Ngày 21/9 (sáng 22/9 theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố đợt tăng lãi suất lên cao kỷ lục. Đây là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa mức lãi suất điều hành lên 3 - 3,25%, cao nhất kể từ đầu năm 2008.
Phản ứng tức thời ngay sau quyết định của FED, hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đã công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Tác động của việc này được cho là sẽ kéo theo sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế, tăng tỉ lệ thất nghiệp và nhiều hệ quả tiêu cực khác lên các nền kinh tế.
Việc FED tăng lãi suất, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, vấn đề này đã được dự báo và bàn thảo tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, diễn ra chiều ngày 12/9.
Ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15, một loạt các giải pháp ứng phó của Chính phủ đã được đưa ra. Như vậy, việc FED tăng lãi suất thực sự không gây bất ngờ đối với Việt Nam.
Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc tăng lãi suất này giúp giảm bớt áp lực lạm phát ở Mỹ, nhưng lại làm gia tăng chi phí nhập khẩu đối với các quốc gia khác.
Ở thời điểm hiện nay, đối với Việt Nam, theo quan điểm của TS. Trần Du Lịch, ổn định kinh tế vĩ mô có vai trò đặc biệt quan trọng. Có ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát… mới tạo điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Do đó, trong điều hành nền kinh tế, ưu tiên cao nhất sẽ phải là ổn định kinh tế vĩ mô. Và điều cần làm đầu tiên để kinh tế vĩ mô ổn định là phải giữ được tỉ giá hiện nay, giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam để ổn định tâm lý thị trường.
Đối với chính sách tiền tệ, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành ngay sau động thái của FED, TS. Trần Du Lịch đánh giá không quá lo ngại bởi người đứng đầu Chính phủ ngay lập tức đã có yêu cầu ngành ngân hàng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, TS. Trần Du Lịch nhận định việc tăng mạnh lãi suất cho thấy hiện ưu tiên của Mỹ chỉ là kéo giảm lạm phát nhưng với Việt Nam không chỉ có kiềm chế lạm phát mà ưu tiên cao hơn là thúc đẩy tăng trưởng. Trong Chỉ thị 15, quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ là tháo gỡ những điểm nghẽn ảnh hưởng đến tăng trưởng, kết hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, tạo dòng chảy vốn trong nền kinh tế hiệu quả hơn.
Nổi bật trong đó là yêu cầu các cơ quan chức năng có giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm; đẩy mạnh triển khai các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; lành mạnh hóa thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán…
"Đặc biệt, gói hỗ trợ 2% lãi suất từ Ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31 của Chính phủ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã thời gian qua thực hiện chưa hiệu quả thì đây là thời điểm rất thích hợp để đẩy mạnh triển khai, giúp các đơn vị này phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh trước những biến động khó lường của thị trường hiện nay", TS. Trần Du Lịch nêu quan điểm.