máy sản xuất LCD cũng như những màn hình tinh thể lỏng đầu tiên.

Vào năm 1997, Samsung gia nhập thị trường điện thoại di động.

Đến năm 2005, Samsung vượt qua Sony để trở thành thương hiệu điện tử được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng nhất.

Samsung là tập đoàn điện tử đa quốc gia của Samsung Hàn Quốc, chuyên sản xuất, kinh doanh về hàng điện tử, thiết bị mạng, bán dẫn, sản xuất chip, smartphone…. Tập đoàn có nhiều công ty con và chi nhánh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong năm 2023, doanh thu của Tập đoàn Samsung đạt khoảng 210 tỷ USD, với tổng số lao động trên toàn cầu là 270.000 người. Ngoài ra, Samsung còn đang phát triển AI, 5G, công nghiệp bán dẫn hệ thống và chất bán dẫn bộ nhớ.

Năm 2023, Samsung được xếp hạng Top 5 Thương hiệu toàn cầu năm thứ 4 liên tiếp, với giá trị thương hiệu là 91,4 tỷ USD; đồng thời đứng đầu thị trường TV toàn cầu năm thứ 17 liên tiếp.

Gặp Thủ tướng, Chủ tịch Samsung cam kết: VN sẽ là "cứ điểm" lớn nhất trong 1 lĩnh vực đặc biệt của Tập đoàn- Ảnh 7.

Samsung hiện có 4 nhà máy ở Việt Nam. Ảnh: Samsung

Tại Việt Nam, Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, với 4 nhà máy ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM. Đáng chú ý, điện thoại di động sản xuất ở Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng sản xuất của hãng trên toàn cầu. Theo dự kiến, năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này của tập đoàn sẽ tăng hơn 10%, so với gần 56 tỷ USD năm 2023.

Bài tham khảo nguồn: Samsung, Britannica, VGP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại