Gặp đôi bạn trẻ đứng sau Chạy Trốn Phồn Hoa: Tựa game đưa bản sắc văn hoá Việt Nam đến làng game thế giới!

Huỳnh Duy |

Tài năng, trẻ trung, nhiệt huyết là những gì có thể miêu tả về hai thành viên đứng sau “Chạy Trốn Phồn Hoa”, tựa game được Apple lựa chọn cho chiến dịch tôn vinh những tài năng ở khu vực Đông Nam Á.

Trần Tuấn Hiệp (2001, Pixel/2D Artist) và Phạm Duy Phúc (1999, Game Developer) là hai trong những gương mặt trẻ tài năng thuộc lĩnh vực lập trình game. Đam mê vẽ vời cùng lập trình từ khi còn học phổ thông, Tuấn Hiệp và Duy Phúc đã quyết liệt theo đuổi đam mê để rồi gặt hái quả ngọt trên hành trình sự nghiệp đang rất rộng mở của mình.

Bằng một cách tình cờ, hai người bạn có chung chí hướng đã gặp gỡ và tạo nên dự án tâm huyết đầu tiên với tên gọi DreamChaser: Chạy Trốn Phồn Hoa. Không chỉ mang đến những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, Chạy Trốn Phồn Hoa còn là hành trình khám phá văn hóa Việt Nam đầy thi vị.

Khát khao đưa văn hóa Việt Nam vào dòng chảy thế giới

Cảm hứng về tựa game DreamChaser: Chạy Trốn Phồn Hoa đến với bộ đôi một cách khá tình cờ.

Cơ duyên bắt đầu từ những hình ảnh pixel hoá các kiến trúc Việt Nam được Tuấn Hiệp thực hiện và đăng tải trên các nhóm bạn bè. Niềm đam mê đặc biệt với lịch sử, văn hóa truyền thống đã thúc đẩy Hiệp tạo ra tác phẩm ấn tượng về cảnh sắc Việt Nam.

Khi những bài đăng của Hiệp được nhiều người ủng hộ và biết tới, ý tưởng làm game cũng dần định hình trong tư tưởng của cậu bạn Gen Z. Quyết định đưa văn hoá Việt Nam lên tựa game ngày càng thôi thúc cũng là lúc Tuấn Hiệp đi tìm người đồng hành Duy Phúc thực hiện dự án Chạy Trốn Phồn Hoa.

Gặp đôi bạn trẻ đứng sau Chạy Trốn Phồn Hoa: Tựa game đưa bản sắc văn hoá Việt Nam đến làng game thế giới!- Ảnh 1.

Kể từ thời điểm chân ướt chân ráo bước vào ngành phát triển game, mình đã luôn ước ao phát triển một tựa game của riêng mình. Câu hỏi tại sao chưa có game nào làm về văn hoá Việt Nam cũng là điều khiến mình luôn canh cánh trong lòng ”, Tuấn Hiệp chia sẻ.

Đây cũng là những lý do Hiệp luôn tâm huyết phát triển tựa game mang đậm bản sắc dân tộc và bám sát lịch sử Việt Nam. Chàng trai trẻ muốn truyền tải cho cộng đồng biết Việt Nam mình đẹp như thế nào, đồng thời góp phần quảng bá những địa danh ít người biết đến.

Tuấn Hiệp chia sẻ, mỗi địa danh, kiến trúc, trang phục trong game đều mang ý nghĩa. “Vốn là những yếu tố tình cờ nhưng khi kết hợp với nhau chúng lại mang đến những câu chuyện sâu xa, gợi mở những hình ảnh về một Việt Nam đậm đà bản sắc”, Hiệp nói.

Xuyên suốt Chạy Trốn Phồn Hoa, người chơi sẽ đi qua những địa danh nổi tiếng của Việt Nam được bộ đôi lồng ghép khéo léo. Từ cầu ngói Thanh Toàn (Huế), đình cổ Hương Canh của Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cho đến Thủy Đình ở Thiên Phúc Tự (Hà Nội), Tháp Chuông Vọng Lĩnh Cao Đài trên đỉnh Fansipan (Lào Cai), Tháp Chăm Poshanu và đồi cát Nam Cương (Ninh Thuận - Bình Thuận),... những địa điểm xuất hiện với phong cách pixel đã phần nào thành công trong việc quảng bá danh lam thắng cảnh Việt đến với mọi người.

Hành trình từ “DreamChaser” đến “Dreamers” được Apple vinh danh

“Here's to the Dreamers” (Những Người Ấp Ôm Hoài Bão) là chiến dịch Apple dành để vinh danh những tài năng xuất sắc ở khu vực Đông Nam Á, những người dám để lại dấu ấn trên thế giới với tầm nhìn độc đáo của họ. Với việc vượt qua các ứng viên sáng giá khác, DreamChaser: Chạy Trốn Phồn Hoa đã xuất sắc được Apple lựa chọn để truyền cảm hứng cho những ai đang bắt đầu hiện thực hóa ước mơ của mình.

Gặp đôi bạn trẻ đứng sau Chạy Trốn Phồn Hoa: Tựa game đưa bản sắc văn hoá Việt Nam đến làng game thế giới!- Ảnh 2.

Duy Phúc chia sẻ trở ngại lớn nhất của cậu bạn là quỹ thời gian hạn hẹp. Thời điểm đó, Phúc đang đảm nhận công việc toàn thời gian. Sau khoảng từ 9h sáng đến 18h dành cho công việc, khoảng thời gian dành cho bản thân và gia đình cũng khiến Phúc bận rộn đến 22h đêm.

Từ lúc đó cho đến 2-3h khuya cũng là thời gian mình và Hiệp dành để phát triển DreamChaser ”, Phúc tâm sự. Dẫu vậy, anh chàng chưa bao giờ có ý định từ bỏ, luôn vực dậy, động viên bản thân cùng đứng lên, không ngừng nỗ lực và hoàn thiện hơn sản phẩm.

Còn đối với Tuấn Hiệp, khó khăn lớn nhất mà Hiệp đối mặt trong quá trình làm game là khoảng thời gian tìm cho mình người đồng đội có chung chí hướng.

Trước khi gặp Phúc, mình từng trải qua nhiều tháng trời ròng rã tìm bạn đồng hành. Có bạn muốn làm nhưng không sắp xếp được thời gian, còn bạn khác sau một thời gian đồng hành lại không chung chí hướng nên dự án cũng phải đành xếp xó ”, Hiệp cho biết.

Cảm giác vô vọng chỉ biến mất sau khi Hiệp gặp được Phúc. Sự ăn ý trong cách làm việc đã giúp bộ đôi phát triển dự án Chạy Trốn Phồn Hoa chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng.

Hiệp cho mình cảm giác như một đội chứ không phải tự bơi trong quá trình phát triển Chạy Trốn Phồn Hoa. Cả hai đều tự giác thúc đẩy bản thân để cùng nhau tạo nên một con game hoàn thiện ”, Phúc nói.

Việc phát triển tựa game là cả một quá trình, nhưng việc đưa tựa game đến với công chúng lại là một hành trình khó khăn không kém. Duy Phúc tâm sự, để tựa game xuất hiện trên App Store, cả hai đã trải qua không biết bao nhiêu lần chỉnh sửa, đợi xét duyệt cho đến khi khi nhận được lời chấp thuận của App Review Team.

Mọi khó khăn, trở ngại của bộ đôi đã được đền đáp khi Chạy Trốn Phồn Hoa đón nhận phản ứng tích cực của cộng đồng, đặc biệt là xuất hiện trong chiến dịch đầy ý nghĩa của Apple như một cách truyền cảm hứng đến mọi người thực hiện ước mơ.

Khi biết Chạy Trốn Phồn Hoa được Apple lựa chọn cho chiến dịch ‘Những người ôm giấc mơ ', cảm giác như bản thân vừa trúng số ", Hiệp xúc động.

Hiệp thừa nhận, bản thân thực sự rất bất ngờ, bởi Việt Nam có không ít ứng viên sáng giá, phù hợp với tiêu chí của Apple chứ không riêng DreamChaser: Chạy Trốn Phồn Hoa của bộ đôi.

“Hãy cứ khát khao, hãy luôn dại khờ”

Gặp đôi bạn trẻ đứng sau Chạy Trốn Phồn Hoa: Tựa game đưa bản sắc văn hoá Việt Nam đến làng game thế giới!- Ảnh 3.

Việc tìm được người đồng đội ăn ý với mình cũng là sự thành công. Hiệp là người am hiểu văn hoá, giỏi vẽ vời còn bản thân mình lại chỉ thích code và code. Việc DreamChaser có thể đi xa đến vậy cũng phần lớn đến từ mình có được một người bạn đồng hành cùng đam mê, có những điểm chung, ăn ý, phối hợp với nhau để hoàn thiện ”, Phúc thành thật.

Gặp đôi bạn trẻ đứng sau Chạy Trốn Phồn Hoa: Tựa game đưa bản sắc văn hoá Việt Nam đến làng game thế giới!- Ảnh 4.

Duy Phúc

Cũng theo Phúc, một sự thành công mà cậu bạn mãi gần đây mới nhận ra đó là lượng ‘impression’ cực kỳ ấn tượng của tựa game. “ Thời gian đầu, mình chỉ chăm chăm vào lượt tải, nhưng khi nhận lượng quan tâm lớn của mọi người dành cho game vượt xa những game bình thường, đó cũng thành công mà cả hai đã cũng đạt được ", Duy Phúc nói.

Mục tiêu của Phúc và Hiệp là sẽ tiếp tục hoàn thiện DreamChaser, đưa game phát triển xa hơn nữa song song việc thực hiện các dự án của riêng mình.

Chạy Trốn Phồn Hoa không phải là dự án duy nhất mà mình muốn làm, sau dự án này, mình rất muốn thực hiện thêm những sản phẩm mang màu sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, để có thể đem nền văn hóa nước nhà đến được với bạn bè quốc tế ”, Phúc tiết lộ.

Thông qua, Chạy Trốn Phồn Hoa, Duy Phúc mong muốn gửi gắm đến những bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực này: “ Hãy trao dồi thật tốt những kỹ năng. Quá trình tích lũy và không ngừng học hỏi những kiến thức chuyên môn này sẽ giúp ích rất nhiều trên con đường theo đuổi làm game của các bạn.

Gặp đôi bạn trẻ đứng sau Chạy Trốn Phồn Hoa: Tựa game đưa bản sắc văn hoá Việt Nam đến làng game thế giới!- Ảnh 5.

Tuấn Hiệp

Mượn câu nói truyền cảm hứng của Steve Jobs, lời khuyên của Tuấn Hiệp dành cho các bạn có chung chí hướng đó là: “ Hãy cứ khát khao, làm những điều mình thích và không ngại đương đầu với khó khăn. Quan trọng hơn là hãy tìm bạn đồng hành phù hợp với mình, hãy bỏ đi tư tưởng làm một mình là sẽ thành công, sẽ có thể tự làm tất cả mọi việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại