Giờ đây, trước thềm trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan ở King's Cup 2019, người ta đặt câu hỏi nếu Văn Hậu theo chân Văn Lâm, Xuân Trường sang Thai.League, liệu bóng đá Việt Nam sẽ được gì, mất gì?
Và sau hàng loạt phân tích, người ta kết luận rằng việc các ngôi sao Việt Nam đang bị hút sang Thai.League là sự chảy máu nhân tài. V.League sẽ chịu rất nhiều thiệt hại từ điều đó và xa hơn, dĩ nhiên các cấp ĐTQG của chúng ta cũng bị ảnh hưởng.
Trở lại với trận đấu gần nhất mà đội tuyển Việt Nam gặp Thái Lan trong khuôn khổ giải đấu King's Cup được tổ chức trên đất Thái Lan gần 13 năm về trước. Ngày ấy, ở trận chung kết King's Cup 2006, Công Vinh và các đồng đội thua tan nát đến 1-3 trước người Thái.
Đau đớn hơn, thời điểm ấy là tròn 4 tháng Kiatisak, Dusit và Taiwan từ giã sân cỏ sau khi V.League 2006 kết thúc. Cả ba cầu thủ xuất sắc nhất trong thế hệ vàng của bóng đá Thái Lan đều cống hiến những năm tháng cuối sự nghiệp của mình trong màu áo HAGL của bầu Đức.
Đâu chỉ có thế, hơn 2 năm trước đó, trong số 20 tuyển thủ Thái Lan được triệu tập chuẩn bị cho vòng loại 2006, có đến 8 cái tên khi đấy đang thi đấu ở Việt Nam, bao gồm Nirut Surasiang, Niweat Siriwong, Dusit Chalermsan, Sakda Joemdee, Issawa Singtong, Tawan Sripan, Therdsak Chaiman và Kiatisak Senamuang.
Ngày ấy, với sự trỗi dậy của hàng loạt các ông bầu đại gia, mà nổi bật nhất là bầu Đức HAGL và bầu Thắng Gạch Đồng Tâm Long An, V.League là giải đấu rủng rỉnh tiền, đủ sức thâu tóm mọi ngôi sao sáng nhất của bóng đá Thái Lan. Nhưng suốt gần 10 năm trời rủng rỉnh bạc tiền ấy, bóng đá Việt Nam chẳng thể vượt qua nổi Thái Lan, và người Thái chẳng mảy may quan tâm khi bị "chảy máu nhân tài".
Liệu thầy Park có sợ "chảy máu nhân tài"?
Liệu có phải cầu thủ Anh rất ít khi ra nước ngoài thi đấu là bởi bóng đá nước này sợ "chảy máu nhân tài"? Hay như Bồ Đào Nha phải ngậm ngùi đau đớn khi "nhả" Cristiano Ronaldo cho Premier League, La Liga rồi Serie A?
Gần 13 năm trôi qua sau trận thua trên đất Thái ấy, gió đã xoay chiều. Giờ đây giải đấu đầy ắp tiền bạc không còn là V.League nữa, mà lại là Thai.League. Sau cơn "giàu xổi", V.League lại trở về với hình ảnh nghiệp dư, chắp vá và không thiếu những bất cập nội tại.
Không còn cầu thủ Thái Lan nào thi đấu ở V.League, nhưng theo chiều ngược lại, Văn Lâm và Xuân Trường đang cực kỳ hài lòng khi được khoác áo những đội bóng Thái, dù là được mua đứt hay chỉ là cho mượn. Chẳng khó để nhận ra khoảng cách không hề nhỏ giữa hai giải vô địch quốc gia của hai nền bóng đá hàng đầu khu vực này.
Bao nhiêu tuyển thủ Việt Nam đã sẵn sàng "bơi ra biển lớn"?
Dẫu cho thầy trò HLV Park Hang-seo mới là những người đang cầm chiếc cúp vô địch AFF Cup trong tay, cũng như U23 Việt Nam vừa "dạy cho người Thái một bài học" bằng trận thắng đến 4-0 ngay trên Mỹ Đình, thì việc HLV Park Hang-seo chỉ triệu tập toàn những "học trò quen", thay vì trao cơ hội cho những gương mặt mới cho thấy không ít sự bất cập của bóng đá Việt Nam, cũng như V.League nói riêng.
V.League không thể một sớm một chiều thay đổi, để đem lại giá trị chuyên môn, cũng như môi trường chuyên nghiệp như Thai.League. Cho đến lúc đó, cửa "sáng" nhất để bản thân cầu thủ Việt Nam nâng tầm trình độ, thử thách bản thân, cũng như góp phần tạo nên một đội tuyển hùng mạnh thực sự, chính là rời V.League để "du học" ở những giải đấu tầm cao hơn, như Thai.League, K.League hay J.League.
Và phải đóng góp thực sự như những Kiatisak, Dusit và Taiwan từng đóng góp cho HAGL hơn 13 năm về trước cơ...