Fast & Furious 8: Gia đình cần sự tin tưởng hơn một người hùng đơn độc

Hoài Điệp |

Với một bộ phim bom tấn như Fast & Furious 8, chỉ những màn hành động hoành tráng cùng dàn diễn viên toàn sao cũng đủ để công chúng cảm thấy mãn nguyện khi rời khỏi rạp.

Nhưng sau những thăng hoa về mặt cảm xúc ở ba tập phim trước, rõ ràng khán giả có quyền kỳ vọng nhiều hơn vào những khoảnh khắc lay động trái tim, nhưng đáng tiếc thay, đó lại thứ hầu như vắng bóng trong Fast 8.

Dĩ nhiên, sẽ rất khó nếu không nói là chẳng bao giờ series này có thể trở lại với "ngày xưa", hay nói chính xác là hai tập đầu tiên – khi mọi thứ chỉ gói gọn trong những phi vụ làm ăn nhỏ lẻ và bối cảnh chỉ gói gọn ở Los Angeles hay Miami.

Cốt truyện đơn giản, dàn diễn viên trẻ tuổi và chưa tạo dựng được vị thế vững chắc ở Hollywood, tuy nhiên, khán giả vẫn dễ dàng bị lôi cuốn bởi những yếu tố được xem là khác biệt ở thời điểm đó.

Đó là vô số màn đua xe cá độ phi pháp căng thẳng, nghẹt thở được dàn dựng chân thật, sống động; sự xuất hiện của những chiếc xe hơi thời thượng với động cơ tăng áp (turbo) mạnh mẽ; kỹ thuật độ xe; cuộc đối đầu giữa xe "cơ bắp" Mỹ và xe thể thao Nhật Bản; dàn mỹ nhân gợi cảm và âm nhạc thời thượng – luôn là R&B và hip-hop.

Fast & Furious 8: Gia đình cần sự tin tưởng hơn một người hùng đơn độc - Ảnh 1.

Những cảm xúc tươi mới luôn để lại nhiều ấn tượng sâu đậm khó phai và cho đến giờ, không ít khán giả và cả các nhà phê bình vẫn luôn khẳng định: với họ, The Fast And The Furious đã dừng lại từ sau tập thứ hai.

Bỏ qua tập Tokyo Drift là một nốt trầm lạc điệu trong sự nhịp nhàng của cả series, việc mở rộng bối cảnh và biến những tay đua đường phố thành các anh hùng giải cứu thế giới từ tập Fast & Furious ít nhiều cũng mang đến chút ít thất vọng cho khán giả hâm mộ - nhưng lại là một quyết định cực kỳ chính xác trong câu chuyện tài chính: doanh thu phòng vé cứ thế vùn vụt tăng theo thời gian.

Nhưng việc bỏ qua bản sắc để trở thành loạt phim hành động thông thường với "một vài màn rượt đuổi điên cuồng ở mỗi tập" cũng khiến đội ngũ sản xuất rất vất vả trong việc "nuôi nấng" cảm xúc cho khán giả và rõ ràng họ đã thất bại ở Fast 8.

Rõ ràng, trong một tập phim mà yếu tố "gia đình" đã được chọn để đưa lên câu tagline thì cảm xúc phải trở thành một điểm nhấn quan trọng không thua kém bất kỳ yếu tố ăn khách nào.

Fast & Furious 8: Gia đình cần sự tin tưởng hơn một người hùng đơn độc - Ảnh 2.

 Nhưng thứ chúng ta thấy trong Fast 8 là một gia đình mà sự gắn kết và thấu hiểu được thể hiện hời hợt, một gia đình mà người cầm đầu khi gặp rắc rối, thay vì tìm kiếm sự trợ giúp của những người đã nhiều lần cùng vào sinh ra tử, lại quyết định một mình giải quyết nó, bất chấp việc đặt bản thân vào hiểm nguy một cách vô nghĩa. 

Rõ ràng Fast 8 không cổ súy cho "gia đình" như khán giả vẫn hình dung, thậm chí bộ phim còn cho thấy những tình cảm ràng buộc giữa người với người hóa ra lại là một thứ nhược điểm có thể bị khai thác dễ dàng, nhất là với những chiến binh mạnh mẽ như Dominic Torreto, Deckard Shaw hay bất kỳ ai khác.

Đó là chưa kể đến kịch bản của Fast 8 "phẳng lỳ" và nhiều lỗ hổng để mạch truyện cứ thế trôi tuột đi, tất cả chỉ như một động cơ để đẩy cộ phim lên tới điểm cao trào về mặt hành động mà thôi.

Cái chết khá gượng ép của một nhân vật quen mặt trong phim gần như không mang tới sự hụt hẫng và tiếc nuối như của bộ đôi Han và Gisele ở Furious 6, nó giống một bước điều chỉnh nội dung và "cơ cấu" lại nhân vật cho các phần tiếp theo nhiều hơn.

Cho nên, những cảm xúc mà khán giả có thể tìm thấy trong tập phim này hóa ra lại là những màn đấu khẩu của cặp đối thủ cân tài cân sức Luke Hoobs và Deckard Shaw, cộng thêm nhóc tì Brian – một lời tôn vinh khá mờ nhạt đến Paul Walker.

Quả thực, bóng dáng của anh trong Fast 8 đã trở nên quá đỗi nhạt nhòa, như thể anh chưa từng xuất hiện trong cả series vậy.

Fast & Furious 8: Gia đình cần sự tin tưởng hơn một người hùng đơn độc - Ảnh 3.

Trong khi đó, Charlize Theron có nhiều đất diễn nhưng lại không thể làm cho nhân vật Cipher trở nên hiểm ác và tàn nhẫn hơn, Vin Diesel cũng chẳng bỏ được sự cứng nhắc từ điệu bộ tới nét mặt để nhân vật Dominic Toretto sống động và chân thực hơn, giống hệt những gì anh thể hiện trong bộ phim hành động nhạt nhẽo xXx: Return Of Xander Cage ra mắt đầu năm nay.

Ngoài những màn hành động hoành tráng, hiếm có yếu tố nào khác ở Fast 8 có thể đọng lại quá lâu trong lòng khán giả - những người đang chào đón một mùa hè tràn ngập bom tấn đủ thể loại.

Quá đáng tiếc khi đạo diễn F. Gary Gray đã không thể bắt được vào mạch cảm xúc đã được các đồng nghiệp Justin Lin và James Wan "gây dựng" rất tốt ở hai tập Furious 6 và Furious 7, để Fast 8 trở thành thứ gì đó đẳng cấp hơn một siêu phẩm hành động thông thường.

Gia đình cần sự tin tưởng và đồng cảm hơn một người hùng đơn độc, luôn là như vậy…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại