Giữa tháng 12, truyền thông Hoa ngữ đồng loạt đưa tin TVB (Hong Kong, Trung Quốc) đang có kế hoạch sa thải 1.000 nhân viên trong tổng số 3.500 người đang làm việc cho nhà đài mà không phải nghệ sĩ vào dịp cuối năm 2019.
Ở thời điểm thông tin trở thành chủ đề bàn luận “hot” trong dư luận, ông Lý Bảo An – giám đốc điều hành của TVB đã ban hành một tuyên bố nội bộ, với nội dung: 10% nhân viên (khoảng 350 người) không phải nghệ sĩ của nhà đài sẽ phải nghỉ việc.
Lý do vị CEO đưa ra là nền kinh tế Hong Kong đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc biểu tình quy mô lớn, dẫn đến hoạt động kinh doanh của TVB cũng gặp nhiều khó khăn. Giữa lúc tình hình không có dấu hiệu suy giảm và cũng không thể dự đoán được thời điểm kinh tế ổn định trở lại, nhà đài quyết định tái cấu trúc bộ máy hoạt động.
Ông Lý cũng cam kết, sẽ đền bù thoả đáng cho những người không may nằm trong diện cắt giảm nhân sự.
Hình ảnh được cho là những nhân viên bị TVB cho nghỉ việc ôm đồ đạc tần ngần trước trụ sở TVB. Ảnh: Sina
Theo truyền thông trong nước, doanh thu trong năm 2019 của TVB sụt giảm nghiêm trọng, lợi nhuận ròng giảm hơn 12%, từ 300 triệu USD xuống còn 250 triệu USD so với năm 2018. Có ít nhất 10 thương hiệu đã xin rút quảng cáo khỏi TVB dù phía nhà đài đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá bán quảng cáo gần 40%.
Không chỉ vậy, doanh thu ở ngoài lĩnh vực truyền hình của TVB cũng đã giảm khoảng 14%, hơn 26 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2019.
Biểu đồ tình hình kinh doanh của TVB từ 2014 - 2019. Ảnh: Sina.
Trên thực tế, “gã khổng lồ” xứ Cảng Thơm này đã rơi vào khủng hoảng từ trước đó. Vài năm gần đây, TVB đã sa thải đến 4.000 nhân viên. Chưa kể, nhà đài cũng thẳng tay cắt giảm lương một cách thô bạo.
Hồi tháng 2/2019, nghệ sĩ gạo cội Lưu Quế Phương tiết lộ trên trang cá nhân, TVB cắt giảm đến 95% lương thông qua kế hoạch tiết kiệm chi phí, khiến bà và nhiều nghệ sĩ ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì lý do này, nữ diễn viên gắn bó với nhà đài từ năm 1988 quyết định chuyển hợp đồng từ chính thức sang bán thời gian.
Đồng cảnh ngộ, nam diễn viên Đới Chí Vỹ cũng lên tiếng, nghệ sĩ không phải nhà từ thiện, cần tiền để trang trải sinh hoạt đời thường.
Bên cạnh đó, TVB liên tục bị các diễn viên phàn nàn về chế độ đãi ngộ bạc bẽo, công việc quá tải nhưng không được ghi nhận hay trả công xứng đáng.
Lý Thiên Tường buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với TVB sau 24 năm làm việc vì không chịu được cách đối xử từ phía nhà đài. Nhiều MC gạo cội cũng bỏ việc vì không có chương trình để dẫn.
Hồi tháng 10, có thông tin cho hay, nam diễn viên Huỳnh Hạo Nhiên bất mãn vì bị bắt làm việc quá tải, 5 phim mỗi năm. Lịch trình căng thẳng đến mức khiến anh bị mắc bệnh lạ Behcet và phải tạm dừng công việc, dẫn đến bị thiệt hại hàng triệu USD trong quá trình nghỉ dưỡng bệnh.
Bên cạnh đó, anh còn cảm thấy thất vọng vì nhà đài thiếu quan tâm, ghi nhận. Huỳnh Hạo Nhiên được cho là muốn chấm dứt hợp đồng với TVB và cân nhắc chuyển đến công ty giải trí Sky High Entertainment của Cổ Thiên Lạc.
Mới đây, Hoa hậu Hong Kong 2014 Từ Tử San tuyên bố giải nghệ ở tuổi 40 để sang châu Âu định cư.
Từ Tử San tuyên bố giải nghệ giữa vụ TVB sa thải hàng trăm nhân viên.
Nguyên nhân suy thoái của một “đế chế”
Mặc dù người đứng đầu TVB đổ lỗi cho bối cảnh xã hội tác động đến kinh tế, nhưng đó không phải nguyên nhân duy nhất.
Với lịch sử 52 năm hoạt động, TVB giữ vị trí ngôi vương trong ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong, và cũng là một trong những “gã khổng lồ” hùng mạnh nhất châu Á những thập niên cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Những cái tên đình đám như Châu Nhuận Phát, Châu Tinh Trì, Lưu Đức Hoa, Trương Quốc Vinh, Lương Triều Vỹ, Lê Tư, Lý Gia Hân, Xa Thi Mạn, Trương Mạn Ngọc, Thái Thiếu Phân, Cổ Thiên Lạc, Lý Nhược Đồng, Tuyên Huyên, Hồ Hạnh Nhi… đều thành danh từ cái nôi đào tạo diễn viên này.
Hàng loạt các tác phẩm từ phim chuyển thể tiểu thuyết Kim Dung, Cổ Long như Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp… đến phim tình cảm, cung đấu, tâm lý, xã hội, hài hước, hình sự như Bằng chứng thép, Bao la vùng trời, Mẹ chồng khó tính, Cung tâm kế, Cuộc chiến chốn thâm cung… được khán giả toàn châu Á đón nhận, yêu thích.
TVB từng là đế chế điện ảnh hùng mạnh của châu Á.
Tuy nhiên, những năm gần đây, người yêu phim châu Á gần như không thể nhớ nổi tên các các tác phẩm cộp mác TVB vì kịch bản nghèo nàn, cứng nhắc, thiếu sự sáng táo, đa dạng, “câu khách” bằng những cảnh quay bạo lực, nóng bỏng quá đà, vô lý.
Bên cạnh đó, việc hàng loạt “át chủ bài” như Lê Tư, Lý Gia Hân, Thái Thiếu Phân, Xa Thi Mạn, Tuyên Huyên, Chung Gia Hân, Hồ Hạnh Nhi… hoặc lui về chăm sóc gia đình hoặc đi tìm chân trời mới gây tổn thất không hề nhỏ đối với TVB.
Lê Tư đã rút khỏi showbiz để chăm lo gia đình, tập trung kinh doanh.
Xa Thi Mạn chuyển hướng phát triển ở Trung Quốc đại lục.
Lứa diễn viên mới không tiếp nối được truyền thống của các đàn anh, đàn chị đi trước, vừa bị đánh giá nhan sắc không bằng, tài năng lại kém xa, cũng là điểm trừ đối với khán giả có ý định xem phim TVB.
Lứa diễn viên sau này như Huỳnh Tâm Dĩnh vừa không "nghiêng nước nghiêng thành" như đàn chị, lại không xuất sắc trong diễn xuất. Cô còn bị "phong sát" vì vướng bê bối ngoại tình.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, TVB không chịu cải cách đường lối hoạt động, quy trình quản lý khiến ngày càng tụt hậu so với các đối thủ.
Được biết, mỗi năm TVB tự bỏ vốn ra sản xuất 20-30 phim, gây khủng hoảng ngân sách. Việc đầu tư dàn trải mà không chú trọng chăm chút đứa con tinh thần khiến tiền mất mà dấu ấn không có, tiền thu về ngày càng ít.
Nếu tình trạng này kéo dài, truyền thông Trung Quốc đánh giá, ngày tàn của “đế chế” TVB không còn xa.