Đã bao giờ khi lia mắt một loạt từ trên xuống dưới danh sách phòng lớp, bạn hú hét khi phát hiện ra có một người khác cùng lớp cũng cùng ngày sinh với bạn?
Hay đã bao giờ bạn há hốc mồm khi đang nằm nghỉ ngơi trên bãi biển Nha Trang và tình cờ bắt gặp một đứa bạn ở Hà Nội tay cầm ly cocktail lướt qua ngay trước mặt?
Nếu bạn đã từng như thế, thì có vẻ bạn đã làm quá mọi chuyện lên rồi đấy. Bởi vì nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, đây hoàn toàn không là cái gì gọi là "trùng hợp ngẫu nhiên" hết, đây đơn giản là kết quả của toán học.
Cuốn "Số vận: Bản chất toán học và những hiểu nhầm về Sự ngẫu nhiên" (Joseph Mazur) đã đưa ra lập luận chứng minh rằng những sự việc trùng hợp như trên chỉ là một trong những biến cố toán học. Và số lượng các biến cố này không lớn như bạn tưởng. Các nhà toán học vẫn gọi bài toán này là "bài toán ngày sinh nhật", và việc giải bài toán này không phải là việc gì khó khăn.
Trong một nhóm có 366 người, thì 100% sẽ có hai người có cùng ngày sinh với nhau, vì có 365 ngày trong một năm.
Nhưng "thu nhỏ" quy mô hơn một tí, bạn chỉ cần có 23 người để có 50% khả năng tìm ra được hai người có cùng ngày sinh. Để kiểm chứng điều này, hãy tưởng tượng ra trường hợp 23 người trong nhóm này sẽ đi đối chiếu ngày sinh nhật với nhau.
Người thứ nhất sẽ so sánh ngày sinh của anh ta với 22 người khác, người thứ hai sẽ so sánh với 21 người khác (người thứ nhất đã đối chiếu rồi). Cứ như thế, lần lượt người thứ 3, 4, 5,… sẽ lần lượt đối chiếu ngày sinh với số người ít hơn người trước 1 người. Tổng lại, sẽ có 22 + 21 + 20 + …., tức 253 cơ hội để có một cặp trùng ngày sinh, điều này đem đến tỉ lệ hai người có cùng ngày sinh.
Có một câu chuyện về "sự trùng hợp ngẫu nhiên" xảy ra năm 1929 ở Mỹ như sau: Một lần, tác giả viết cho trẻ em nổi tiếng Anne Parrish đang "lượn" xem sách ở một cửa hàng sách cũ dọc sông Seine, nước Pháp, bà tình cờ bắt gặp một cuốn "Jack Frost và những mẩu chuyện khác" (Helen Wood) – quyển sách mà bà rất yêu thích.
Anne mua ngay cuốn sách về nhà và đem khoe với chồng bà. Người chồng xem qua cuốn sách, rồi chỉ cho bà thấy dòng chữ ở trang lời tựa của cuốn sách " Anne Parrish, 209 đường North Weber, thành phố Colorado Springs, bang Colorado".
Và lúc đó, Anne nhận ra rằng bà đã mua lại chính cuốn sách của mình thời thơ ấu.
Câu chuyện nghe có vẻ ngẫu nhiên vô cùng tận, nhưng Mazur tính ra rằng khả năng xảy ra việc này chỉ là 3,331 trên 1.
Ông đánh giá khả năng này dựa trên từng chi tiết của câu chuyện, bao gồm khả năng bà Anne đến thăm Paris (0,1), bà đi lùng mua sách (0,3), và khả năng cuốn sách có ở đó (0,01). Và khi góp các khả năng này lại, ông thu được kết quả là 0.0003, hay 3,331 trên 1, hoàn toàn không bất khả thi như chúng ta nghĩ.
Bạn thấy đấy, đôi khi cuộc đời thật kì diệu, nhưng cũng đồng thời không hẳn kì diệu như bạn tưởng. Có các lí luận khoa học, bạn có thể dễ dàng "vén màn" cuộc sống quanh mình, và biến nó thành một điều kì diệu theo cách của riêng bạn.
Nguồn: Dailymail