G7 bế tắc trong vấn đề khí hậu tại hội nghị ở Italy vì ông Trump

Mai Liên |

G7 đã không thể thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quan điểm ủng hộ hay phản đối thỏa thuận khí hậu Paris.

Ngày 26/5, sau nhiều giờ thảo luận tại cuộc họp G7 diễn ra ở Sicily, Italy, Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là kịch tính và gây tranh cãi, chủ đề về biến đổi khí hậu đã không đạt được bước đột phá nào nếu không nói là bế tắc.

Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cho biết, ngoại trừ Mỹ, tất cả các quốc gia khác là Nhật Bản, Pháp, Canada, Anh, Đức, Italy đều xác nhận sẽ tham gia hiệp định cắt giảm khí thải nhà kính nhằm ngăn chặn Trái đất nóng lên quá 2 độ C.

Theo Ông Gentiloni, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn đang cân nhắc về vấn đề này, đồng thời bày tỏ hi vọng rằng Mỹ cuối cùng cũng sẽ tôn trọng cam kết cắt giảm khí thải nhà kính theo Hiệp định Paris.

Phát biểu bên lề hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng sẽ không phù hợp nếu chính quyền Washington tìm cách đối đầu với hàng trăm quốc gia tham gia ký kết Hiệp định khí hậu ở Paris (Pháp) tháng 12/2015.

“Tất cả những người tham gia Hội nghị đã trình bày những lập luận của mình song đều nhất trí ủng hộ thỏa thuận khí hậu”, bà nói.

"Còn mỗi Mỹ, thành viên của hiệp ước biến đổi khí hậu đang chần chừ. Tôi thực sự không muốn có một cuộc đối đầu với Mỹ về vấn đề này. Tôi và Tổng thống Trăm đã có một cuộc trao đổi nhiều tranh cãi nhưng hiệu quả. Tôi tin rằng, cách tiếp cận của chính quyền Mỹ sẽ làm cho cuộc tranh luận về vấn đề này cởi mở hơn.”

Việc Mỹ vẫn do dự có tham gia hay không Hiệp định khí hậu đã phủ bóng đen lên Hội nghị Khí hậu quốc tế diễn ra mới đây tại Bonn (Đức) về việc phác thảo “bộ quy tắc” hướng dẫn các quốc gia thành viên thực hiện thỏa thuận nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua biện pháp cắt giảm khí thải nhà kính... Đã có 196 nước tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C. Trong đó, Mỹ sẽ phải cắt giảm khoảng 26-28% lượng khí thải vào năm 2025.

Ngoại trừ việc không đạt được đột phá trong vấn đề khí hậu, Hội nghị G7 tại Italy lần này lại đạt được sự đồng thuận về các biện pháp chống khủng bố và nhóm này cũng đang tiến gần đến việc tìm ra “ngôn ngữ chung” về thương mại./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại