Ông Vinod Khosla được biết đến là tỷ phú, nhà đầu tư công nghệ, đồng thời tham gia hỗ trợ rất nhiều startup ở Thung lũng Silicon (Mỹ).
Chia sẻ về những kinh nghiệm cá nhân về sự phát triển của Thung lũng Silicon, ông Vinod Khosla cho biết: "Khi nhắc đến Thung lũng Silicon, hầu hết mọi người đều chỉ nghĩ đến nó là một địa điểm. Đối với tôi, Thung lũng Silicon là một tư duy, một tinh thần mà có thể ở bất kì đâu trên thế giới này".
"Một điều làm tôi rất vui mừng đó là những gì tôi được học từ Thung lũng Silicon bây giờ đang tiếp tục được sao chép và nhân rộng ở các khu vực khác trên thế giới", ông nói.
Ông cũng bày tỏ niềm yêu thích với năng lượng đến từ các doanh nhân khởi nghiệp. Theo Vinod Khosla, họ là những người đã tạo ra những sự sáng taọ đáng kinh ngạc, đột phá mạnh mẽ.
"Đây cũng là những yếu tố tiên quyết cho cho các doanh nghiệp trong sự phát triển, là trái tim của Thung lũng Silicon", ông Vinod Khosla nhấn mạnh.
Liệu TP.HCM có thể trở thành một Thung lũng Silicon?
Ông Vinod Khosla nhận định: "Sáng tạo có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, trong đó có TP.HCM. Điều quan trọng chúng ta cần làm và có được sự sáng tạo đó là một hệ sinh thái phù hợp và đúng đắn. Thêm vào đó, chúng ta cần học hỏi rất nhiều từ các khu vực khác trên thế giới".
"Chẳng hạn như Israel, Bangalore (Ấn Độ), Thượng Hải (Trung Quốc) là các khu vực có hệ sinh thái phù hợp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp".
Ông Vinod Khosla chỉ ra rằng TP.HCM hoàn toàn có thể học hỏi từ các khu vực này và thiết lập một hệ sinh thái cho khởi nghiệp tương tự như vậy.
"Bởi vì chúng ta cần các tiếp cận đúng đắn và sự kết hợp đúng đắn của nhiều đối tượng khác nhau", ông giải thích.
Ông nêu thêm: "Chúng ta cần có những người không sợ gì cả, những doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng mọi điều đều khả thi, những người tin rằng mọi điều đều có thể làm được. Đôi khi, sự tự tin hơi khờ dại chính là yếu tố có thể làm nên những điều bất ngờ".
Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có sự tự do được thử nghiệm với những điều mà hầu hết bình thường mọi người đều sợ không dám thử nghiệm.
"Bên cạnh đó, chúng ta cần hệ sinh thái để hỗ trợ những doanh nghiệp đó. Cụ thể các doanh nhân khởi nghiệp cần các nhà đầu tư để được khám phá và thử nghiệm. Những nhà đầu tư này phải là những người cởi mở và cố gắng phấn đấu cho những điều to lớn hơn có thể xảy ra".
"Chúng ta cần những người quản lý kinh doanh để có thể kết nối tất cả mọi người. Ngay cả ở Thung lũng Silicon vào những năm 80, rất khó để các giám đốc ở các tập đoàn lớn dám bỏ việc để tham gia vào các công ty khởi nghiệp".
"Vì vậy, tôi không thấy có bất cứ lý do gì mà TP.HCM lại không thể trở thành một trung tâm sáng tạo trong tương lai của thế giới".
Làm cách nào để xây dựng văn hoá sáng tạo tại thị trường có nhiều giá trị truyền thống như châu Á?
Theo ông, sự cởi mở là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Vì vậy, chúng ta cần cho phép các nhà khoa học ra để làm việc và hợp tác giao lưu với các doanh nhân khởi nghiệp.
"Tôi nghĩ rằng hệ sinh thái khá năng động ở ngay tại khu vực Đông Nam Á, điển hình như Malaysia, Indonesia, Sinngapore, Ấn Độ. Chúng ta cần giao lưu hợp tác giữa các lĩnh vực khác nhau thì ý tưởng sáng tạo mới có thể phát triển được".
Tuy nhiên, ông Vinod Khosla cho rằng điều quan trọng nhất là các tấm gương thành công.
Ông cũng chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của mình, khi mở văn phòng đầu tiên tại Việt Nam, chất lượng của các tài năng về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam rất đáng kinh ngạc.
"Đó là lý do tôi rất mong chờ rằng khi Sonny Vu (Arevo) ký kết với Khu công nghệ cao TP.HCM SHTP thì sẽ tiếp tục với những khoản đầu tư mới, cùng những tài năng mới tại Việt Nam".
Giải thích về lý do cho rằng Việt Nam là điểm đến tuyệt vời tiếp theo của Arevo, ông Vinod Khosla cho rằng Việt Nam có rất nhiều nhân tài. Đồng thời, Việt Nam cũng được biết là điểm đến đầu tư tuyệt vời.
"Kiến thức chuyên môn cùng với khả năng tiếp cận thị trường ở Việt Nam là những yếu tố giúp vị thế của Việt Nam hoàn hảo, đặc biệt về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phần mềm. Tôi cho rằng vị thế Việt Nam còn thuận lợi hơn cả Thung lũng Silicon", ông Vinod Khosla phát biểu.
Vai trò của nhà đầu tư
Ông Vinod Khosla nhấn mạnh rằng phần lớn những thay đổi lớn là đến từ các công ty khởi nghiệp nhỏ chứ không phải đến từ các tập đoàn lớn. Vì vậy các nhà đầu tư đang ngày càng sẵn sàng hơn để có thể đầu tư, hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp và các nhà doanh nhân khởi nghiệp trên toàn thế giới.
Theo ông, đây cũng là giai đoạn ngày càng nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng văn hoá của Thung lũng Silicon đem đến cho các doanh nhân khởi nghiệp nhiều không gian, sự tự do để khám phá và thử nghiệm với nhiều điều mới mẻ hơn.
"Một khi chúng ta có một vài tấm gương thành công của các công ty khởi nghiệp thì chắc chắn các nhà đầu tư khác sẽ theo chân. Đương nhiên, hiện giờ ở khu vực Đông Nam Á đã có rất nhiều hoạt động đầu tư, đặc biệt là ở Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Do đó tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ thiếu nhà đầu tư. Chắc chắn Việt Nam sẽ có một hệ sinh thái hiệu quả, giúp nhiều doanh nhân khởi nghiệp khác thành công trong tương lai", Vinod Khosla khẳng định.
Chìa khoá là phát triển giáo dục nhằm tạo ra văn hoá về sáng tạo
Trước tiên, ông Vinod Khosla chỉ ra rằng Việt Nam đang làm khá tốt trong giáo dục khi có nhiều các trường và viện. Đây cũng là yếu tố mà Chính phủ có thể hỗ trợ về mặt chính sách và luật lệ. Việt Nam cũng đã có rất nhiều hoạt động trong giáo dục sáng tạo và ngày càng nhiều hơn các tài năng đến từ thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần áp dụng các mô hình nhằm cần thu hút các tài năng của Việt Nam đã du học nước ngoài quay về nước. Mô hình này cũng đã được áp dụng rất thành công ở Bangalore (Ấn Độ), Israel cũng như những nơi khác trên thế giới.
"Chúng ta cần phối hợp các tài năng đến từ thị trường Việt Nam, từ nền giáo dục Việt Nam với các tài năng Việt Nam đã học tập và làm việc ở nước ngoài".
Khi được hỏi về yếu tố nào là yếu tố chủ chốt, ông Vinod Khosla cho biết: "Tôi nghĩ là phần lớn các yếu tố cần thiết thì Việt Nam có sẵn rồi. Chúng ta chỉ cần tập trung vào việc làm sao tạo ra một vài tấm gương điển hình thành công. Từ đó sẽ có động lực cho các bạn trẻ Việt Nam muốn khởi nghiệp công ty của riêng mình".
"Để làm được điều này thì chúng ta cần phải có những tấm gương điển hình. Ở Mỹ, vào những năm 80, tấm gương duy nhất mà mọi người có đó là các vận động viên thành công về bóng rổ, bóng đá.
Nhưng từ khi hệ sinh thái về sáng tạo nổi bật thì mọi người ai cũng muốn trở thành những người như Larry Page, Jeff Bezos của Amazon. Hiện tại, các doanh nhân khởi nghiệp lại chính là tấm gương điển hình cho người trẻ của Mỹ".
Cuối cùng, ông Vinod Khosla kết luận: "Mặc dù khởi đầu thì rất khó khăn, nhưng một khi chúng ta đã khởi đầu được thì ngày càng nhiều doanh nhân trẻ sẽ có điều kiện để khởi nghiệp thành công hơn".