Ngày 2-6, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT - BVMT) phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực từ ngày 3-6-2023.
Từ ngày 3-6, xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải sẽ được tự động giãn chu kỳ kiểm định
Thông tư 08 quy định cơ quan đăng kiểm tự động cấp xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận, tem kiểm định đối với phương tiện tham gia giao thông mà chủ xe không cần đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định lại, giúp giải quyết căn bản thực trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới hiện nay, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp.
Hiệp hội Vận tải Hàng hóa tiếp tục kiến nghị tháo “nghẽn” cho đăng kiểm
Đối tượng áp dụng là các ôtô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (có thời gian sản xuất đến 7 năm và thời gian sản xuất từ 13 - 20 năm) đã được cấp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định trước ngày 22/3/2023 và vẫn còn hạn kiểm định tính đến ngày Thông tư 08/2023/TT-BGTVT có hiệu lực (tức ngày 3/6/2023) sẽ được tự động giãn chu kỳ kiểm định theo chu kỳ mới quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BGTVT.
Việc cấp giấy xác nhận gia hạn chu kỳ kiểm định cho các xe trên có hiệu lực đến hết ngày 22-3-2026. Theo Bộ GTVT, có hơn 1,9 triệu ôtô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng.
Thông tư cũng nêu rõ, việc tự động giãn chu kỳ kiểm định không áp dụng cho các trường hợp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định hết hiệu lực trước ngày Thông tư này có hiệu lực.
Do đó, các phương tiện có hạn kiểm định trước ngày 3-6 vẫn phải đến các trung tâm đăng kiểm kiểm định xe để được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định. Theo tính toán của Cục Đăng kiểm, sẽ có 155.592 phương tiện nằm trong diện này.
Theo Bộ GTVT, việc không phải kiểm định cho hơn 1,9 triệu phương tiện được tự động giãn chu kỳ kiểm định sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị đăng kiểm tập trung nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ chủ yếu kiểm định cho các phương tiện kinh doanh vận tải khác cũng như các phương tiện quá hạn kiểm định nhưng chưa được kiểm định để vừa giải quyết được ùn tắc vừa đảm bảo sớm đưa phương tiện vào khai thác vận tải, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho xã hội.
Theo báo cáo của các Hiệp hội vận tải, các xe kinh doanh vận tải thiệt hại từ 1-5 triệu đồng/ngày nếu không được kiểm định để hoạt động và các tổn thất không xác định được như: mất thời gian phải chờ đợi, gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của người dân và tạo dư luận xấu trong xã hội, gây mất an ninh trật tự, lợi dụng ùn tắc để trục lợi, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hiệu quả và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh của Quốc gia.