Câu chuyện của trẻ sao không áp dụng được với người lớn
Cuộc đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực giữa các nhóm cổ đông ở Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) diễn ra khá náo nhiệt trong vòng hơn 1 năm trở lại đây.
Tình hình căng thẳng vì vấn đề nhân sự cấp cao bởi nhóm cổ đông nào cũng muốn có chân trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát khiến cho ngân hàng năm ngoái đã phải trì hoãn đại hội cổ đông tới hơn 3 lần, mãi đến gần cuối tháng 7 mới tổ chức được. Nhưng đại hội vẫn chưa quyết định được vấn đề quan trọng nhất.
Đến tháng 12/2015, đại hội phải tổ chức bất thường để bầu nhân sự, nhưng đại diện của một nhóm cổ đông lớn vẫn không được gọi tên.
Lùm xùm về nhân sự cấp cao còn bị đẩy lên căng thẳng hơn nữa vì người ta nghi ngờ có sự gian lận trong quá trình bỏ phiếu, khi có ứng viên (ông Lê Minh Quốc ứng cử vào vị trí thành viên độc lập) tại lần công bố đầu tiên chỉ đạt chưa đến 46% số phiếu ủng hộ nhưng sau khi được “bỏ phiếu lại” thì đạt tỷ lệ hơn 58% và trúng cử.
Sau đại hội, ông Lê Minh Quốc được đề cập ở trên được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị, còn vị đại diện đến từ Vietcombank làm trưởng Ban kiểm soát.
Ngân hàng cũng thay cả Tổng giám đốc, ông Lê Văn Quyết, từng công tác tại NHNN (được cho là đại diện của Vietcombank) nhận vị trí “thuyền trưởng” từ trung tuần tháng 3/2016.
Bộ máy lãnh đạo ngân hàng đến đây tưởng đã an bài, song đến đầu tháng 4, ông Cao Xuân Ninh, người cũng từng công tác tại NHNN, bất ngờ từ nhiệm.
Sang trung tuần tháng 5, ông Đặng Phước Dừa, một cổ đông lớn, thôi làm cố vấn HĐQT. Những yêu cầu từ các nhóm cổ đông về việc có chân trong HĐQT vẫn chưa dừng lại, song song đó là các yêu cầu về việc thay thế HĐQT đương nhiệm vì lý do hoạt động không hiệu quả.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016, ngân hàng đã 2 lần tổ chức song đều bất thành.
Ngân hàng đã thông báo sẽ tổ chức đại hội bất thường vào tháng 8 tới đây, nhưng do lần 2 cổ đông vẫn chưa thông qua các nội dung nên chiếu theo quy định ngân hàng này sẽ phải tổ chức thêm đại hội lần 3 trước khi muốn tổ chức đại hội bất thường.
Theo kế hoạch lần đại hội tới Eximbank sẽ bầu bổ sung thành viên vào HĐQT. Hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc sẽ bổ sung thêm 1 hay 3 người vào HĐQT song trong danh sách ứng cử đã có 6 cái tên đại diện cho các nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% vốn (gồm các ông bà 1. Ông Nguyễn Trung Kiên; 2. Ông Pierre Erik Theron; 3. Bà Nguyễn Thị Xuân Loan; 4. Ông Diệp Quang Nhân; 5. Ông Đặng Phước Dừa và 6. Bà Ngô Thu Thúy).
Cùng với đó, hàng loạt yêu cầu đòi thay thế HĐQT đương nhiệm xuất hiện. Hồi đầu tháng 6, nhóm cổ đông gồm 19 cá nhân và tổ chức nắm giữ 11,71% cổ phần của Eximbank đã yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông để bãi nhiệm một số thành viên HĐQT Eximbank.
Mới đây nhất, ông Đặng Phước Dừa lại vừa gửi đơn cho Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan yêu cầu đại hội cổ đông tới đây phải đưa vào chương trình nội dung bãi miễn tất cả HĐQT, đồng thời cho phép những người có số cổ phần đạt 10% được giới thiệu người vào HĐQT và đưa ra đại hội cổ đông gần nhất để bầu.
Chưa bao giờ người ta lại phải chứng kiến những rối rắm của nhóm thượng tầng lãnh đạo ở một ngân hàng đến như vậy.
Nhiều người ngao ngán lắc đầu ước rằng, giá như, các nhóm cổ đông ở ngân hàng Eximbank chịu ngồi lại lắng nghe nhau và cùng giải quyết ổn thỏa, giống như Dê đen và Dê trắng trong truyện thơ Hai con dê qua cầu mà người lớn vẫn kể cho con trẻ nghe (hai chú dê không chịu nhường nhau, nhưng nhờ biết lắng nghe và thỏa hiệp, hai chú dê đều đạt được mục đích của mình là qua đầu cầu bên kia) thì hẳn là các cổ đông nhỏ lẻ và thị trường đã không phải đau đầu đến thế.
Song có lẽ, cũng giống như câu chuyện giành cho con trẻ nói trên, hai chú dê phải nhờ đến trọng tài là bác nhái bén, thì những căng thẳng ở Eximbank cũng phải chờ bàn tay trọng tài vừa công tâm vừa quyết liệt từ phía cơ quan quản lý.
Ngân hàng có gì mà phải tranh giành nhau đến thế?
Những căng thẳng ở ngân hàng diễn ra khiến không ít người phải thốt lên, ở Eximbank có gì mà người ta phải tranh giành nhau đến thế?
Eximbank là thương hiệu của một ngân hàng được biết đến từ lâu, với thị phần khá cứng trong lĩnh vực thanh toán xuất nhập khẩu vài năm trở về trước (hiện tại đã bị các ngân hàng lớn như Vietcombank vượt xa).
Ngân hàng có hệ thống mạng lưới khá rộng với 1 hội sở chính, 44 chi nhánh, 163 phòng giao dịch, 1 công ty con và 1 công ty liên kết.
Đội ngũ nhân sự hiện hơn 6.100 người, vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, đã giao dịch trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu EIB. Các cổ đông lớn được công khai gồm Sumitomo của Nhật giữ 15% vốn, Vietcombank năm 8,2%, quỹ VOF giữ 5%, phần còn lại cho các nhóm cổ đông khác sở hữu và một phần nhỏ do cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.
Còn về hoạt động, lật lại tình hình của Eximbank cho thấy, ngân hàng này từng nằm trong tốp 5 ngân hàng cổ phần lớn nhất ở Việt Nam với lợi nhuận hàng năm cả nghìn tỷ đồng.
Nhưng từ năm 2012 tới nay, tình hình kinh doanh đi xuống thê thảm, tài sản cũng theo đó mà “bốc hơi” nhanh chóng, thị phần giảm sút, uy tín bị ảnh hưởng, trong khi hơn một năm nay tầng lớp lãnh đạo cấp cao nhất lại mải mê với những chiếc ghế của họ.
Đáng lưu ý, từ 8/4/2016, cổ phiếu EIB của ngân hàng còn bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2014 bị điều chỉnh hồi tố từ mức 114 tỷ đồng xuống còn âm 834,6 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tại 31/12/2015 là âm 817,5 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm 2016, ngân hàng tưởng chừng đã hoạt động khá hơn nhưng cũng chỉ đạt lợi nhuận vỏn vẹn 24 tỷ đồng.
Để đánh giá một ngân hàng như thế nào thì không chỉ dựa vào những con số nói trên. Song nhìn bề ngoài, Eximbank rõ ràng đang có lợi thế mà nhiều nhà băng và người làm ngân hàng mơ ước đó là về mạng lưới, vốn điều lệ cao và đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Còn kết quả kinh doanh, với khoản lỗ lũy kế gần 820 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015, so với lợi nhuận 2 năm trở lại đây (sau điều chỉnh của kiểm toán) là tổng cộng chưa đến 400 tỷ đồng (năm 2014 điều chỉnh từ mức lãi 56 tỷ đồng lên 340 tỷ và năm 2015 lãi gần 40 tỷ), nếu không có gì đột biến, Eximbank có thể phải mất vài năm để bù lỗ và xử lý các tồn tại cũ.
Bởi vậy, bất cứ ai được bầu vào HĐQT trong giai đoạn tiếp theo, chắc chắn phải là những người tâm huyết hoàn toàn với hoạt động ngân hàng mới mong vực dậy một Eximbank như quá khứ. Tất nhiên, quá trình hồi phục ấy chắc chắn cũng không thể diễn ra trong một sớm một chiều.