Cuộc đối đầu giữa "thỏ đế" và "hùm báo"
Trong những năm cuối thế kỷ 20 ở Hà Nội, một băng đảng xã hội đen gồm 19 tên tội phạm khét tiếng do Dương Văn Khánh (Khánh "trắng") cầm đầu đã thâu tóm toàn bộ khu vực chợ Đồng Xuân và vùng lân cận.
Khánh có vẻ ngoài nho nhã, thư sinh song lại được xem là một sát thủ máu lạnh đội lốt một ông đội trưởng bốc xếp. "Thế lực đen" bậc nhất Hà Thành của Khánh "trắng" thời bấy giờ, dưới danh nghĩa là các nghiệp đoàn, tổ đội bốc xếp, gián tiếp thu tiền bến bãi, bóc lột bà con tiểu thương.
Năm 1998, sau khi Khánh bị xử bắn, ngỡ tưởng vấn nạn thu tiền bảo kê lùi vào quá khứ. Tuy nhiên, một đội nhóm gồm những cái tên như Hưng "Kính", Hải "Gió", Long "Cao", Vương "Lợn", hơn 10 năm qua, đều đặn thu tiền bảo kê tại chợ đầu mối Long Biên.
Vẫn với mánh khoé tương tự Khánh "Trắng" cách đây 20 năm, nếu có khác thì chỉ là tinh vi hơn, xảo quyết hơn, hòng che mắt cơ quan chức năng.
Tháng 9/2018, Hưng "Kính" cùng đồng bọn lần lượt lộ diện trước ánh sáng sau loạt bài phản ánh vấn nạn thu tiền bảo kê ở chợ Long Biên, dưới ngòi bút sắc sảo của nhóm phóng viên điều tra.
Một trong số họ là nhà báo Nguyễn Thị Liên (bút danh Liên Liên), công tác tại Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam, người có 13 năm kinh nghiệm trong mảng phóng sự điều tra.
Năm 2007, Liên Liên đến với nghề báo như một cơ duyên. Chị bắt đầu làm việc ở Đài truyền hình Việt Nam trong chuyên mục "Chính sách kinh tế và cuộc sống". Đây là chương trình chính luận 1 số/ 1 tháng, phản biện chính sách nên yêu cầu cao về chuyên môn.
Để tìm hiểu mỗi chính sách được ban hành, liệu có phù hợp với cuộc sống người dân hay không, phóng viên buộc phải đi sâu vào thực tế cuộc sống của họ. "Tại sao lại như thế?" luôn là câu hỏi thôi thúc phóng viên tìm đến ngọn ngành của sự việc.
Nữ phóng viên điều tra Liên Liên - người đứng sau loạt phóng sự điều tra vang dội thời gian qua.
Rồi chị bắt đầu thực hiện những phóng sự điều tra. Ít có phóng viên nào, nhất là nữ, khi bước chân vào nghề báo dám "dấn thân" vào con đường điều tra luôn.
Cho đến hiện tại, Liên Liên đã có 13 năm gắn bó với phóng sự điều tra, từng gây ấn tượng với loạt phóng sự về tình trạng sang chiết gas trái phép ở Bình Dương, thâm nhập điểm đen pha chế xăng dầu trái phép, đường dây mua bán bằng đại học giả ở Hà Nội, chênh lệch giá thuốc bảo hiểm, loạt bài về nhũng nhiễu thủ tục hành chính người dân.
Và gần đây nhất là nạn bảo kê chợ Long Biên gây chấn động dư luận.
"Mỗi đề tài đều yêu cầu tôi phải tìm hiểu sâu, gần như đi kèm phân tích chuyên môn, không đơn giản dừng lại ở việc phản ánh sự việc nữa. Với một người như tôi thời điểm 2007 là quá trẻ để thử sức ở mảng điều tra" - phóng viên Liên Liên chia sẻ.
Trong mảng điều tra ở Việt Nam có 3 loại hình điều tra: Điều tra nhập vai, điều tra mật phục và điều tra dữ liệu. "Hầu hết phóng viên đều chọn loại điều tra nhập vai, có vẻ nguy hiểm vì chúng ta phải tiếp cận trực tiếp. Tuy nhiên, thông thường các đối tượng như thế sẽ không có phản ứng gì ngay lập tức, độ an toàn sẽ cao hơn".
Liên Liên có riêng hẳn một tủ quần áo, đủ trang phục để hoá trang mỗi khi thực hiện phóng sự điều tra nhập vai. Lúc chị là cô lao công, lúc khác thì con buôn, cũng có khi là dân chơi sành điệu,... tuỳ vào từng đề tài khai thác.
Những ai biết đến Liên Liên, sẽ chẳng ngạc nhiên với những thước phim điều tra do chị cùng đồng nghiệp thực hiện.
Lần này, đối đầu với những tay anh chị ở chợ Long Biên, chị gọi đây là cuộc đối đầu giữa "thỏ đế" và "hùm báo", theo cách vừa ngạc nhiên lại vừa bình thản, tưởng mâu thuẫn mà hóa ra lại hợp lý.
"Lộng hành hoạt động bảo kê chợ Long Biên" là một trong những phóng sự điều tra chị cùng đồng nghiệp đối diện với nhiều khó khăn, nguy hiểm.
2 tháng làm tiểu thương ở chợ Long Biên kiếm tìm dấu vết
những kẻ "hùm báo"
Để có thể yên ổn buôn bán ở chợ đầu mối Long Biên, bà con tiểu thương buộc phải đóng một thứ tiền "bãi", hay còn gọi là tiền bảo kê. Chợ Long Biên có khoảng 1.000 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 300 hộ thường xuyên cần chỗ đỗ xe.
Trong khi Ban quản lý chợ Long Biên chỉ thu được khoản tiền vé vào cổng với mức từ 15.000 – 60.000 đồng/lượt thì những người thu tiền bảo kê lại kiếm được số tiền gần gấp 10 lần.
Nếu không đóng tiền, người dân sẽ không có chỗ đỗ xe để chuyển hàng. Tại đây, hàng hóa bán buôn là chính, vì thế không có chỗ đỗ xe coi như hết đường làm ăn.
Việc thu tiền "bãi" ở chợ Long Biên, theo các tiểu thương, do một số người ở chợ tự đặt ra và đều nằm dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Kim Hưng (Hưng "Kính"). Hưng "kính" tuy chỉ là Tổ trưởng tổ bốc xếp nhưng tỏ ra có quyền lực hơn cả Ban quản lý chợ.
Dưới Hưng "Kính" là dàn đàn em hùng hậu, gồm Lê Thanh Hải - Hải "Gió", Nguyễn Mạnh Long - Long "Cao", Dương Quốc Vương - Vương "Lợn".
Cả 3 tên này đều hành động dưới cái mác nhân viên tổ bốc xếp số 2. Vỏ bọc tổ bốc dỡ hàng hoá thuộc bản quản lý chợ giúp chúng dễ dàng ép buộc các chủ hàng phải thuê bốc dỡ, dù họ không có nhu cầu.
Tổ bốc xếp số 2 có hơn 10 người. Những người này đều ký hợp đồng thời vụ với Ban quản lý chợ Long Biên. Hàng ngày, tổ sẽ giao ban vào khoảng 7h sáng để tổng kết số tiền thu được của ngày hôm trước. Bất ngờ nhất, có những cuộc giao ban họ còn bàn bạc cách đối phó với công an về những khoản tiền đã thu.
Các đối tượng thu tiền bảo kê chuyên nghiệp đến mức không bao giờ chúng trực tiếp nhắc đến tiền bạc mỗi khi trấn lột người dân.
Thay vào đó, chúng có những ám hiệu, những lời đe doạ "nhẹ nhàng" buộc tiểu thương tự động nộp và ký vào các tờ thu tiền. Đây cũng chính là những bằng chứng khó có thể chối cãi về hành vi phạm tội.
Hoạt động thu tiền bảo kê công khai ở chợ Long Biên.
Đối với các tiểu thương không chịu nộp tiền bảo kê, Hưng "Kính" sẽ cho đàn em dùng cá thối mùi nồng nặc để ngay sát chỗ bán hàng, cho xe chắn ngang cửa cản trở việc kinh doanh. Bằng mọi thủ đoạn, chúng muốn dằn mặt tiểu thương, "ai dám chống lại thì sẽ hết đường làm ăn".
Để có thể quay lại cặn kẽ từng cuộc "ngả giá" giữa nhóm Hưng "Kính" và tiểu thương, nhóm phóng viên trải qua 2 tháng hoá thân tiểu thương ở chợ Long Biên.
Đối với Liên Liên, trong 13 năm làm nghề có nhiều vụ ghê gớm hơn, tuy nhiên nạn bảo kê ở chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội có những tình tiết mang tính chất tội phạm có tổ chức, nhiều rủi ro và nguy cơ.
Các đối tượng rất cảnh giác, ma mãnh, thông thuộc địa hình. Họ đã hoạt động hơn 20 năm nên có đủ mánh khóe để tránh được sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Họ cũng rất thận trọng và dè chừng, các giao dịch cũng không để lộ.
"Chợ Long Biên là một không gian rất đông. Với người làm điều ta, đấy là một bối cảnh thuận lợi nhất để có thể trà trộn, nhưng ngược lại, lại không có chỗ trú ẩn. Nếu cứ đi đi lại lại trong chợ quá nhiều lần rất dễ khiến các đối tượng nghi ngờ, nên chúng tôi phải đi một cách hợp lý bằng cách vào vai các tiểu thương.
Sự xuất hiện của chúng tôi do đó trở nên thường xuyên hơn.
Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi thường xuyên bị mất dấu, nên không ít lần chúng tôi đã phải ghi hình lại. Ngoài 2 tháng tác nghiệp, trước đó, chúng tôi cũng mất khá nhiều thời gian để thu thập thông tin trước khi tiến hành".
Loạt tác phẩm do Liên Liên và đồng nghiệp thực hiện được lên sóng giờ vàng trong bản tin thời sự VTV1 tối ngày 20 - 21 - 22/9, lần lượt phơi bày sự thật trần trụi tại chợ Long Biên. Phóng sự gây được tiếng vang lớn, nhận được sự đón nhận nồng hậu từ công chúng.
Chị Liên Liên trong một lần tiếp xúc với các tiểu thương.
Nữ phóng viên giật phăng chiếc khăn che mặt
Trong một kỳ phóng sự, Liên Liên quyết định lộ danh tính, giật phăng chiếc khăn che mặt vẫn thường để cải trang thành tiểu thương chợ Long Biên. Đó không đơn thuần là sự dũng cảm, dấn thân của phóng viên mà chính là lời tuyên chiến với các thế lực nằm trong bóng tối.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: "Tại sao chị lại quyết định lộ danh tính?", Liên Liên khá bất ngờ. Thông thường các phóng viên làm điều tra ít khi lựa chọn lộ danh tính của mình.
Trước đây, trong loạt phóng sự từng thực hiện, chị cũng từng đắn đo: xuất hiện hay không? Với vấn nạn bảo kê tại chợ Long Biên, đã đến lúc Liên Liên phải quyết định.
Chị cần phải xuất hiện để bà con tiểu thương có niềm tin, rằng hãy sẵn sàng đấu tranh với cái xấu mà không sợ hãi hay e ngại.
"Nếu chúng ta làm một điều đúng đắn cho xã hội mà còn sợ những người làm sai, thì chúng ta rất khó đem lại lòng tin cho tiểu thương.
Tôi đã rất nhiều lần phải thuyết phục họ hãy tin rằng chúng tôi đang làm những điều tốt nhất cho họ. Không có ai mua chuộc, không ai áp lực gì cả. Họ đã phải tìm đến nhiều nơi, nhưng chưa từng một lần được xử lý.
Cuộc đời chúng ta không hoàn hảo, hy vọng điều tốt lúc nào cũng bên cạnh thì chắc chắn sẽ thành công".
Nữ phóng viên giật phăng chiếc khăn che mặt, để lộ danh tính trong loạt phóng sự điều tra liên quan đến bảo kê ở chợ Long Biên.
Sau khi 3 kì phóng sự vấn nạn bảo kê chợ Long Biên được đăng tải, đến ngày 23/9, tiểu thương báo rằng ở chợ vẫn tiếp tục thu tiền bảo kê. Không chần chừ, rạng sáng 24/9, nhóm phóng viên họp bàn kế hoạch quay lại chợ. Lúc này, danh tính của Liên Liên đã quá rõ ràng là một bất lợi với cá nhân chị và cả nhóm.
"Tôi đã ra mặt rồi, mọi thứ dần ầm ĩ. Khi lựa chọn quay lại chợ, cả đêm tôi đắn đo, suy nghĩ". Khi trời càng sáng, danh tính của Liên Liên càng thêm nguy hiểm. Hôm đó, Hưng "kính" cho đàn em thu tiền muộn hơn mọi ngày.
5h30 sáng, một đối tượng xuất hiện thu tiền bảo kê. Đó là Long "Cao". Liên Liên bám theo các đối tượng, với các thiết bị đã cài sẵn trên người.
Trong quá trình quay, chị bị phát hiện. Chị hướng ánh mắt về phía một tiểu thương, người này biết rằng chị đã quay lén nhóm của Long "Cao". Họ hỏi chị có mua cá không? Liên Liên nghĩ trong đầu rằng người ấy đang cố giúp mình.
Trong khi miệng ẩm bẩm: "Cá bao nhiêu tiền?", chị vẫn tiếp tục quay. Long "Cao" bắt đầu để ý và quay lại nhìn.
"Lúc tôi mua cá xong và đứng dậy, thì đây chính là phút sinh tử để mình lựa chọn sẽ thế nào. Tôi không sợ bản thân bị làm sao, mà quan trọng hơn là mất tư liệu. Tôi nhìn xung quanh không thấy người đi cùng mình đâu cả. Long "Cao" khi ấy không còn thu tiền nữa, hắn cứ đứng nhìn tôi như thế một hồi lâu.
Nếu tôi lẩn trốn, nhóm của Long "Cao" sẽ không tha cho tôi. Còn nếu tôi đi về hướng họ, cố gắng tạo sự mất thăng bằng, thì các đối tượng sẽ không phát hiện được. Tôi sẽ phải "cứng" hơn chúng".
Sau cùng, Liên Liên quyết định tiến thẳng về phía Long "Cao".
"Khi đi qua chúng, tôi có nhiều cảm xúc lắm. Tôi đi rất chậm, thậm chí còn dừng lại để buộc túi cá. Các đối tượng vẫn bám theo cho đến khi tôi cắt đuôi được.
Với những tình huống buộc mình phải lựa chọn, sẽ không có kịch bản nào hoàn hảo để thực hiện một cách chuẩn chỉnh cả, nó phụ thuộc vào sự nhạy bén và xử lý của phóng viên".
Để hợp lý hoá sự xuất hiện của mình ở chợ, chị cùng đồng nghiệp hoá thân vào những tiểu thương.
"Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết"
Khoảng 22h15 ngày 2/12, Liên Liên và một đồng nghiệp khác nhận được 2 tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung: "Mày dừng lại đi đừng cố tình quay bọn tao nữa cũng chẳng làm gì được đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết". Lời đe dọa tiếp tục được nhắc lại trong tin nhắn thứ 2.
Thời điểm này, vấn nạn tiền bảo kê tại chợ Long Biên đã "ngã ngữa", những cái tên đứng đằng sau lần lượt được chỉ điểm. Tuy nhiên, chưa hề có một quyết định nào từ cơ quan chức năng.
Đầu tiên, hơi bất ngờ, chị bắt đầu phân tích "Tại sao lại có tin nhắn này?". Trong trường hợp này, nếu im lặng các đối tượng sẽ có lợi hơn là phải lên tiếng hay có lời đe doạ.
"Tôi biết được rằng các đối tượng nắm được thông tin chúng tôi sẽ quay lại chợ tìm hiểu thêm. Có thể do kế hoạch bị lọt ra, nên họ có phản ứng. Dù không chỉ đích danh vụ án nào, nhưng tôi có nghi ngờ tới vấn nạn tiền bảo kê tại chợ Long Biên.
Sợ thì cũng không hẳn là sợ, tôi cảm giác mất niềm tin nhiều hơn. Thời điểm ấy tôi đang cực kỳ hy vọng vụ việc sẽ được xử lý một cách triệt để. Lúc nhận tin nhắn, chưa một đối tượng nào bị bắt. Tôi sợ vụ này sẽ bị trôi đi...".
Tin nhắn đe doạ "cả nhà mày phải chết" được gửi đến điện thoại của Liên Liên và đồng nghiệp.
Trong 13 năm theo đuổi phóng sự điều tra, Liên Liên từng phải đối mặt với những đe doạ ghê gớm hơn, ví như sẽ cho "Chết tại chỗ". Trước mỗi vụ án, chị đều có phương án an toàn, đánh giá mức độ nguy hiểm của đối tượng, gia đình, người thân, ekip của mình, thậm chí là cả máy móc, thiết bị.
Liên Liên có một "nguyên tắc bất di bất dịch": giữ bí mật tuyệt đối, ngay cả với người nhà. Họ không cần biết bất cứ thông tin gì cho đến khi họ cần phải biết. Không ai được phép hỏi, họ phải có niềm tin tuyệt đối vào chị.
Mỗi khi chị ra ngoài vào ban đêm, trong bộ dạng của "một kẻ khác", thì rõ ràng chị đang đi làm. Đây cũng là một cách để chị bảo vệ sự an toàn của người thân trong gia đình.
Trong 1 lần công tác ở Lào Cai, chị bị lộ thân phận, buộc phải rút ra địa điểm khác. Trên đường đi, nhóm phóng viên bị các đối tượng phát hiện, đuổi theo xe ô tô. Họ bắt chị dừng lại, hét lớn 3 lần: "Mày là ai?".
Liên Liên vẫn không mở cửa xe. Các đối tượng quay lại, mang theo dùi cui đập cửa kính. Chị ra lệnh tài xế phóng xe, khi ấy các đối tượng không còn đuổi theo vì chúng biết chỉ có 1 con đường duy nhất dẫn ra đường lớn.
Các đối tượng đứng đợi Liên Liên, mười mấy xe ô tô bao vây, nhiều tay anh chị "máu mặt" cũng xuất hiện. Chị cố gắng trì hoãn, nói chuyện "câu" giờ, đợi chờ đội hỗ trợ. May mắn, chuyến công tác đó chị được an toàn.
Hay trong lần thực hiện phóng sự những người vượt biên sang Campuchia đánh bạc, nhóm phóng viên tiếp cận sòng bạc đầu tiên và mang được khá nhiều thiết bị quay chụp vào bên trong. Nhưng do tình hình lúc đó căng thẳng và điều kiện trong sòng bạc cũng rất khó để thực hiện quay phim nên không thu được kết quả gì.
Để tránh nghi ngờ, Liên Liên đã chọn một sòng bạc khác. Nhưng chị không ngờ ở đó kiểm tra an ninh nghiêm ngặt và toàn bộ máy quay bị tịch thu, chỉ duy nhất một mình chị còn máy.
"Tôi giả bộ nghe điện thoại, tìm cách lách qua đám đông vào bên trong và thành công. Tôi hơi chủ quan vì nghĩ rằng người miền Nam, nhất là những người trốn sang Campuchia đánh bạc sẽ không biết mình là ai nên không hóa trang.
Nhưng đến khi tôi tiến vào trong để chuẩn bị tác nghiệp, đi ngang qua một người đàn ông, người đó nhìn tôi chằm chằm sau đó anh ta dẫn một bảo vệ đến chỗ tôi.
Nếu lúc đó tôi bị phát hiện đem theo máy quay, sẽ có rất nhiều tình huống xấu xảy ra. Đột nhiên người đàn ông kia chỉ vào tôi và nói: "Cô kia là phóng viên đấy".
Thời điểm nghe thấy hai chữ "phóng viên", tôi chỉ có duy nhất một cách chạy khỏi đó thật nhanh và trở về Việt Nam ngay lập tức".
Chị Liên Liên nhận giải thưởng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38.
Cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc
Ngày 5/12/2018, Công an Hà Nội đã quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 đối tượng là nhân viên tổ bốc xếp số 2, chợ Long Biên về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".
Bao gồm: Dương Quốc Vương (Vương "Lợn", 51 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Long (Long "Cao", 57 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Lê Thanh Hải (Hải "Gió", 56 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Đến ngày 4/1/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thi hành lệnh bắt tạm giam thời hạn 3 tháng đối với Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "Kính", 56 tuổi, trú tại phố Hàng Đậu, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến "Hói", 49 tuổi, trú tại Thúy Ái 1, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) để điều tra làm rõ hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" tại chợ Long Biên.
Lúc này, những xôn xao lâu nay cho rằng, không ai có thể làm gì Hưng "Kính" đã bị dập tắt. Đêm đó, cả khu phố Hàng Đậu đông nghìn nghịt. Người dân vây vòng trong vòng ngoài để chứng kiến việc bắt giữ, khám xét trùm bảo kê Hưng "kính".
Theo cơ quan điều tra, bước đầu đã làm rõ nhóm của Hưng "kính" có hành vi cưỡng đoạt 17 triệu đồng của tiểu thương.
Tổng cộng đã có 5 đối tượng bị bắt giữ trong vụ án chợ Long Biên xôn xao dư luận. Trong một bữa tiệc sinh nhật được tổ chức trước đó không lâu, ở một nhà hàng sang trọng tại Hà Nội, Hưng "Kính" đã hỉ hả cụng ly với các chiến hữu vì... "tai qua nạn khỏi". Nhưng rồi, cuộc vui ấy cũng chẳng được bao lâu.
Khi các đối tượng lần lượt đầu hàng trước pháp luật, Liên Liên cùng đồng nghiệp hạnh phúc ngập tràn. Sau tất cả, công sức họ bỏ ra ít nhiều cũng đã giúp được các tiểu thương một phần nhỏ.
Hưng là kẻ khiến chị đau đầu, nát óc nhất bởi anh ta rất ma cô, lão luyện trong việc che đậy hành vi. Hưng không bao giờ nói chuyện tiền với người lạ, nhóm phóng viên đã mất rất nhiều thời gian để tiếp cận, đã có những lần tác nghiệp không thành công, tư liệu bị hỏng do lỗi kỹ thuật.
"Tôi thấy pháp luật đã được thực thi. Mục đích của chúng tôi khi thực hiện phóng sự này không phải để bắt cá nhân nào, càng không phải ai đi tù mà chúng tôi vui. Tôi tin những điều mình làm cuối cùng đã có kết quả và hy vọng một cái kết viên mãn đến với chợ Long Biên mà lâu năm rồi không ai dám lên tiếng.
Khi chứng kiến tiểu thương khóc, van xin, tôi cảm thấy đúng là nếu mình không giúp được việc này, thì rất áy náy.
Chính tôi chứng kiến toàn bộ sự ranh mãnh của nhóm đối tượng, tôi lại làm việc trong một cơ quan báo chí có uy tín, tại sao những thứ công khai ngang nhiên trước mắt như này tôi lại không làm gì được? Vậy xã hội bất công quá".
Biết đâu sau Hưng "Kính" còn có những đối tượng khác, nhóm khác. Chúng ta không thể khẳng định 100% không có sóng ngầm ở đâu đó tại chợ Long Biên. Biết đâu có những tiểu thương chưa lên tiếng.
Chắc chắn, nhóm phóng viên của Liên Liên sẽ còn quay lại, bằng một hình thức khác để hoàn thành nốt sứ mệnh mà bà con tiểu thương kỳ vọng.
"Trong những giấc ngủ chập chờn ở Long Biên, tôi kỳ vọng nhiều lắm. Tiểu thương đang trông chờ mình. Nhiều khi tôi cũng thấy ngõ cụt, bị quay hỏng. Đôi lúc buồn thê thảm, cố nhắc nhở nhau, dù mệt lử nhưng đã làm phải làm đến cùng".
Nữ phóng viên trong những bản tin trên VTV.
Cuộc đời có những thứ chúng ta yêu mà không bao giờ phải lo bị phản bội
Gần cuối tháng 2, sau khi sự việc tại chợ Long Biên đã "ngã ngửa", 5 đối tượng sừng sỏ đều đã phải cúi đầu trước pháp luật, Liên Liên nhận được một bức thư đặc biệt.
"Hàng ngàn tiểu thương chợ Long Biên và hàng ngàn hộ dân phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, chân thành gửi tới quý Đài và quý ban (Ban Thời sự - PV) lời cảm ơn sâu sắc của chúng tôi, cảm ơn phóng viên Liên Liên đã dũng cảm vạch trần những việc làm trắng trợn của bọn bảo kê mà hơn 10 năm nay chúng tôi phải cắn răng chịu đựng.
Phóng viên Liên Liên và đồng đội của chị thực sự là những tấm gương sáng về lòng dũng cảm và xứng đáng được suy tôn là "nữ anh hùng trong cuộc chiến chống giặc nội xâm"".
Từng tiểu thương ký tên đầy đủ, kèm số điện thoại. Họ không phải che giấu thân phận như trước đây. Họ đại diện nói lên tiếng nói cho tất cả những thân phận khổ đau bao năm qua phải cúi mình chịu đựng sự hung hăng của các đối tượng.
"Tôi thực sự xúc động khi nhận được bức thư của tiểu thương chợ Long Biên. Tôi thấy công sức mình bỏ ra có chút hài lòng vì nó đã đem đến tác động tích cực cho người dân. Trước khi công khai từng kỳ phóng sự, tôi đã phải xoá đi viết lại nhiều lần.
Trong từng câu chữ, tôi đều phải suy nghĩ rất kĩ, liệu số phận người dân, bà con sẽ đi về đâu? Chắc chắn sắp tới tôi và đồng nghiệp sẽ còn vạch trần nhiều vấn đề khác trong xã hội, để khán giả cảm thấy có niềm tin hơn vào cuộc sống".
Bức thử cảm ơn tiểu thương Long Biên gửi tới Đài Truyền hình Việt Nam và cá nhân chị Liên Liên.
Sau vấn nạn bảo kê chợ Long Biên, lượng đơn thư gửi trực tiếp tới phóng viên Liên Liên tăng đột biến.
Đây vừa là động lực, vừa là trách nhiệm và nghĩa vụ để chị phải cố gắng nhiều hơn nữa. Sự tin tưởng, kỳ vọng của người dân là một trong những yếu tố để phóng viên chấp nhận dấn thân đến cùng, quyết tìm ra sự thật đằng sau.
"Nếu tôi bảo lúc nào ngọn lửa cũng cháy mãi thì không thật lòng. Đôi lúc tôi cảm thấy bất lực vì không phải cái gì mình làm cũng mang lại hiệu quả. Nhưng mỗi khi có đề tài hay, tôi lại bị cuốn vào, dần dần thấy rằng cuộc sống này chẳng có gì hoàn hảo, mình cứ làm thôi, làm đến đâu được đến đấy.
Nếu mình không làm, cứ ngồi và lo lắng, thì làm sao biết được một sự việc liệu có được xỷ lý hay không? Mình áy náy với người dân...
Chúng ta mang đến điều tốt đẹp cho xã hội thì có ngày xã hội mang đến điều tốt đẹp cho chúng ta, đó chính là sự ghi nhận. Phóng viên điều tra sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực và khó khăn, nhưng nếu không có đam mê sẽ không thể theo đuổi đến cùng được.
Thông thường, con người chỉ thích sống yên bình, tránh va chạm, không gây mâu thuẫn với ai, đó cũng là mong muốn chính đáng, nhưng nếu xã hội mà ai cũng vậy thì còn ai sẽ bên cạnh những người yếu thế. Tôi may mắn vì có những người đồng hành cùng đam mê, cùng chí hướng với mình.
Thực sự, đến hôm nay tôi phải cảm ơn họ, cảm ơn họ vì chính họ cũng đang tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong cuộc chiến khó khăn này. Phải thức trắng triền miên trong nhiều đêm liền để mong tìm ra được lẽ phải, chưa kể nguy hiểm luôn rình rập, không phải ai cũng đủ dũng cảm, sức lực mà theo đuổi nó. Chỉ có thể là đam mê.
Cuộc đời có những thứ chúng ta yêu mà không bao giờ phải lo bị phản bội".