Gặp "dị nhân" từ chối bán cây quý... 1 triệu USD để dùng tạo hình Phật mộc

Đỗ Lực |

Chi hàng chục tỷ đồng để được sở hữu cây nu hương đỏ hàng ngàn năm tuổi nhưng không chạy theo lợi nhuận, ông Văn Tiến Hùng - chủ nhân cây nu hương chỉ có tâm nguyện phát tâm tạo Phật, tạo thành tác phẩm kiệt tác để lại cho đời.

Mối lương duyên giữa cây và người

Qua lời giới thiệu của một người bạn ở Thanh Hóa, chúng tôi biết đến cây nu hương ngàn năm tuổi của một người được coi là dị nhân khi chi hàng chục tỷ đồng để rời cây nu hương ngàn năm xuống phố chỉ với tâm nguyện phát tâm Phật.

Qua nhiều lần “mai mối” chúng tôi gặp được chủ nhân của cây gỗ quý này, ông Văn Tiến Hùng (phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa).

Là người “sinh nghiệp tử nghề” với gỗ, ông Hùng cho biết, nghề gỗ làm cho nhiều người giàu lên cũng không ít người lụy bại.

Những người buôn gỗ như ông chỉ cần một lần may mắn trong đời gặp được cây nu hương ngàn năm tuổi như ông đang sở hữu là có thể thay đổi vận mệnh của mình.

Theo ông Hùng, may mắn lớn nhất cuộc đời ông là năm 2011 sau một lần tình cờ, ông biết được thôn Yuk Kla (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk) tồn tại 1 cây gỗ hương cổ thụ ngàn năm tuổi tích tụ sinh khí đất trời, đứng sừng sững giữa núi đồi.

Sau khi nhận được thông tin, ông đã tức tốc lên đường tìm đến thôn này để thăm “báu vật” ngàn năm.

Là một người có thâm niên lâu năm trong nghề khai thác gỗ, ông biết đây là cây gỗ quý (thuộc nhóm 2A) có một không hai trên đời, cây gỗ là nơi nhòm ngó của nhiều nhóm lâm tặc.

Theo ông Hùng, nu hương có dáng đẹp, ngàn năm có một, gốc cây có thể tạo hình một đài sen với 12 con giáp, đường kính thân 2,4m có thể tạc thành tượng Phật bà Quan âm và Thiện tài đồng tử.

Từ gốc lên có những hình sóng lượn giống như chín con rồng (Cửu Long quần tụ), thân cây rẽ thành hai nhánh hình chữ V (chữ đầu của chữ Việt Nam), và còn mang ý nghĩa của sự chiến thắng (Victory).

Thân cây “sở hữu” những nu gỗ được hình thành, kiến tạo qua hàng trăm năm mới có được. Nu hương có vân hình chân chó, theo từng dải, như tà áo bay của Phật Bà giữa các dải mây uốn lượn…

Sau lần đầu tiên “bén duyên” với “báu vật” trời ban này, trong giấc mộng ông luôn thấy hình ảnh Phật ngọc xuất hiện từ cây gỗ hương. Biết điềm lành ông đã tìm đến nhiều sư thầy cao tay để được giải mã giấc mơ.

Ông được nhiều sư thầy cho biết bản thân có mối nợ lương duyên với cây, để kết mối lương duyên này ông phải đưa cây xuống núi và nhờ người có tâm đức tạc thành tượng Phật.

Giấc mơ được lặp đi lặp lại nhiều ngày sau đó, sau nhiều đêm trăn trở, lo ngại cây gỗ quý sớm muộn sẽ bị nhóm lâm tặc đốn hạ, ông đã lên đường vào thôn Yuk Kla để gặp dân làng trong bản.

Trò chuyện với dân làng, ông biết được có nhiều nhóm lâm tặc nhăm nhe đòi đốn hạ cây.

Với tâm ý của một người thiện lương hướng Phật ông đã trình bày nguyện vọng với dân làng và được sự đồng ý của bản làng.

Ông đã làm thủ tục, xin phép dân bản và bắt tay vào việc xin cấp phép khai thác cây gỗ hương ngàn năm hiếm có này.

“Sau khi biết được tâm nguyện muốn phát tâm của tôi, biết tôi không phải là người chạy theo lợi nhuận kinh tế để khai thác gỗ, bà con đã đồng ý cho tôi khai thác.

Cảm kích trước sự đồng ý của người dân, tôi đã cúng tiến 200 triệu đồng và một bộ ban thờ bằng gỗ theo ý nguyện của người dân để xây dựng một ngôi nhà chung tại thôn Yuk Kla để người dân có nơi hội họp...”, ông Hùng nói.

Để hoàn thiện thủ tục xin cấp phép ông Hùng phải mất 5 năm liền, từ năm 2011 – 2015. Theo ông Hùng, quá trình xin cấp phép của ông gặp không ít những khó khăn khi hàng chục nhóm lâm tặc liên tục ngăn cản, đe dọa.

Thậm chí nhiều nhóm còn đơn thư kiện tụng lên cả cơ quan trung ương, khiến các cơ quan trung ương như Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp... vào kiểm tra. Nhiều lúc tưởng như sự việc rơi vào thế bế tắc nhưng vẫn không làm ông nản ý.

“Nhiều đại gia Hà Nội, Hải Phòng, Trung Quốc... có thế và lực điện thoại cho tôi với mục đích ngăn cản, yêu cầu bán rẻ khi đã được cấp phép nhưng khi “bén duyên” với gỗ thiêng thì tôi bất chấp tất cả, gạt mọi lo lắng tôi lại bắt tay hoàn thiện sớm thủ tục để đưa gỗ thiêng về với phố...”, ông Hùng cho biết thêm.

Sau nhiều tháng ngày ngóng chờ, năm 2015 ông Hùng đã được các cơ quan chức năng cấp phép rời cây xuống phố.

Nhấp ly nước chè đặc quánh, ông bồi hồi nhớ lại cảnh tượng hôm đưa cây thiêng xuống phố: “Hôm khai thác cả làng, xã, các thôn bản, các bậc cao niên đến thắp hương làm thủ tục, người làng tiếc vì cây đã gắn bó với họ ngàn đời nay nhưng vì lý do tốt đẹp của mình họ đã chấp thuận”.

Ông Hùng chia sẻ: “không biết có phải tôi và cây nu hương này có “duyên” với nhau hay không, nhưng khi xảy ra các tranh chấp, tôi đều bình tĩnh giải quyết cho dù có rất nhiều đại gia từ: Hà Nội, Hải Phòng, Trung Quốc cũng có “thế và lực” đều hơn tôi, nhưng cuối cùng cây đã cùng tôi “rời rừng xuống phố”.

Cây nu hương lớn đường kính 5 người ôm chưa xuể nên quá trình vận chuyển gặp không ít khó khăn, phải mất khoảng 12 ngày nhóm của ông mới dời cây từ Đắk Lắk về tới Thanh Hóa. Bởi cây lớn, quá khổ nên chỉ đi được từ 9 giờ đêm đến 4 giờ sáng.

Vừa chuyển về đến phường Tân Sơn, ông đã được hàng trăm chủ gỗ tên tuổi ở các tỉnh thành chào đón, ngã giá để mua lại cây.

Có những đại gia sẵn sàng trả giá cao gấp đôi để được sở hữu cây gỗ thiêng này, thế nhưng vẫn bị ông từ chối, khước từ.

“Từ ngày đưa cây gỗ về đến nay đã có hàng trăm đại gia đến ngã giá, họ trả giá rất cao, thậm chí có những đại gia trả giá 1 triệu USD để lấy cả cây nhưng tôi đều khước từ, bởi tôi làm việc này không phải vì tiền tôi muốn kiến tạo lên 1 tác phẩm phật Bà Quan âm đưa đến 1 nơi trang trọng, thiêng liêng để người đời thưởng thức.

Còn nếu vì tiền tôi đã bán từ lâu, nhưng tôi không làm thế vì đã hứa với dân làng ở Tây Nguyên...”.

Chờ gặp “quý nhân”…

Theo tìm hiểu của phóng viên thì giá trị của cây nu hương này có giá hàng chục tỷ đồng, và đã có rất nhiều người muốn được sở hữu vì nhiều mục đích khác nhau.

Theo một số chuyên gia phong thủy, cây này vốn dĩ đã tích tụ linh khí của núi rừng trên 1000 năm, người muốn sở hữu phải hợp mệnh, hợp duyên và tôn vinh đúng được giá trị của báu vật này.

Vì vậy “quý nhân” và “báu vật” cũng phải có mối lương duyên trời định.

Theo phong thủy, thuyết Ngũ hành là mối quan hệ nuôi dưỡng, giúp đỡ, thúc đẩy nhau để vận động không ngừng, đó là quan hệ Tương sinh.

Người ta qui ước thứ tự của Ngũ hành Tương sinh như sau: Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc.

Cũng theo ngũ hành nạp âm, trong 6 Lục Mộc thì cây nu hương này thuộc Đại Lâm Mộc (cây lớn trong rừng già) rất kỵ với người Mạng Kim, hợp với người Mạng Thủy và nhất là hợp với người mạng Hỏa.

Sở hữu cây nu hương giá trị bạc tỷ đã lâu nhưng bấy lâu nay nó cũng làm ông mất ăn mất ngủ bởi tâm nguyện lớn lao là biến cây nu hương thành một Phật mộc lớn, độc đáo nhất có thể rước đi khắp đất nước Việt Nam vẫn chưa thành hiện thực bởi phần kiến tạo kiệt tác này cần sự chung tay của các nghệ nhân có bàn tay tài hoa, am hiểu phật pháp... nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người có đủ duyên.

Hiện ông đang phát tâm mong muốn tìm được người đủ duyên, đủ đức, tài để chung tay giúp ông biến nguyện vọng bấy lâu thành hiện thực.

“Cây nu hương có thể trở thành một tác phẩm để đời, một Phật mộc lớn nhất, độc đáo nhất, được rước đi khắp đất nước Việt Nam, để hàng năm có hàng vạn người đến thăm quan và chiêm ngưỡng. Nếu cây nu hương này hợp “duyên” với người có tâm có tầm, có đức để tạo lên một “báu vật” cho muôn đời sau thì mình cũng thấy tự hào”, ông Hùng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại