Gặp lại mẹ sau 49 năm thất lạc: Bố đã mất vì quá nhớ con, hội ngộ chìm trong nước mắt

Chi Chi |

Do quá đau buồn vì lạc mất cậu con trai duy nhất, ông Quốc cũng sinh tâm bệnh. Nhà hàng xóm có cậu con trai, hễ nghe họ gọi tên con, ông lại khóc ngất.

Giây phút đoàn tụ của 3 mẹ con. Ảnh: Người lao động

Giây phút đoàn tụ của 3 mẹ con. Ảnh: Người lao động

Năm 1973, cậu bé Nguyễn Văn Tuấn (vừa tròn 5 tuổi) lạc gia đình sau khi theo hàng xóm đi ra ga tàu chơi. 

Đúng 49 năm sau, một ngày mùa xuân năm 2022, cậu bé 5 tuổi ngày nào nay đã 54 tuổi, may mắn tìm được mẹ là cụ bà Phạm Thị Lâm (89 tuổi) cùng các chị em gái ở tận vùng đất Gia Lai xa xôi.

Cuộc hội ngộ sau nửa thế kỉ ngập trong nước mắt bởi những niềm vui và nỗi buồn không thể nói nên lời. 

Cậu bé 5 tuổi đi lạc

Anh Nguyễn Văn Tuấn là con của bà Phạm Thị Lâm và ông Nguyễn Văn Quốc, sống tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Hai vợ chồng ông bà hàng ngày đi làm hợp tác xã.

Báo Người lao động cho hay, vào một ngày năm 1973, bà và chồng phải đi chia lúa, chia rơm cho hợp tác xã nên đã nấu cơm xong xuôi từ sớm, dặn con gái lớn là Nguyễn Thị Anh (lúc đó mới 9 tuổi) lấy cơm cho em trai là Nguyễn Văn Tuấn (mới 5 tuổi) ăn rồi đưa em sang nhà bà ngoại chơi.

Buổi chiều, ông Quốc và bà Lâm đi làm về thì mâm cơm vẫn còn nguyên còn 2 con thì không thấy tăm hơi ở nhà. Vợ chồng vội đi tìm thì chỉ gặp bé Anh còn bé Tuấn thì mãi không thấy. 

Gia đình nhờ cả hàng xóm đi tìm khắp làng trên xóm dưới, lặn xuống cả ao để mò vì sợ Tuấn đuối nước nhưng cậu bé vẫn bặt vô âm tín. 

Liên tục nhiều năm sau đó, vợ chồng bà Lâm thuê người đi khắp nơi tìm con, thậm chí lên tận các tỉnh biên giới phía Bắc vì có thông tin con trai bà bị bắt cóc bán sang Trung Quốc. Để có tiền tìm con, từng tài sản trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi, đến cả chiếc nồi đồng cũng phải bán.

"Từ khi mất con, hai vợ chồng không thiết ăn uống gì nữa. Có thầy bói phán con tôi qua sông ngã xuống nước chết rồi. Nhưng chết thì phải thấy xác, chưa thấy thì chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm" - bà Lâm kể với báo Người lao động. 

Theo báo Pháp luật TP.HCM, do quá đau buồn, ông Quốc cũng sinh tâm bệnh. Nhà hàng xóm có cậu con trai, hễ nghe họ gọi tên con, ông lại khóc ngất.

Đến năm 1979, vợ chồng bà Lâm cùng người con gái chuyển vào huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai theo diện kinh tế mới nên việc tìm con cũng phải ngưng lại. Thế nhưng bà Lâm chưa bao giờ nguôi hy vọng, thường xuyên viết thư về quê nhờ mọi người để ý xem có bé trai nào đi lạc tìm về không nhưng không hề có ai tìm về suốt 49 năm. 

Về phần cậu bé Nguyễn Văn Tuấn, chiều một ngày năm 1973 ấy, cậu bỏ cơm nhà vì một người hàng xóm tên Phúc (khoảng 15 tuổi) rủ ra ga tàu (cách nhà khoảng 5 km) chơi và rủ lên tàu.

Khi lên tàu thì hai người lạc mất nhau nên cậu bé 5 tuổi chỉ biết gào khóc và được một người đàn ông tên Trần Văn Kiệm dỗ dành, đưa về nhà ở tỉnh Thanh Hóa nuôi dưỡng. 

Tiếp đó, ông Tuấn được vợ chồng không có con, gần nhà ông Kiệm nhận làm con nuôi và đổi họ theo cha nuôi là Lê Văn Tuấn. 

Sống cùng cha mẹ nuôi nhưng ông Tuấn vẫn mong muốn một ngày tìm về với cha mẹ đẻ, với gốc gác nguồn cội của mình nhưng do hoàn cảnh cuộc sống khó khăn nên mãi tới năm 2019, ông mới bắt tay vào tìm gia đình đã thất lạc.

“Hồi đó người ta hay gọi bố mẹ theo tên chị gái là “bố cái Anh”, “mẹ cái Anh” nên tôi không biết tên thật của bố mẹ mà chỉ biết chị gái tên Anh, còn tôi tên Tuấn. Do vậy việc tìm lại bố mẹ ruột cũng khó khăn. Năm 2019, tôi gửi thông tin lên đài, mạng xã hội nhờ tìm kiếm và đến gần đây mới nhận được phản hồi, liên lạc nhận người thân” - ông Tuấn kể với báo Pháp luật TP.HCM.

Kỳ tích đoàn tụ sau nửa thế kỷ

Pháp luật TP.HCM thuật lại, vào một ngày đẹp trời tháng 3, điện thoại của bà Nguyễn Thị Anh (58 tuổi, con gái đầu của cụ Lâm, hiện ngụ ở thôn Thanh Trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, Gia Lai) nhận được điện thoại từ một người đàn ông lạ nói: “Alo, chị Anh à? Em Tuấn đây, em trai thất lạc của chị đây”. 

Nghe câu nói, bà Anh thấy chấn động nhưng bán tính bán nghi nên cố ngăn lại cảm xúc để xác minh tính chính xác của câu chuyện. Bà Anh hỏi ông Tuấn về ký ức hồi nhỏ giữa hai chị em thì ông Tuấn đều đáp lưu loát nên lúc đó bà mới tin chắc đó là em trai mình.

Ông Tuấn kể cho bà Anh nghe những câu chuyện hồi bé, nhắc đến giếng làng trước ngõ, cây vải trước nhà, tên cậu hàng xóm… khiến bà Anh khóc nức nở. Sau đó, ông Tuấn hẹn sắp xếp công việc, một tháng sau vào Gia Lai đoàn tụ gia đình.

Không thể chờ đợi lâu hơn nữa, ông Tuấn cùng vợ vội vàng chuẩn bị ba lô tay nải từ Thanh Hóa vượt gần 1.000 km vào Gia Lai và tìm đến nhà cụ Lâm. 

Ngày gặp mặt, mẹ con, chị em ôm nhau khóc nức nở. Bao nhiêu nhớ nhung, bao nhiêu uất nghẹn không thể nói thành lời, chỉ biết khóc cho thỏa nỗi lòng. 

Cụ Lâm ngày lạc con trai thì vẫn chỉ là đứa trẻ 5 tuổi nhưng nay con đã trưởng thành là người đàn ông trung niên rắn rỏi. Đôi mắt già nua đầy vết chân chim của cụ cứ liên hồi nhòe đi vì cảm xúc ùa về quá lớn. Cụ chỉ biết gọi "Con ơi, con ơi!".

Thỉnh thoảng, đôi bàn tay nhăn nhúm của cụ Lâm cứ sờ nắn lên mặt con trai bé bỏng ngày nào, còn tay cứ nắm chặt tay con như thể sợ mất con thêm lần nữa.

"Gặp nhau nhưng hai mẹ con chưa nói chuyện với nhau được nhiều vì cứ kể lại chuyện xưa là khóc, nhất là chuyện cha tôi vì nhớ thương con mà suy sụp, mất đi vào năm 1992. Tôi mong muốn được đưa mẹ về Thanh Hóa để chăm sóc, gần gũi với mẹ, bù lại những năm dài đằng đẵng xa cách" - ông Tuấn nghẹn lời kể với báo Người lao động. Hai chị gái ông Tuấn cũng đồng ý để ông phụng dưỡng mẹ từ nay về sau.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại