LTS: Hà Nội đang ráo riết ra quân đòi lại vỉa hè cho người đi bộ. Song song với số đông ý kiến đồng thuận vẫn có băn khoăn nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ thì việc "lấy lại vỉa hè" chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa"... Câu chuyện của ông Phạm Ngọc Nghinh dưới đây chỉ là 1 trong nhiều câu chuyện gõ cửa khắp nơi đòi lại vỉa hè khó có lời giải.
Trong tay ông Phạm Ngọc Nghinh (số nhà 26, ngõ 119, phố Hồ Đắc Di, phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) là các tài liệu chứng minh việc tồn tại trái phép của 2 ki-ốt từ nhiều năm.
Ông cho biết, năm 1984, Tổng cục Chính trị (TCCT) cấp cho ông căn nhà cấp 4, diện tích 27m2 tại khu tập thể Nam Đồng.
Do thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, ông có đơn gửi TCCT xin cơi nới ra tới hè đường khu tập thể, không ảnh hưởng tới công trình công cộng và các nhà bên cạnh.
Ngày 12/12/1985, Đại tá Bùi Long Thủy (Cục trưởng Cục Hậu cần - TCCT) phê duyệt và xác nhận: “Khu đất nhà đồng chí Nghinh, trước là ao sâu, Cục Hậu cần làm nhà chia cho cán bộ, đồng chí Nghinh chấp nhận phân phối chưa đủ diện tích và làm nhà cấp 4.
Miếng đất còn lại sau này nếu đồng chí Nghinh có tiền tự lực làm, Tổng cục không cấp kinh phí vật tư hỗ trợ”.
Ngày 15/12/1985, ông Nam Khánh (Phó chủ nhiệm TCCT) cũng có văn bản xác nhận nội dung xin cơi nới của ông Nghinh.
Tiếp đó, 2 ngày sau, Đại tá Bùi Long Thủy phê duyệt hai bản vẽ mặt bằng và mặt cắt cho phần cơi nới bao gồm nhà và sân với cửa cơi nới ra đường chính (bây giờ là ngõ 119, phố Hồ Đắc Di).
Năm 1985, ông Nghinh được cơ quan điều động lên biên giới phía Bắc làm nhiệm vụ, nên không kịp xây dựng công trình như bản vẽ đã được TCCT duyệt. Để giữ đất, năm 1988, gia đình ông Nghinh xây dựng tường bao lên vị trí đất cơi nới này.
Trong thời gian ông Nghinh đi công tác, hàng xóm là ông Chuân, bà Vân đến xin mượn đất bán hàng với cam kết khi nào gia đình ông Nghinh xây dựng phần cơi nới sẽ trả lại mặt bằng.
Sau khi ông Chuân không mượn đất nữa, bà Nguyệt (cũng là hàng xóm) đã đến mượn thay vị trí của ông Chuân.
Hai ki-ốt dựng trên vỉa hè lấn chiếm án ngữ số nhà 26
“Thời đó, vì tin hàng xóm đối xử với nhau thật lòng nên tôi không lập giấy tờ, giao kèo. Hơn nữa, những giấy tờ mà thủ trưởng đơn vị của tôi phê duyệt, có bản vẽ, mặt bằng… là những căn cứ pháp lý” ông Nghinh thở dài chia sẻ.
Gian nan đi đòi… vỉa hè
Năm 1991, ông Nghinh được Bộ Quốc phòng điều động trở lại công tác tại Hà Nội. Lúc này, ông có kế hoạch xây dựng phần diện tích cơi nới nên đến gặp gỡ để bà Vân, bà Nguyệt có phương án di dời ki-ốt, trả mặt bằng cho gia đình.
“Thế nhưng, thay vì thực hiện cam kết, bà Hồ Thị Yên, vợ ông Chuân (người mượn đất của ông Nghinh sau đó đã cho bà Nguyệt mượn lại) đã có đơn viết tay xác nhận toàn bộ quá trình mượn đất và cam kết của những người này” - ông Nghinh cho biết.
Tổ dân phố phân xử nhưng bất thành, ông Nghinh đã có đơn gửi UBND phường Nam Đồng từ tháng 12/1991.
Đến tháng 7/1991, tổ dân phố 86 (nay là tổ dân phố số 3) cũng đã có đơn kiến nghị gửi phường Nam Đồng xử lý dứt điểm hàng quán lấn chiếm vỉa hè.
Tháng 11/1995, Phòng Quản lý nhà đất 1 (quận Đống Đa) ra thông báo giải tỏa các lều quán lấn chiếm vỉa hè, trong đó có 2 lều quán lấn chiếm trước nhà ông Nghinh.
Tháng 11/1998, ban quản lý khu tập thể Nam Đồng tiếp tục kiến nghị về việc giải tỏa các lều quán lấn chiếm này.
Sự việc tưởng như đã được giải quyết khi Chủ tịch UBND phường Nam Đồng Nguyễn Thành Đồng chủ trì cuộc họp ngày 5/6/1999 thống nhất nội dung: Diện tích đất ở của gia đình ông Nghinh đã được cơ quan có thẩm quyền quân đội xét cấp, yêu cầu hộ bà Vân, bà Nguyệt chấm dứt kinh doanh trái phép trước cửa nhà ông Nghinh, nếu không sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền giải tỏa.
Thế nhưng đến nay, hai ki-ốt kinh doanh của hai người hàng xóm mượn đất vẫn tồn tại và được kiên cố bằng tường xây, với diện tích mỗi ki-ôt trên dưới 4m2.
Ông Nghinh vẫn kiên định "gõ cửa" đề nghị chính quyền các cấp giải quyết.
Phó chủ tịch phường nói gì?
Trao đổi với VietNamNet, Phó chủ tịch UBND phường Nam Đồng Vũ Trọng Hồng cho hay, đã nhiều lần nhận được đơn thư của gia đình ông Nghinh.
Ngày 30/12/2015, phường đã triệu tập cuộc họp với sự tham gia của các đơn vị liên quan để xác nhận hiện trạng.
Ông Hồng cho hay, mảnh đất gia đình ông Nghinh sử dụng đã được UBND TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích sử dụng riêng là 80m2; phần lưu không gần 20m2 không được cấp giấy chứng nhận.
Trong đó, hai ki-ốt án ngữ trước nhà ông Nghinh cũng là đất lưu không.
“Gia đình ông Nghinh là cán bộ quân đội nghỉ hưu, đất do TCCT cấp, do đó phường sẽ phải xin xác nhận của cơ quan quân đội” - ông Hồng nói.
Ông Hồng cũng thừa nhận, không chỉ 2 ki-ốt đang liên quan tới tranh chấp mà tất cả các ki-ôt, hàng quán dọc hai bên ngõ 119 phố Hồ Đắc Di đều là hàng quán xây dựng trái phép trên đất lưu không.
“Hàng quán tồn tại từ rất lâu nên việc ra quân dẹp bỏ rất khó khăn” - lời ông Hồng.
Trong khi đó, Thiếu tướng về hưu Phạm Ngọc Nghinh cho biết, sẽ tiếp tục kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình.
Xác nhận với VietNamNet với tư cách là người trong cuộc, bà Hồ Thị Yên - hàng xóm nhà ông Nghinh cho biết: Năm 1988, ông Chuân, chồng bà có mượn phần đất gia đình ông Nghinh được Tổng cục Chính trị đồng ý cho cơi nới để làm chỗ ngồi sửa xe đạp. Được khoảng chục ngày thì các con không cho ông Chuân ngồi sửa xe. Một hàng xóm khác là bà Nguyệt, bà Vân đến mượn để ngồi bán hàng.
"Khi đó chúng tôi tự giác thỏa thuận miệng với vợ chồng bác ấy, là khi nào hai bác ấy xây sửa thì chúng tôi trả đất. Bây giờ để sự việc ra như thế này, tôi cũng thấy áy náy với vợ chồng bác Nghinh".
Bà Yên cũng là người viết bản tường trình xác nhận toàn bộ sự việc, trong đó có cả sự việc hai người hàng xóm đang mượn đất rồi chiếm dụng luôn làm lều quán đến nay.
PV VietNamNet đã trực tiếp đến gặp chủ quán đang bị tố cáo là chiếm dụng đất trái phép, một chủ bán hàng quần áo trẻ em trong "cửa hàng" gần 3m2 (sát nhà ông Nghinh cho biết): Chị thuê lại chỗ này, còn chủ cửa hàng mấy năm nay không bán hàng do già yếu.
Bà Vân (chủ "cửa hàng" có diện tích 3,6m2) là một trong số những người mà ông Nghinh nêu trong đơn, hiện vẫn sử dụng phần diện tích này để bán hàng ăn, trứng vịt chỉ nói: "Việc gì cũng có pháp luật cả, cứ theo pháp luật mà làm".