Theo tìm hiểu được biết, vào khoảng tháng 10/2017, sau trận lụt lớn cây cầu tạm bằng tre, luồng được người dân bắc qua sông để đi lại bị nước lũ cuốn trôi, cả thôn Tiên Nông, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa rơi vào tình cảnh bị cô lập.
Người dân đã kéo lên xã để kiến nghị, xin được làm cầu mới. Để giải quyết, UBND huyện Thiệu Hóa đã phê duyệt dự án làm cầu phao qua sông cho người dân với tổng kinh phí lên đến 3,9 tỉ đồng.
Chiếc xà lan được chính quyền địa phương đặt nằm lọt thỏm dưới dòng sông chỉ phát huy tác dụng vào mùa nước cạn
Theo quan sát của PV, cây cầu phao bắc qua sông Cầu Chày, nối thôn Tiên Nông với trung tâm xã là một chiếc xà lan lớn được đặt nằm lọt thỏm, bập bềnh giữa lòng sông. Để neo giữ, 4 sợi dây cáp mong manh được buộc nối với 2 đầu xà lan với trụ bê tông trên bờ.
Ngay sát phía trên là hai nhánh đường bê tông được đổ kiên cố chạy ra sát mép sông tạo thành hai chiếc cầu tàu dã chiến, phòng cho khi nước lũ dâng, cầu phao được kéo dịch lên cho vừa với lòng sông. Trên cầu, xã lập một bót gác, cắt cử lực lượng dân quân túc trực ngày đêm, phòng sự cố cầu bứt cáp, trôi cầu…
Xã Thiệu Long phải bỏ ra thêm 300 trăm triệu để làm đường dẫn mỗi khi nước lũ lên kéo xà lan nối đoạn thiếu hụt
Người dân tại địa phương cho biết, chiếc xà lan dài chừng hơn 20m được đưa về và đặt vừa vặn với lòng sông mùa nước cạn đã vô tình gây cản trở dòng chảy của sông, bèo, rác cứ trôi về đến đây là bị dồn ứ lại thành núi, kéo dài hàng chục mét. Đặc biệt, khi mùa lũ đến, vấn đề nghiêm trọng mới bắt đầu nảy sinh. Nước lũ chưa dâng lên đến mức báo động số một thì cầu phao đã bị đẩy lên cao, mỗi đầu hụt một khoảng cách với bờ đến gần 2m, cầu bị vô hiệu hóa, người dân lại rơi vào cảnh cô lập.
Để khắc phục những bất cập trên, UBND xã Thiệu Long đã phải "chủ động" trích từ nguồn ngân sách xã ra 350 triệu đồng, làm đường dẫn vào hai chiếc cầu tàu tạm, phòng khi nước lũ dâng có thể kéo nối đoạn thiếu hụt của cầu phao.
Ước mơ về cây cầu kiên cố vẫn đang là điều rất xa vời với người dân nơi đây
Bà Nguyễn Thị Thu người dân thôn Tiên Nông cười chua chát, bức xúc cho biết: "Tưởng có cầu mới sẽ không còn cảnh bị cô lập mỗi khi mùa mưa bão đến ai ngờ cây cầu bi hài này chủ yếu phát huy tác dụng vào mùa khô. Đây đang là thời điểm nước cạn nên cầu phao nằm lọt thỏm vừa vặn với dòng sông, chúng tôi mới có thể đi lại bình thường.
Chứ vào mùa mưa lũ, thường chỉ cần sau một vài ngày mưa lớn, mực nước trên sông dâng lên dưới mức báo động cấp một, theo con nước, cầu phao nổi lên làm hụt mỗi phía đầu cầu đến cả mét, không thể nào qua lại được. Không hiểu các cơ quan chức năng thiết kế kiểu gì".
Những bất cập trong việc thiết kế, thi công cầu khiến người dân vẫn phải"đánh cược" với tính mạng để qua sông mỗi khi mùa mưa bão về
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Bé – Chủ tịch UBND xã Thiệu Long cho biết: "Toàn thôn có 300 hộ dân với gần 800 nhân khẩu. Cây cầu nằm trên con đường độc đạo nối thôn Tiên Nông với xã nên rất khó khăn cho việc phát triển kinh tế, khổ nhất là hơn 100 cháu học sinh 4 cấp mỗi khi mùa mưa lũ về, cầu không đi lại được phải đi đường vòng.
Bình thường, quãng đường đến trường chỉ dài chưa đầy 1km, thì mùa lũ các cháu phải đi xa hơn 10km mới đến được trường. Nếu tính bình quân mỗi ngày học hai buổi, phụ huynh phải đi mất quảng đường là hơn 80km để đưa đón con em mình.
Việc xã phải bỏ kinh phí xây dựng thêm hai cầu tàu mới thì việc đi lại của người dân vào mùa mưa lũ vẫn không được đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, bà con Tiên Nông vẫn cần phải có một cây cầu kiên cố mới có thể yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế".