Chính phủ vừa ban hành Nghị định số147/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Một trong những nội dung sửa đổi là điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện và sản xuất nước sạch. Điều này có thể làm tăng chi phí đầu vào đối với ngành điện, do đó, nhều dự đoán cho rằng có khả năng trong năm tới, giá điện sẽ tiếp tục tăng.
Theo quy định này, mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3.
Cụ thể, Nghị định 147 quy định mức chi trả tiền DVMTR áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện là 36 đồng/kWh điện thương phẩm. Sản lượng điện để tính tiền chi trả DVMTR là sản lượng điện của các cơ sở sản xuất thủy điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện.
Số tiền phải chi trả DVMTR trong kỳ hạn thanh toán được xác định bằng sản lượng điện trong kỳ hạn thanh toán (kWh) nhân với mức chi trả DVMTR tính trên 1kWh (36 đồng/kWh).
Mức chi trả tiền DVMTR áp dụng đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch là 52 đồng/m3 nước thương phẩm. Sản lượng nước để tính tiền chi trả DVMTR là sản lượng nước của các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch bán cho người tiêu dùng.
Số tiền phải chi trả DVMTR trong kỳ hạn thanh toán được xác định bằng sản lượng nước thương phẩm trong kỳ hạn thanh toán (m3) nhân với mức chi trả DVMTR tính trên 1m3 nước thương phẩm (52 đồng/m3).
Cách đây không lâu, dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân quy định, đối với trường hợp các thông số đầu vào tăng khiến giá bán điện bình quân cập nhật tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ bình ổn giá điện) từ 3% đến 5% và trong khung giá quy định, EVN được phép tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Giá điện được tính toán dựa trên các chi phí phải bỏ ra để đưa điện đến với người mua gồm: Chi phí mua điện; chi phí dịch vụ truyền tải, dịch vụ phân phối - bán lẻ, dịch vụ điều độ, điều hành giao dịch thị trường, quản lý chung; chi phí khác (bao gồm cả chênh lệch tỷ giá). Như vậy, khi chi phí đầu vào tăng, giá điện có thể được tính toán để tăng theo.
Một vấn đề nữa có thể sẽ có tác động lớn đến giá điện năm tới là việc EVN thua lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của EVN là âm 717 tỉ đồng, công ty mẹ lỗ 930 tỉ đồng. Các chỉ tiêu doanh thu đều tăng mạnh nhưng EVN lại thua lỗ.
Ông Đinh Quang Tri khẳng định, nguyên nhân lỗ sau thuế trong Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của Tập đoàn là do lỗ chênh lệch tỷ giá (cụ thể là do tỷ giá đồng Yên Nhật tăng mạnh).
Báo cáo cho thấy, chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm của EVN lên tới 15.460 tỉ đồng, tăng 7.779 tỉ đồng, tương ứng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng 44,6%. Với tổng số tiền 6.896 tỉ đồng trong 6 tháng, bình quân, mỗi ngày EVN phải trả 38,3 tỉ đồng tiền lãi vay.
Giá điện trước nay luôn tăng, trong khi đó, công chúng rất khó tiếp cận được cơ cấu giá thành của ngành điện.
Hơn nữa, hàng loạt chi phí phúc lợi cũng từng được EVN tính đưa vào giá điện. Do vậy, việc thua lỗ và dịch vụ môi trường rừng tăng có thể sẽ được tính vào giá điện và giá điện năm tới sẽ tiếp tục tăng.