Từ hai nửa thế giới, một tại Mỹ và một ở Hà Nội, thương vụ sáp nhập này được ký kết tối 12/7 theo giờ Hà Nội. Toàn bộ vụ M&A này có tổng giá trị khoảng 50 USD. Theo đó, FPT sẽ trả 30 triệu USD tiền mặt.
Số tiền còn lại dựa vào kết quả kinh doanh trong tương lai. Theo đó, FPT sẽ trả thêm cho Intellinet một khoản tiền khác dựa theo kết quả kinh doanh của công ty trong 3 năm tới. Năm 2017, Intellinet có doanh thu 30 triệu USD.
Chia sẻ về lý do mua 90% cổ phần của Intellinet, ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT cho biết đây là con số phù hợp với cả đôi bên.
"Họ muốn gia nhập cùng gia đình FPT, cùng nhau hướng tới chiến lược cung cấp giá trị cao hơn trong bối cảnh thế giới đang rất nóng về chuyển đổi số. Ngoài ra, họ cũng muốn có thành quả. Hai bên cùng với nhau để đi chung.
Từ phía Intellinet, họ nhìn thấy giá trị trong tương lai.Về phần mình, FPT cũng thấy mua 90% đảm bảo những sự an toàn nhất định", ông Phương cho hay.
Theo phía FPT, thương vụ này giúp tập đoàn nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khác hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số. FPT kỳ vọng sự kết hợp có thể giúp công ty đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Mỹ cũng như đưa Intellinet trở thành công ty tư vấn toàn cầu.
Ngoài ra, việc kết hợp cũng giúp FPT có thể đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của khách hàng khi phải quản trị nhiều đối tác trong cùng một dự án chuyển đổi số quy mô lớn. Khả năng tư vấn của Intellinet giúp FPT cũng có thể lựa chọn những dự án có biên lợi nhuận cao thay vì làm những công việc gia công như hiện nay.
Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Intellinet hiện có khoảng 200 khách hàng với 17 khách hàng nằm trong Fortune 500 trong khi FPT có trên 400 khách hàng với 80 khách nằm trong nhóm 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tập khách hàng của hai bên trùng khớp rất ít.
"Đồng hành cùng các tập đoàn toàn cầu hàng đầu châu lục và thế giới trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, chúng tôi nhận ra nhu cầu to lớn về tư vấn chiến lược và thực thi chuyển đổi số. Đầu tư chiến lược vào Intellinet chính là giải pháp để FPT đáp ứng nhu cầu này", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Được thành lập năm 1993, Intellinet đạt doanh thu 30 triệu USD trong năm 2017. Công ty này cũng được Consulting Magazine đánh giá là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ (dựa theo doanh thu giai đoạn 2013-2016 với tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm).
Intellinet có trụ sở chính tại Atlanta, Mỹ và hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ với 150 chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu. Mỗi chuyên gia này có thể cần tới 20 lập trình viên đi theo để hiện thực hóa những giải pháp họ đưa ra.
Với việc bán cho FPT 90% cổ phần, Hội đồng Quản trị của Intellinet sẽ có 4 người Việt và một người Mỹ. Tuy nhiên, ban điều hành của công ty chỉ có thêm sự hiện diện của một người Việt.
Trước sự lo ngại chảy máu nhân tài khỏi Intellinet, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh việc giữ người dựa vào lợi ích họ nhận được sau khi về chung nhà với FPT. Con số này chỉ có hơn chứ không kém so với trước thương vụ M&A, ông Bình chia sẻ.