EVN chính thức ra số kiểm toán: lỗ gần 1 tỷ USD năm 2022, cầm 100.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi, vượt trội các doanh nghiệp lớn trên sàn

Trọng Hiếu |

Những tổng công ty, tập đoàn nổi tiếng với lượng tiền mặt lớn như VNPT, Hòa Phát, ACV, PV Gas... cũng không có lượng tiền nhiều bằng EVN.

EVN chính thức ra số kiểm toán: lỗ gần 1 tỷ USD năm 2022, cầm 100.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi, vượt trội các doanh nghiệp lớn trên sàn - Ảnh 1.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố BCTC kiểm toán năm 2022 với khoản lỗ sau thuế 20.747 tỷ đồng, trong khi năm 2021 doanh nghiệp lãi 14.725 tỷ đồng. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 22.256 tỷ đồng. Giá vốn tăng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến tập đoàn này lỗ.

Cụ thể, trong năm qua EVN ghi nhận doanh thu 463.000 tỷ đồng, tăng gần 9% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm đến 98,6%, tăng 9,3% so với năm trước.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 16,7% lên 452.420 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của tập đoàn giảm 73% còn 10.579 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng giảm 51% còn 7.382 tỷ đồng do giảm khoản lãi chênh lệch tỷ giá.

Tính đến cuối năm, EVN lỗ lũy kế 13.336 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu giảm gần 10% còn 225.396 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ở mức 324.265 tỷ đồng, trong đó 86% là nợ dài hạn.

EVN chính thức ra số kiểm toán: lỗ gần 1 tỷ USD năm 2022, cầm 100.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi, vượt trội các doanh nghiệp lớn trên sàn - Ảnh 2.

Tính đến ngày 31/12/2022, lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp này đạt mức 101.527 tỷ đồng. Tổng tài sản của EVN đạt 666.165 tỷ đồng tỷ đồng, giảm 5,6% so với đầu năm.

So sánh với các doanh nghiệp (ngoài ngân hàng) trên sàn và các tổng công ty Nhà nước khác, EVN đang là tập đoàn có lượng tiền mặt lớn nhất. Những tổng công ty, tập đoàn nổi tiếng với lượng tiền mặt lớn như VNPT, Hòa Phát, ACV, PV Gas... cũng không có lượng tiền nhiều bằng EVN. Số tiền gửi này cũng đã mang về cho tập đoàn hơn 3.700 tỷ đồng tiền lãi.

EVN chính thức ra số kiểm toán: lỗ gần 1 tỷ USD năm 2022, cầm 100.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi, vượt trội các doanh nghiệp lớn trên sàn - Ảnh 3.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội hồi tháng 5/2023, EVN cũng giải trình rõ lý do năm ngoái tập đoàn này thua lỗ. Năm 2022, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%. Do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 tăng đột biến làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đồng/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đồng/kWh.

Các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sản xuất với sản lượng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng điện năng của hệ thống, với giá điện bình quân là 859,9 đồng/kWh.

Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN cho biết đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện. Giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, với với bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng.

Ngoài nhiệm vụ của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện, tập đoàn còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao trong đầu tư lưới truyền tải và mạng lưới bán điện đến cả vùng núi, hải đảo và bán thấp hơn giá thành, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại