Ở vào thời điểm chỉ còn một tuần nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, đối với những cử tri vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai thì sự lựa chọn giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton có thể bị những scandal gần đây của hai ứng cử viên này tác động.
Hôm 28/10, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo mở lại cuộc điều tra vụ bê bối thư điện tử liên quan đến ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton về việc sử dụng thư điện tử cá nhân khi còn giữ cương vị Ngoại trưởng.
Trong bức thư gửi lên giới lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Mỹ, Giám đốc FBI James Comey cho biết, cơ quan này sẽ “có các biện pháp điều tra thích hợp” để xem xét liệu những bức thư điện tử mới rò rỉ có lưu các thông tin mật hay không, cũng như “đánh giá mức độ quan trọng của những bức thư này đối với cuộc điều tra”.
FBI tìm thấy những thư điện tử mới khi kiểm tra các thiết bị của cựu nghị sĩ Anthony Weiner và Human Abedin, trợ lý hàng đầu của bà Clinton.
Trong lúc xem xét laptop của ông Weiner, các nhà điều tra phát hiện bà Abedin cũng sử dụng nó và thiết bị chứa một số thư điện tử giữa bà Abedin và bà Clinton.
Trong khi đó, cũng đã có những thông tin mới xuất hiện cáo buộc “mối quan hệ gần gũi” giữa ứng cử viên Donald Trump và Chính phủ Nga.
Ông David Corn, trưởng văn phòng đại diện của tạp chí Mother Jones ở Washington cho Yahoo News biết: “Nếu đó là cuộc chiến của một người đang gặp phải vấn đề bê bối email cá nhân với một người có những giao dịch mờ ám với một chính phủ nước ngoài thì cử tri rất khó để cân nhắc”.
Ngày 31/10, truyền thông Mỹ đưa tin, một cựu điệp viên đã cung cấp cho FBI một bản ghi nhớ với cáo buộc rằng, Chính phủ Nga “đã nuôi dưỡng, hỗ trợ và nâng đỡ Trump trong ít nhất 5 năm” và rằng, “có sự trao đổi thông tin giữa các thành viên chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump và điện Kremlin”.
FBI thiên vị ông Trump?
Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, ông Robby Mook, quản lý chiến dịch tranh cử cho bà Clinton đã lên tiếng cho rằng, tại sao Giám đốc FBI không công bố thông tin gì về quá trình điều tra ảnh hưởng từ Nga đến cuộc bầu cử Mỹ.
"Nếu ông muốn công khai thông tin điều tra về các ứng viên Tổng thống, hãy đưa ra toàn bộ những gì ông có về Donald Trump. Công khai thông tin về sự liên hệ giữa ông ấy và Nga", Mook nói với CNN.
Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ, ông Harry Reid cũng gửi thư chỉ trích Giám đốc FBI James Comey khi cho rằng, FBI thiếu công tâm khi công khai cuộc điều tra vụ bê bối email mới của bà Clinton mà không hề tiết lộ gì về thông tin cáo buộc có mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa với điện Kremlin.
“Những người bạn của tôi và các quan chức hàng đầu khác làm việc trong lĩnh vực an ninh đã biết rõ về thông tin có mối quan hệ chặt chẽ giữa Donald Trump cùng các cố vấn cấp cao của ông ta với Chính phủ Nga. Công chúng có quyền được biết thông tin này”, ông Reid nói.
Cả ông Trump và các phụ tá phục vụ chiến dịch tranh cử của ông nhiều lần phủ nhận có mối liên hệ với phía Nga.
Bình luận về những diễn biến mới nhất liên quan đến vụ lùm xùm mà ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa vướng phải, ông David Corn cho rằng: “Không có gì là sai khi một ứng cử viên Tổng thống nói chuyện với một Chính phủ nước ngoài”.
Tuy nhiên, theo ông Corn, điều tưởng chừng như không có gì đáng nói này lại ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Giải thích cho bình luận của mình, ông Corn nói: “Chúng ta nhìn thấy trong chiến dịch tranh cử, tin tặc Nga nhằm vào các mục tiêu của đảng Dân chủ và việc rò rỉ thông tin rõ ràng gây bất lợi cho bà Clinton trong khi ông Trump là người được hưởng lợi.
Và chúng ta cũng thấy ông Trump gần như không thể giải thích được những bình luận ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin – động thái chưa từng có tiền lệ của các ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa trong quá khứ”.
“Không ai có thể biết đâu là sự thật đằng sau tình cảm giữa hai người đàn ông này (Tổng thống Putin và ông Trump). Chẳng có một lý do hợp lý nào để giải thích cho việc tại sao một ứng cử viên Tổng thống lại ca ngợi lãnh đạo Nga, trừ khi có thông tin gì đó mà chúng ta không biết”, Bill Browder, Giám đốc điều hành quỹ Hermitage Capital nhận định.
Theo ông Browder, những bình luận của ông Trump về nhà lãnh đạo Nga rõ ràng không phải là cách để tỷ phú này ghi điểm trước cử tri, đó cũng không phải là cách làm của đảng Cộng hòa hay của nước Mỹ.
FBI giáng thêm 1 đòn nhằm vào bà Clinton?
Trong khi phớt lờ yêu cầu công khai thông tin về mối quan hệ của ông Trump với Chính phủ Nga, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngày 1/11 tiếp tục công bố tài liệu dài 129 trang về lệnh ân xá của cựu Tổng thống Bill Clinton đối với doanh nhân Marc Rich.
Doanh nhân Rich bị truy tố về tội trốn thuế ở Mỹ. Vào thời điểm đó, ông sống lưu vong tại Thụy Sĩ và trở thành một trong những người bị FBI truy nã gắt gao nhất.
Cựu Tổng thống Bill Clinton ký lệnh ân xá gây tranh cãi cho Rich vào ngày làm việc cuối cùng của ông tại Nhà Trắng hôm 20/1/2001. FBI mở cuộc điều tra về lệnh này vào cuối năm đó.
FBI đóng hồ sơ điều tra vụ việc năm 2005 mà không đưa ra bất cứ cáo buộc nào. Việc cơ quan này công bố tài liệu trên vào thời điểm “nhạy cảm” chỉ còn 1 tuần nữa sẽ diễn ra bầu cử đã làm dấy lên nghi ngờ trong đảng Dân chủ, vốn đang tức giận sau khi giám đốc FBI James Comey tuyên bố sẽ điều tra các email mới bị hé lộ có thể liên quan tới bà Hillary Clinton, ứng viên Tổng thống của đảng và là phu nhân của ông Bill Clinton.
Người phát ngôn của bà Clinton, ông Brian Fallon cho rằng, đây là điều kỳ lạ và đặt câu hỏi liệu FBI có công bố tài liệu điều tra hồi những năm 1970 về việc ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump bị kiện vì phân biệt đối xử với người da màu hay không.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) không đưa ra lời giải thích và cho biết, việc công bố hồ sơ mới chỉ là “mở đầu” và sẽ còn tiếp tục cung cấp thêm các thông ./.