Nvidia đang phải đối mặt với mối đe dọa doanh thu do lệnh hạn chế xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo mới nhất của Hoa Kỳ. Cụ thể, Ngày 13/1, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố lệnh cấm xuất khẩu mới đối với chip dùng trong AI sang nhiều nước. Các nhà đầu tư nhận định quyết định này nhằm mục đích hạn chế việc phân phối toàn cầu các bộ xử lý.
Có thể nói, đây là một trong những quy định mạnh mẽ nhất từ chính quyền Biden, hạn chế xuất khẩu chip AI sang hầu hết các quốc gia, ngoại trừ một nhóm đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. Họ cũng duy trì lệnh cấm xuất khẩu sang một số nước, bao gồm cả Trung Quốc.
Sự thay đổi này được cho là ảnh hưởng trực tiếp đến Nvidia, ông lớn Hoa Kỳ chuyên phát triển bộ xử lý đồ hoạ và công nghệ chipset. Đây là một trong những công ty thành công nhất trong cơn sốt đầu tư AI. Trước đó, nhu cầu tăng vọt đối với chip AI đã đưa Nvidia lên top các công ty có giá trị nhất thế giới, với giá trị thị trường vượt quá 3 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, những hạn chế mới có thể cản trở tăng trưởng doanh thu mà các nhà đầu tư mong đợi.
"Những quy định này sẽ hạn chế đáng kể thị trường (của Nvidia) vì hiện nay có tới một nửa số chip của hãng này được xuất khẩu đến các quốc gia sẽ bị cấm nhập khẩu khi các quy định này được áp dụng", nhà phân tích Gil Luria của DA Davidson cho biết.
Ước tính, Nvidia thu được lợi nhuận khổng lồ từ các khách hàng ngoài Mỹ (chiếm 56% tổng doanh thu), trong đó Trung Quốc chiếm 17% doanh số. Tuy nhiên, sau khi lệnh cấm xuất khẩu mới được ban bố, cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Santa Clara, California đã giảm khoảng 2%.
Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ của Nvidia, Ned Finkle cho biết, lệnh hạn chế xuất khẩu "đe dọa làm chệch hướng đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới" và sẽ "làm suy yếu vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ". Ông cho rằng vai trò dẫn đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực AI sẽ bị tổn hại vì quy định này "sẽ áp đặt sự kiểm soát đối với cách thức thiết kế và tiếp thị các chất bán dẫn, máy tính, hệ thống và thậm chí cả phần mềm hàng đầu của Hoa Kỳ trên toàn cầu".
Các quy định này cũng bị chỉ trích bởi nhiều bên, bao gồm Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA). Họ lập luận động thái này sẽ buộc các công ty Hoa Kỳ phải nhường thị phần cho các đối thủ.
Dan Coatsworth, nhà phân tích đầu tư tại AJ Bell, cho biết: "Hoa Kỳ đang cho thế giới thấy ai là ông chủ bằng cách hạn chế quyền truy cập vào số lượng lớn bộ xử lý tiên tiến. Tuy nhiên, khi làm như vậy, nó cũng đe dọa làm giảm tiềm năng thu nhập của nhiều công ty như Nvidia".
Mở ra sân chơi mới cho các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây
Theo các quy định mới, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây như Microsoft, Google và Amazon có thể thiết lập các trung tâm dữ liệu ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các hạn chế nhập khẩu chip của Hoa Kỳ. Theo các nhà phân tích, những công ty này vốn đã nổi tiếng là những thế lực trong lĩnh vực AI có khả năng sẽ tăng được thị phần.
Nhà phân tích Angelo Zino của CFRA Research cho biết: "Chúng tôi từ lâu đã coi những công ty này là những người gác cổng của AI. Các công ty nắm trong tay những con chip tiên tiến nhất (trong trường hợp này là các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn) sẽ có lợi thế."
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn xung quanh các quy định mới vì chúng sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ ngày công bố. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Trump có thời gian để cân nhắc. Một số nhà phân tích tin rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ sẵn sàng đàm phán các thỏa thuận với từng công ty và quốc gia.
Coatsworth cho biết: "Ông ấy (Trump) có thể thay đổi danh sách các đồng minh trong danh sách miễn trừ, nhưng nhìn chung, động thái này phù hợp với cách suy nghĩ của Trump".
(Theo Reuters)