FBI cho biết hôm qua 7/1 rằng họ đã yêu cầu Apple cung cấp dữ liệu về hai chiếc iPhone, thứ thuộc về tay súng trong vụ xả súng hồi tháng 12/2019 tại một căn cứ hải quân ở Pensacola, bang Florida, Mỹ.
Dana Boente, cố vấn chung của FBI, nói trong một lá thư gửi cho Apple rằng các nhà điều tra liên bang không thể truy cập vào iPhone vì chúng đã bị khóa và mã hóa bởi chủ sở hữu - Thiếu úy Mohammed Saeed Alshamrani của Không quân Hoàng gia Saudi (đã chết). FBI có lệnh khám xét các thiết bị và đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Apple khi thực hiện việc này.
Thiếu úy Alshamrani là thực tập sinh của Không quân Saudi, là người mà chính quyền liên bang tin rằng đã bắn và giết chết ba thủy thủ khác tại Trạm Không quân Hải quân Pensacola vào tháng 12.
Vụ việc này có thể trở thành vấn đề gây tranh cãi mới, giữa Apple và FBI liên quan tới việc các thông tin kỹ thuật số nào có thể truy cập được đối với cơ quan thực thi pháp luật. Vào năm 2014, Apple đã bắt đầu xây dựng hệ thống mã hóa trên iPhone, thứ mà ngay cả Apple cũng không thể vượt qua nếu không có sự đồng ý của chủ sở hữu. Công nghệ này đã làm các cơ quan thực thi pháp luật thất vọng, vì cho rằng Apple đã cho bọn tội phạm một nơi trú ẩn an toàn.
Đáp trả lại yêu cầu của FBI, phía Apple tuyên bố họ đã cung cấp tất cả các dữ liệu mà mình được phép cung cấp, của chủ sở hữu những chiếc iPhone từ tháng trước. Ngoài ra sẽ không có gì bổ sung thêm.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ FBI với các dữ liệu chúng tôi có sẵn", đại diện công ty cho biết. Apple thường xuyên tuân thủ các lệnh của tòa án để chuyển thông tin mà họ có trên các máy chủ của mình, chẳng hạn như dữ liệu iCloud, nhưng từ lâu đã từ chối mọi quyền truy cập vào dữ liệu mã hóa trên những chiếc iPhone đã bị người dùng khóa.
Trước khi yêu cầu Apple giúp đỡ, FBI đã làm việc với các cơ quan chính phủ khác cũng như các đồng minh an ninh để tìm xem có con đường nào khác tiến vào các thiết bị trên hay không, theo một số nguồn tin.
Tuy nhiên khác với vụ việc năm 2014, lần này FBI đã không yêu cầu Apple tạo ra cái gọi là "giải pháp công nghệ" hoặc "cửa hậu" để vượt qua hệ thống mã hóa do chính nhà sản xuất tạo ra. Với yêu cầu này trong quá khứ, Apple từng đáp trả rằng việc có được những dữ liệu theo cách như vậy sẽ "tạo tiền lệ nguy hiểm cho quyền riêng tư và an ninh mạng của người dùng".
Nám 2016, FBI và Apple cũng có xung đột liên quan tới vụ án một người đàn ông, cùng với vợ mình, đã bắn chết 14 người ở San Bernardino, California, Mỹ. Xung đột tăng cao sau khi một thẩm phán liên bang ra lệnh cho Apple giúp chính quyền mở khóa một chiếc điện thoại. Tim Cook sau đó đã phản hồi bằng một lá thư 1.100 từ, với nội dung chính là: Không thể.
"Chính phủ đề nghị công cụ này chỉ có thể được sử dụng một lần, trên một chiếc điện thoại", Tim Cook viết. "Nhưng điều đó đơn giản là không đúng. Sau khi được tạo, kỹ thuật này có thể được sử dụng nhiều lần, trên bất kỳ số lượng thiết bị nào."
Còn ở vụ án ở Pensacola, chưa có lệnh của tòa án được đưa ra. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác với năm 2016. Apple đang đứng trước các đe dọa về thuế quan đối với các sản phẩm của mình. Chưa kể, Tim Cook đã trở thành đồng minh của Tổng thống Trump, khi thường xuyên đến thăm "bạn" ở Washington và gần đây tổ chức một buổi gặp mặt tại một nhà máy tại Texas.
Tranh chấp về vụ án ở San Bernardino đã được giải quyết khi FBI tìm thấy một công ty tư nhân có thể vượt qua hệ thống mã hóa của iPhone. Tuy nhiên ở hiện tại, dường như Apple đã nâng cấp hệ thống mã hóa của mình, khiến việc mở khóa trở nên khó khăn hơn.
Một chính trị gia Mỹ gần đây cũng đưa ra những lời chỉ trích về vấn đề mã hóa, liên quan chủ yếu tới tiền ảo. Ông nói rằng việc tìm cách để các cơ quan thực thi pháp luật tiếp cận với công nghệ mã hóa là một trong những ưu tiên cao nhất của Bộ Tư pháp Mỹ.
Tham khảo NyTimes