Gameshow phơi bày nhiều chứng bệnh tâm lý

N.M.HÀ |

Với một số nghệ sĩ, tham gia gameshow là dịp để cởi mở về quãng thời gian khó ở của bản thân. Hóa ra những chứng bệnh về tâm lý khá phổ biến trong thế giới của người nổi tiếng. Bảo sao một số người đang nổi tiếng bỗng lặn mất tăm. Nhưng cũng chính gameshow tạo điều kiện để họ quay lại...

Gameshow phơi bày nhiều chứng bệnh tâm lý - Ảnh 1.

Ðội Ðoan Trang dù bị ban cố vấn đánh giá thấp hơn đội Lệ Quyên nhưng lại có nhiều thành viên trở thành đội trưởng nhất. Ảnh: BTC

Vượt lên chính mình

Tại chung kết Ca sĩ mặt nạ mùa 2, người phải lộ mặt là Lâm Bảo Ngọc - giọng ca gây ấn tượng vì có thể lên được những nốt cao đầy nội lực. Đáng chú ý với nụ cười tươi, cô chia sẻ lý do ngừng hoạt động bốn năm vừa qua là do bị trầm cảm. Nguyên nhân bao gồm chia tay người yêu, sự nghiệp không như ý, không được làm những gì mình muốn. Trên ghế cố vấn, Bùi Bích Phương cũng cho biết hai năm qua rút khỏi công việc để lấy lại cân bằng.

Với tiết lộ từng mặc cảm vì bị kỳ thị ngoại hình, khả năng Ong Bây Bi chính là ca sĩ Orange càng cao. Vì ngay từ khi còn là Khương Hoàn Mỹ tham gia một cuộc thi hát truyền hình, Orange đã chia sẻ nội dung tương tự.

Không ít nghệ sĩ từng tham gia Ca sĩ mặt nạ cho hay, họ cảm thấy thoải mái, tự tin, là chính mình hoặc khám phá ra những khía cạnh mới của bản thân khi có bộ đồ hóa trang che chắn. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, phiên bản Việt quá sa đà vào hình thức khi bắt ca sĩ đeo đến 20kg “bao bì” lên sân khấu, khiến họ mất sức. Để ý thì thấy người chơi cao tuổi như Cú Tây Bắc được ưu ái chỉ phải mặc trang phục gọn nhẹ.

Thành công của Ca sĩ mặt nạ dựa trên việc người chơi được cởi bỏ tâm lý lo ngại khi liên tục bị đánh giá, soi xét từ ngoại hình, tài năng tới cư xử. Khi mang một hình hài hoàn toàn mới, họ cũng có thời gian để gác lại những vấn đề gắn với nhân dạng thật, có khoảng cách từ đó quan sát và giải tỏa...

Vỏ bọc vui nhộn cũng giúp họ phát huy khiếu hài hước cùng những suy nghĩ tích cực của bản thân, nhận được sự cổ vũ từ bên ngoài - giúp họ củng cố sự tự tin, tự tôn, lấy lại cảm hứng làm nghề. Mặt nạ là một tấm khiên hiệu quả giúp người chơi tạm thời loại bỏ những vấn đề thường ngày mắc phải để có thể tập trung phát triển thế mạnh giọng hát. Do đó Ca sĩ mặt nạ trở thành bệ phóng cho nhiều ca sĩ muốn trở lại đường đua.

Hoàng Hải là một ví dụ. Anh ẩn mình cả chục năm do không thấy hạnh phúc khi chạy sô tối ngày. Nhưng không phải cứ yêu nghề trở lại là có thể tái xuất. Các nghệ sĩ như vậy cần một bước lấy đà bằng cách tham gia gameshow như Ca sĩ mặt nạ. Qua đó họ thể hiện/tiếp thị giọng hát của mình trước, khiến khán giả tò mò quan tâm, từ đó trở lại đường đua một cách ngoạn mục.

Thực ra việc một nghệ sĩ lặn một hơi dài ngắn tùy “thể trạng” để dành thời gian nạp năng lượng và sáng tạo trước khi xuất hiện trở lại với dự án mới là chuyện bình thường. Nhiều khả năng việc tối ngày chạy sô, chạy theo các xu hướng thị trường... mới khiến họ bỏ bê cái tôi nghệ sĩ dẫn đến hụt hơi, dễ ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm lý...

Làm chủ tâm lý cũng là yếu tố quan trọng giúp các nghệ sĩ lật ngược tình thế. Chẳng hạn Ong Bây Bi sau khi “thao túng tâm lý” khán giả bằng bài hát về mẹ (khiến cả trường quay sụt sùi dù ngay trước đó vừa mới xúc động vì tiết mục của Cú Tây Bắc) đã từ vị trí cuối bảng bình chọn vọt lên dẫn đầu, đường hoàng bước vào Gala lộ diện.

Mặt nạ đóng vai trò quan trọng trước hết với chính người đeo nó. Ẩn sau mặt nạ, người chơi có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc thật không lo bị ai trông thấy. Và họ cũng không phải nhìn thấy cái không nên nhìn. Chẳng hạn có thể người bị loại sẽ buồn lúc ban cố vấn vui mừng ra mặt khi MC công bố kết quả. Nhưng vì vẫn đeo mặt nạ nên họ chỉ nghe thấy tiếng reo hò chung chung...

Thế giới không đàn ông

Chị đẹp đạp gió rẽ sóng cũng dành một buổi tối cho 28 người chơi tụ tập bên lửa trại để chia sẻ những nỗi lòng thầm kín. Và những gì các nữ nghệ sĩ có thể nói ra được cũng xoay quanh những áp lực trước những bình phẩm ngoại hình, từng bị bắt nạt. Và qua chương trình, nhiều khán giả biết đến chứng “trầm cảm cười”. Theo như mô tả đây là một kiểu “tự vệ” đặc biệt phổ biến trong showbiz. Khi người ta cứ phải phô ra những gì hào nhoáng nhưng lại thiếu thời gian chăm sóc tinh thần, tâm lý dễ dẫn đến sụp đổ.

Chắc chắn áp lực tâm lý khi trở thành “người của công chúng” là rất lớn. Không phải vô cớ mà “trầm cảm” trở thành từ khóa tại một số chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của người nổi tiếng thời gian gần đây. Chị đẹp đi vào một phân khúc đặc thù hơn khi giúp các nữ nghệ sĩ giải tỏa tâm lý.

Gameshow phơi bày nhiều chứng bệnh tâm lý - Ảnh 4.

Trước hết bằng cách tạo nên một sân chơi, một môi trường “an toàn” khi loại bỏ hẳn một khả năng "gây rối". Đó là... nam giới. Toàn bộ người xem và bình chọn cho người chơi tại trường quay đều là nữ. Thanh Ngọc phát biểu: “Các nghệ sĩ và khán giả đều cùng một phe. Sức mạnh của phụ nữ rất lớn, khi đồng hành sẽ tạo nên địa chấn”.

Cũng như Ca sĩ mặt nạ, việc bình chọn trong Chị đẹp đạp gió rẽ sóng dựa trên cảm tính của khán giả tại chỗ là chính. Đôi khi công chúng nghi ngờ chương trình có sự dàn xếp. Hẳn là vì thế mà đêm công diễn một, Chị đẹp mời hẳn đại diện của công ty kiểm toán đến trường quay.

Các đội có cùng số lượng thành viên đấu với nhau. Kết quả đội Trang Pháp thắng Mỹ Linh, Lệ Quyên thắng Đoan Trang (dù điểm số bằng nhau). Thu Phương chịu thua trước Hồng Nhung là kết quả đáng ngạc nhiên, trong khi phần hát của đội Thu Phương trội hơn hẳn. Nhưng có thể trang phục “kim sa hạt lựu” cũng như màn biểu diễn đu bay của Hồng Nhung, Lynk Lee và Lan Ngọc mới là điều mà chị em trong trường quay muốn thấy. Hoặc biết đâu cũng do lượng người hâm mộ các thành viên trong đội Hồng Nhung nhỉnh hơn. Nói chung gì thì gì cứ bắt mắt, gợi cảm, tươi vui... rất dễ ghi điểm trong cuộc chơi này.

Chị em mất công "đạp gió rẽ sóng" nói chung không phải để hát hay hơn, mà để thể hiện tinh thần quyết tâm và tất nhiên cả chỉ số EQ. Ai dễ thương, vui tính hoặc cá tính rất dễ lọt mắt khán giả.

Kết quả sau công diễn một thể hiện rõ “chân lý” này: Hoàng Oanh ra đi kể cũng dễ hiểu vì cô đội sổ trong bảng tổng sắp các tiết mục solo. Nhưng những thí sinh phải ra về như Nguyên Hà, Vân Hugo, Tú Vi đều có giọng hay hẳn hoi. Có lẽ Yến Trang là người bị sốc nhất vì cô nhảy cũng rất tốt. Cô đành phải xin lỗi khán giả: “Hy vọng các bạn không cảm thấy Yến Trang bỏ cuộc” đồng thời đề cập cả vấn đề sức khỏe. Cũng vì sức khỏe mà Bảo Anh đã chủ động rời cuộc chơi.

Những người được bình chọn nhiều nhất (đồng nghĩa với được làm đội trưởng ở tập tiếp theo) nếu xét trên bình diện chuyên môn còn gây sốc hơn nữa. Trừ Đoan Trang, tất cả đều có giọng hát hạn chế, bù lại cực cá tính và nổi tiếng ở lĩnh vực của mình bao gồm: H’Hen Niê, Ninh Dương Lan Ngọc, Diệu Nhi và Hà Kino. Thế mới nói khán giả đến với truyền hình thực tế để vui. Và người chơi cũng nên như thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại