FDI tháng 1/2023 của Việt Nam giảm gần 20%, chuyên gia nhận định thế nào về xu hướng FDI thời gian tới?

Trọng Trần |

Trong tháng 1/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, FDI vẫn sẽ tiếp tục là một động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong năm 2023.

Theo báo cáo về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/01/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 1,35 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính lũy kế đến ngày 20/01/2023, cả nước có 36.458 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 441,31 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 275,35 tỷ USD, bằng gần 62,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Có thể thấy, nếu năm 2022 nguồn vốn FDI vào Việt Nam vẫn còn rất ổn định (FDI thực hiện cao kỷ lục 10 năm), thì trong tháng 1, con số FDI đã cho thấy những suy yếu đầu tiên. FDI đăng ký trong xu hướng giảm là hiện tượng đã xuất hiện từ giai đoạn giữa năm 2022.

FDI tháng 1/2023 của Việt Nam giảm gần 20%, chuyên gia nhận định thế nào về xu hướng FDI thời gian tới? - Ảnh 1.

Con số quan trọng hơn là FDI thực hiện tháng 1 cũng cho thấy sự suy yếu. Tuy nhiên, CTCK DSC đánh giá mức suy giảm có thể đến từ việc các nhà đầu tư giữ vốn, không đầu tư trong dịp Tết Âm Lịch (11 năm trở lại, 8 năm FDI thực hiện giảm trong tháng Tết). Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi dữ liệu FDI đến hết quý 1 trước khi đưa ra kết luận đà giảm FDI là bền vững.

Ngoài ra, tuy tổng FDI đăng ký giảm, số dự án đăng ký cấp mới tăng 49% so với cùng kỳ, trong khi FDI đăng ký cấp mới tăng mạnh 300% so với cùng kỳ (Tổng FDI đăng ký gồm (1) đăng ký cấp mới, (2) đăng ký điều chỉnh, (3) góp vốn mua cổ phần).

DSC nhận định, dù 2023 là câu chuyện về rủi ro suy thoái kinh tế, khu vực châu Á vẫn được dự đoán sẽ tăng trưởng tốt (Việt Nam suy thoái 2009 GDP vẫn tăng trưởng 5.4% so với cùng kỳ). Do đó, DSC kỳ vọng giá trị FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng trong 2023.

Từng chia sẻ trước đây, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, du lịch sẽ là động lực lớn cho kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Bên cạnh đó, FDI vẫn sẽ tiếp tục là một động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển trong năm 2023.

Còn theo đánh giá của HSBC, bất chấp chu kỳ đi xuống của công nghệ toàn cầu trong ngắn hạn, các công ty công nghệ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam . Dự án phát triển mới nhất đến từ nhà sản xuất màn hình của Trung Quốc BOE, nhà cung cấp màn hình cho cả Apple lẫn Samsung, có kế hoạch đầu tư lên tới 400 triệu USD để xây dựng hai nhà máy.

Trong khi đó, tâm lý các doanh nghiệp châu Âu cũng cho thấy cái nhìn lạc quan tương tự, thể hiện trong khảo sát hàng quý mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam. Thực tế, mặc dù tổng FDI sụt giảm trong năm 2022, FDI trong lĩnh vực sản xuất vẫn vững vàng, càng nêu bật lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong mảng này.

Trong một bài phân tích hồi đầu năm, Kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari cho biết, theo khảo sát của JETRO và các tổ chức khác, sức hấp dẫn chính của Việt Nam với tư cách là điểm đến của FDI bắt nguồn từ thực tế là mức lương tại các nhà máy chỉ bằng 1/3 so với ở Trung Quốc, và chất lượng lực lượng lao động tương đương với Trung Quốc.

Một yếu tố khác là vị trí địa lý của Việt Nam gần với chuỗi cung ứng của châu Á, đặc biệt là ngành công nghệ cao. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia bắt đầu đa dạng hoá hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc vì nhiều lý do bao gồm chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại