Ưu tiên đẩy nhanh triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Việt Nam với Trung Quốc
Ngày 23/10, nhân dịp tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp ngắn với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển, bước sang giai đoạn phát triển mới với mục tiêu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng "6 hơn".
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao; thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, trong đó có kết nối giao thông, nhất là ưu tiên đẩy nhanh triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Việt Nam với Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng) nhằm thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và Năm Giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025.
Đáp lời, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ vui mừng trước xu thế phát triển, ngày càng thực chất, hiệu quả của quan hệ Trung-Việt; nhấn mạnh trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần thúc đẩy quan hệ theo tinh thần "4 tốt" và những nhận thức chung cấp cao đã đạt được; sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, thúc đẩy làm sâu sắc hơn nữa hợp tác thực chất, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt có ý nghĩa chiến lược không ngừng đi vào chiều sâu.
Để thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan Trung Quốc thúc đẩy kết nối giao thông Trung - Việt.
3 tuyến đường sắt kết nối Việt - Trung liên tục được hai bên liên tục thúc đẩy triển khai
Trong tuyên bố Việt - Trung sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hồi đầu tháng 10 này, hai bên đã nhất trí đẩy nhanh nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và lập quy hoạch hai tuyến Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Việc này nhằm hướng đến ký thỏa thuận hợp tác song phương về xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Trong đó có Biên bản làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc khảo sát hiện trường nghiên cứu tính khả thi dự án viện trợ lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hài Phòng.
Hay hồi tháng 9, trong chuyến công tác tại tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, chiều 24/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có cuộc hội đàm với ông Đinh Tiết Tường, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Ông Hồ Đức Phớc mong muốn Chính phủ Trung Quốc tích cực hỗ trợ để Việt Nam sớm triển khai nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và sớm lập quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng.
Đánh giá cao và tán thành các đề xuất hợp tác của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi quan hệ với Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng của Trung Quốc; mong muốn hai bên tiếp tục duy trì hợp tác.
Trước đó, ngày 19/8, tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó có văn kiện về lĩnh vực đường sắt. Cụ thể là:
Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Công thư giữa Bộ Giao thông Vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội.
3 dự án chiến lược hàng tỷ đô kết nối đường sắt Việt - Trung có gì?
Như vậy, trong thời gian qua, các buổi làm việc giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đều đề cập tới 3 tuyến đường sắt chiến lược trị giá hàng tỷ USD và dài hơn 800km.
Vậy các dự án này có gì?
Dự án đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn
Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Lạng Sơn, là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).
Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Lạng Sơn về Hà Nội có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.
Mặc dù có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc nhưng hạ tầng cửa khẩu Ga Đồng Đăng được đánh giá là đang xuống cấp, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy, vấn đề cải tạo, nâng cấp hay xây mới tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng là vô cùng cấp thiết.
Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội.
Dự án đường sắt Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội
Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch và nghiên cứu tính khả thi của tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội từ Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ mở ra một tuyến mới nối cửa khẩu Móng Cái tới thủ đô Hà Nội, tạo động lực giao thương hàng hóa, xuất khẩu và phát triển du lịch.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 3 tuyến đường sắt riêng lẻ. Nếu tuyến đường sắt Móng Cái-Hạ Long-Hà Nội được đầu tư sẽ có chiều dài gần 280km.
Hiện nay, phía Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt từ TP. Phòng Thành đến TP. Đông Hưng thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cách cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh chỉ vài km.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng