Trong khi nhiều nước phương Tây, trừ một vài ngoại lệ, đứng về phía Anh trong việc cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên bằng chất độc thần kinh cấp quân đội, nhiều nước khác vẫn chưa bị thuyết phục với cáo buộc của Thủ tướng Anh Theresa May , người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Anh chia sẻ với Sputnik.
"Khi bà May tuyên bố rằng hoàn toàn chắc chắn Nga chịu trách nhiệm về vụ việc ở Salisbury, bà cần cung cấp tất cả các bằng chứng (chứng minh điều đó là sự thật) cho Nga, cộng đồng quốc tế và công chúng Anh. Đây là ý kiến của gần 160 quốc gia không phải thành viên của khối phương Tây", người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại London nói.
Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko tổ chức một cuộc họp thông báo tình hình với các đại sứ nước ngoài ở Anh hôm 27.3, trong đó ông khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với các nhà điều tra Anh.
"Cho đến nay, London vẫn tiếp tục từ chối hợp tác, đó là điều không thể chấp nhận", Đại sứ quán Nga cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp. Moskva đã nhiều lần yêu cầu London cung cấp mẫu chất độc bị cáo buộc sử dụng trong vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Sergey Skripal ngày 4.3, nhưng tất cả các yêu cầu đều bị từ chối, theo RT.
"Các câu hỏi và tuyên bố của những người tham dự cuộc họp xác nhận rằng phía Anh không cung cấp cho đối tác quốc tế bất kỳ thông tin nào về điều gì xảy ra ở Salisbury", tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Anh nhấn mạnh, đồng thời nói thêm điều này gây không chỉ hoang mang trong các nhà ngoại giao mà còn với cộng đồng quốc tế nói chung.
Hôm 26.3, tiếp bước Anh, Mỹ cùng 18 nước thành viên EU cùng các nước Châu Âu khác cũng như Canada, Australia tuyên bố trục xuất số lượng lớn nhân viên ngoại giao Nga. Riêng Washington lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao, trong đó có 12 thành viên phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc, với cáo buộc là nhân viên tình báo.
Tuy nhiên, một số nước phương Tây từ chối đứng về phía London cho đến khi có bằng chứng được đưa ra. Áo, Thụy Sĩ, Síp, Bồ Đào Nha, Bugaria, Síp, Slovakia, Slovenia, Malta và Luxembourg không tham gia vào việc trục xuất.