Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, dự kiến sáng 20/11, Bộ này sẽ chính thức khai trương Cổng công khai y tế với việc niêm yết giá 60.000 loại thuốc, tất cả trang thiết bị y tế, 28.000 loại thực phẩm chức năng, giá khám chữa bệnh BHYT, giá dịch vụ y tế ... đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong hoạt động của ngành y tế.
Trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế (TTBYT) là loại hàng hóa đặc biệt. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế - cho hay việc quản lý và sử dụng TTBYT có yêu cầu riêng biệt so với các loại hàng hóa khác; cùng chủng loại nhưng có nhiều mức giá khác nhau phụ thuộc vào yêu cầu chuyên môn, cấu hình, tính năng kỹ thuật và các dịch vụ đi kèm.
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội ngày 19/11, ông Tuấn cho hay thực hiện việc công khai giá và các yếu tố cấu thành giá sản phẩm TTBYT là cần thiết theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Y tế, là cơ sở cho các cơ sở y tế tham khảo để quyết định việc mua sắm TTBYT phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Điều đáng nói, khác với thuốc, hiện nay TTBYT không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Trước mắt Bộ Y tế yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện việc niêm yết giá bán theo đúng quy định của Luật giá.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh
"Bộ Y tế tin tưởng rằng, việc công khai, minh bạch giá niêm yết trang thiết bị y tế sẽ giúp cho các đơn vị, cơ sở y tế thực hiện đầu tư mua sắm được đúng chủng loại, đúng giá trị và đáp ứng yêu cầu chuyên môn, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh lành mạnh của thị trường trang thiết bị y tế" - ông Nguyễn Minh Tuấn nói.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 quy định một số nội dung về đấu thầu TTBYT để giúp các đơn vị thực hiện đầu thầu, mua sắm TTBYT.
Lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho rằng điều này sẽ khắc phục được vướng mắc trước đây do phải thực hiện đấu thầu như hàng hóa thông thường; chủ động phân loại, lựa chọn nhóm mặt hàng phù hợp với yêu cầu chuyên môn và kinh phí; lựa chọn đúng đơn vị cung cấp chính hãng, tránh việc mua bán lòng vòng, nâng khống giá bán.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-BYT ngày 1/10 nhằm tăng cường quản lý công tác đầu thầu nhằm đảm bảo cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả trong ngành y tế. Cùng đó, đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ đăng tải kết quả đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế (https://congkhaiketquathau.moh.gov.vn) để các đơn vị, địa phương tham khảo.
Ông Tuấn nói thêm, Thông tư 14 vừa nhắc trên đây có bổ sung quy định từ 1/9, yêu cầu các cơ sở y tế công lập trên cả nước có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả lựa chọn nhà thầu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Số liệu tính đến trưa ngày 19/11, tổng số trang thiết bị y tế đã công khai trên Cổng công khai giá TTBYT là gần 16.700 sản phẩm,
Ngày 9/9, Bộ Y tế khai trương Cổng điện tử công khai giá bán trang thiết bị y tế để các đơn vị kinh doanh trang thiết bị y tế tại Việt Nam thực hiện việc công khai giá niêm yết trang thiết bị y tế, làm cơ sở cho các đơn vị, bệnh viện tham khảo khi lập kế hoạch đầu tư, mua sắm.
Cổng điện tử công khai giá bán với đầy đủ cấu hình, tính năng kỹ thuật và thông tin liên quan để các đơn vị, cơ sở y tế tham khảo, xác định giá dự toán khi xây dựng yêu cầu mua sắm trang thiết bị y tế. Hiện các thông tin đang tiếp tục được doanh nghiệp cập nhật, bổ sung.
Hiện, nhà chức trách đã rà soát, chuẩn hóa bộ cơ sở dữ liệu về trang thiết bị y tế, thống nhất thực hiện, chia thành 3 nhóm chính gồm: (1) Nhóm Thiết bị y tế: gồm 14 nhóm với hơn 200 tên chung về thiết bị y tế; (2) Nhóm Vật tư y tế: gồm 10 nhóm với hơn 11.000 tên vật tư y tế căn cứ theo quy định tại Thông tư 04/2017/TT-BYT về danh mục vật tư y tế thanh toán bảo hiểm y tế; (3): Nhóm trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro (IVD): gồm 18 nhóm với hơn 3.000 tên chung về IVD căn cứ theo quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BYT về dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm.
Số liệu tính đến trưa ngày 19/11, tổng số trang thiết bị y tế đã công khai trên cổng công khai giá TTBYT là gần 16.700 sản phẩm, bao gồm các thiết bị, vật tư y tế và sinh phẩm chẩn đoán IVD các loại phổ biến trên thị trường. Trong số này, vật tư y tế là nhóm chiếm nhiều hơn cả (với gần 12.000 sản phẩm).
"Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết tiếp tục nỗ lực chỉ đạo, thực hiện công khai toàn bộ giá và các thông đến giá TTBYT trên thị trường để thực hiện yêu cầu công khai, minh bạch và kiểm soát tốt chi phí dịch vụ y tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người bệnh, người dân và xã hội cùng giám sát" - ông Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên theo Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần sự tham gia tích cực, vào cuộc của các bên, trong đó có vai trò của bốn nhà gồm: Nhà cung cấp; Nhà sử dụng; Người dân, người bệnh và Nhà quản lý.
Nhà sử dụng là các đơn vị, bệnh viện, cơ sở y tế có trách nhiệm tham khảo, xác định nhu cầu đầu tư mua sắm phù hợp với yêu cầu chuyên môn, kinh phí và khả năng khai thác, quản lý sử dụng của đơn vị; đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả.
Người dân, người bệnh sẽ thực hiện quyền giám sát và phản ánh kịp thời các thông tin, sự việc về chất lượng, giá cả, dịch vụ không phù hợp với công bố; thực hiện tốt phương châm là nhà tiêu dùng thông minh, hiểu biết dựa trên cơ sở các thông tin đã được cung cấp công khai, minh bạch.
Còn nhà quản lý có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý Cổng công khai y tế theo từng lĩnh vực được phân công, đảm bảo sự đầy đủ, chính xác, tin cây của thông tin công khai và xử lý, chấn chỉnh các vi phạm, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực mình quản lý.