Chúng ta biết rằng, các loại rác nhựa do con người thải ra đã và đang tàn phá thế giới đại dương như thế nào. Ống hút, túi nhựa, cốc nhựa, và cả các hạt microbead (hạt nhựa có trong mỹ phẩm) có thể khiến các loài thủy sinh chịu hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng không chỉ rác nhựa đâu. Vẫn còn một thứ nữa đang đóng vai trò là "sát thủ thầm lặng", có thể giết chết các loài thủy sinh vật một cách dễ dàng.
Đó là các công cụ đánh bắt cá đã bị vứt bỏ (như lưới đứt, lưỡi câu...). Và quan trọng hơn, có đến gần 700.000 tấn "rác" loại này đang lọt ra ngoài đại dương mỗi năm.
Chúng được coi là "những bóng ma" của ngành công nghiệp đánh bắt cá. Không chỉ khiến tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn, chúng gây hại cho các rạn san hô, đồng thời khiến rất nhiều sinh vật biển bị mắc kẹt - bao gồm cá voi, cá heo, chim biển và rùa biển.
Một khi bị mắc, các sinh vật không thể trốn thoát.
Cụ thể, theo báo cáo mới đây của tổ chức Bảo vệ động vật Thế giới, số công cụ "ma" này đang là "thảm họa giới thủy sinh mà ta phải gánh chịu."
Ngoài ra, tác giả báo cáo cũng nhấn mạnh: "chỉ cần bị mắc kẹt là các loài sinh vật biển đủ chịu tổn thương rất lớn, hoặc chết", và câu chuyện tương tự cũng xảy ra khi nuốt phải chúng. Bi kịch hơn nữa, số "hồn ma" này cần đến 600 năm để phân hủy.
Không chỉ gây hại đến thế giới sinh vật, chúng còn ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của con người, vì các loài hải sản con người vẫn tiêu thụ cũng nằm trong số đó.
Vấn đề là bản thân ngành công nghiệp đánh bắt cá chính là nguyên nhân gây ra thảm kịch này. Theo nghiên cứu, chỉ riêng các công ty ngư nghiệp vùng nước sâu tại Bắc Đại Tây Dương đã thải ra tới 25.000 tấm lưới mỗi năm.
Tổ chức Bảo vệ động vật Thế giới có đưa ra giải pháp. Họ đã tạo ra một tổ chức mới mang tên GGGI (Tạm dịch: Sáng kiến "công cụ ma" toàn cầu), nhằm đưa ra những ý kiến xử lý các công cụ "ma" của ngành công nghiệp đánh bắt cá.
Hiện tại đã có một số các phương án được đưa ra, như thu hồi và tái chế ngư cụ, chế tạo công cụ có cơ chế phân hủy sinh học, và đánh dấu số lần sử dụng của lưới cá, nhằm hạn chế tần xuất chúng bị thải loại ra ngoài môi trường.
Một số phương án đã có thành công nhất định. Như tại Pakistan có một dự án mang tên Olive Ridley - được đặt tên theo loài rùa biển bị ảnh hưởng bởi thực trạng này nhiều nhất.
Các thợ lặn tại đây được đào tạo để thu hồi các thiết bị đánh bắt cá, đồng thời gia tăng nhận thức của ngư dân. Tiền thu được khi bán hoặc tái chế ngư cụ sẽ được tái đầu tư vào cộng đồng.
Tham khảo: IFL Science