Gần 300.000 bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách sẽ có tên gọi mới

Phương Anh |

Bộ Công an dự thảo gộp 3 lực lượng bảo vệ dân phố, tổ trưởng, phó dân phòng và công an xã bán chuyên trách thành một để giải quyết những chồng lấn trong khi làm nhiệm vụ.

Lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các đội trưởng, đội phó đội dân phòng thống nhất thành một lực lượng chung. Ảnh: Bộ Công an

Lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các đội trưởng, đội phó đội dân phòng thống nhất thành một lực lượng chung. Ảnh: Bộ Công an

Ngày 22/4, Bộ Công an tổ chức diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nội dung xoay quanh mục đích xây dựng, những phát sinh mới đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Lực lượng trên có vai trò gì?

Theo Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ giúp giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở, từ sớm, từ xa…

Gần 300.000 bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách sẽ có tên gọi mới - Ảnh 1.

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, trao đổi với bạn đọc tại diễn đàn. Ảnh: Bộ Công an

“Các lực lượng bảo vệ dân phố, đội trưởng, đội phó dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đều do UBND cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, từ đó dẫn đến không đồng bộ, thống nhất, mâu thuẫn, chồng lấn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng”, Đại tá Hưởng nói.

Trước bối cảnh trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, cần phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.

Việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong bối cảnh hiện nay và thời gian tiếp theo càng thấy rõ vị trí, vai trò của lực lượng này trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Tại sao chỉ có đội trưởng, đội phó dân phòng vào lực lượng này mà không có đội viên?

Giải đáp thắc mắc trên, Thiếu tá Lê Văn Mai, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, cho biết hiện các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đều có chung vị trí, chức năng là lực lượng tham gia hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự phòng, tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã. 

Đối với các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng theo quy định của pháp luật hiện hành đang được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã và đang được hưởng hỗ trợ thường xuyên hàng tháng. 

Các chức danh này hiện nay một phần là do lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đảm nhiệm (một người gánh 2 vai, đội 2 mũ) và bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì các chức danh này trong thực tế cũng đang được các địa phương giao thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Gần 300.000 bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách sẽ có tên gọi mới - Ảnh 2.

Thiếu tá Lê Văn Mai, Phó Trưởng phòng, Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp. Ảnh: Bộ Công an

“Dự thảo Luật chỉ sắp xếp, kiện toàn chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng mà không bao gồm cả chức danh đội viên đội dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là vì để một mặt vẫn huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, bảo đảm lực lượng đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở (theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy hiện hành thì đội dân phòng được thành lập ở mỗi thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương, có trung bình 15 thành viên). Đồng thời, việc này không làm tăng chi ngân sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, Thiếu tá Lê Văn Mai giải thích.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ đội trưởng, đội phó đội dân phòng được hưởng hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, còn đội viên đội dân phòng chỉ được hưởng bồi dưỡng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, nếu sắp xếp, kiện toàn cả chức danh đội viên đội dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì số lượng người được hưởng hỗ trợ thường xuyên hằng tháng sẽ khá lớn và sẽ tác động đến chi ngân sách nhà nước. 

Tại sao không điều chỉnh đối với lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản?

Trước thắc mắc của một bạn đọc liên quan đến lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản, Đại tá Trần Quốc Toàn, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, cho rằng mặc dù lực lượng này cũng có tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhưng lại mang tính đơn lẻ.

Gần 300.000 bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách sẽ có tên gọi mới - Ảnh 3.

Đại tá Trần Quốc Toàn, Trưởng phòng, Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp. Ảnh: Bộ Công an

“Lực lượng này được thành lập, tổ chức, hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến trong toàn quốc. Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức, hoạt động của các lực lượng này và hiện nay chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Do đó, cần phải tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện cả về lý luận và thực tiễn”, Đại tá Toàn cho biết.

Theo đó, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng và thống nhất Luật này chỉ điều chỉnh kiện toàn đối với lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung và lực lượng này làm nòng cốt trong xây dựng phong trào quần chúng tự quản, tự bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Không lo bị “phình” ngân sách

Theo Đại tá Hưởng, việc thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, tổ trưởng, tổ phó dân phòng và Công an xã bán chuyên trách, sẽ cấu thành một tên gọi chung chứ không phải là thành lập lực lượng mới, không phải hình thành nên tổ chức bộ máy mới.

Gần 300.000 bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách sẽ có tên gọi mới - Ảnh 4.

Diễn đàn trực tuyến hỏi đáp giữa Bộ và công dân. Ảnh: Bộ Công an

“Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không làm tăng chi ngân sách nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở cơ sở và kiện toàn, tinh gọn lực lượng, tổ chức bộ máy theo chủ trương chung”, Đại tá Hưởng cho biết.

Theo thống kê, cả nước hiện có 72.362 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, 89.045 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, 19.390 Công an xã bán chuyên trách có nguyện vọng giải quyết chế độ, chính sách và 128.664 đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Dự kiến, tổng số người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo dự thảo là khoảng 300.0000 người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại