Những chiến thắng mặc nhiên
Chẳng phải ngẫu nhiên, mà hai chiến thắng đậm đà nhất trong vòng đấu này đến từ những đội bóng thực sự mạnh. Họ mạnh không chỉ vì danh tiếng hay giá trị đội hình, mà họ mạnh thực sự, nhất là khi những tuyển thủ tên tuổi được vận hành dưới một lối chơi, chiến thuật hợp lý.
Nhưng không chỉ có thế, Đức và Bỉ - hai tên tuổi đang được nhắc đến ở vòng đấy này mạnh vì họ biết rút ra được những bài học từ chính sai lầm của bản thân, ở ngay những trận đấu trước đó ở Euro lần này.
Nếu như Đức "vấp ngã" trong trận đấu trước Ba Lan, trận đấu mà ai cũng nghĩ họ là kẻ mạnh hơn, và một chiến thắng là hiển nhiên, nhưng kết cục, lối đá chặt chẽ và đầy sự toan tính của Ba Lan khiến Đức chút xíu nữa phải ngậm đắng nuốt cay, thì Bỉ còn nhận phải bài học đau hơn thế.
Đội tuyển Đức vấp ngã để lớn mạnh hơn.
Được đánh giá rất cao ở giải đấu năm nay, ra quân ở trận khai màn trước một tuyển Ý "già nua, rệu rã và yếu nhất mọi thời", các cầu thủ trẻ Bỉ tưởng chừng sẽ "ăn tươi nuốt sống" đối phương, để rồi phải nhận lại bài học đau đớn về sự khôn ngoan từ đội bóng bậc thầy về chiến thuật.
Họ mạnh bởi những vấp ngã làm họ mạnh mẽ hơn, và có những điều chỉnh để đều có những sự nhập cuộc cực nhanh, đánh phủ đầu thành công đối thủ, để những chiến thắng đến không chỉ từ tỷ số, mà lấy được sự thừa nhận của giới chuyên môn.
Pháp lại là một trường hợp khác. Họ mạnh, và cũng phải nhận bài học đắng cay, nhưng điều chỉnh ngay trong trận đấu đã giúp họ có màn lội ngược dòng đầy bản lĩnh. Bản lĩnh ở chỗ cũng "dính đòn" ở hiệp 1, nhưng tuyển Anh đã "đi luôn một mạch", tạm biệt Euro 2016.
Nhọc nhằn nhưng xứng đáng
Người ta không tiếc lời xỉ vả Bồ Đào Nha sau chiến thắng nhọc nhằn và "xấu xí" trước Croatia, nhưng trận thắng này chỉ nói lên một điều là Bồ Đào Nha cực kỳ "biết mình, biết người". Và chẳng phải Euro lần này, đến giờ vẫn đang đấu trường tôn vinh những đội bóng biết "liệu cơm gắp mắm" đó sao?
Ba Lan cực kỳ nhọc nhằn mới vượt qua được Thụy Sỹ, và cái hay của họ lại nằm ở chỗ dồn ép đối phương, có bàn thắng trước, nhưng khi đối phương cân bằng tỷ số bằng cú "ngả bàn đèn" thăng hoa, Ba Lan bình tĩnh chống đỡ sự thăng hoa của đối thủ, bền bỉ "làm lại từ đầu".
Chấp nhận việc mình là "kẻ yếu", Bồ Đào Nha có được sự đền đáp xứng đáng.
Không quá mạnh, nhưng Ba Lan biết cân bằng rất tốt. Ở vòng loại, dù hòa với Đức trong trận đấu mà có số cơ hội nguy hiểm thực sự nhiều hơn, song họ không vì thế mà "bay cao" quá đà.
Tuy có những khoảng thời gian vượt trội hẳn Thụy Sỹ trong thế trận trên sân, song khi bị gỡ hòa, Ba Lan vẫn điềm tĩnh dìu trận đấu về loạt luân lưu, chấp nhận sự may rủi, chứ không "cố đấm ăn xôi" để nhận phải đòn "hồi mã thương" thêm lần nữa.
Người ta nói rằng Bồ Đào Nha đá bóng theo kiểu "phản bóng đá", là bóp chết bóng đá đẹp, nhưng khi đội hình tiêu biểu của vòng 1/8 được xướng lên, ngườu ta thấy có đến 3 cái tên Bồ Đào Nha: Cedric, Pepe và Renato Sanches nằm chễ chệ.
Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Cái đẹp của sự chắc chắn, cái đẹp của sự hi sinh sự tỏa sáng cá nhân cho mục đích cao cả hơn, đấy chẳng phải là cái đẹp sao?
Giá nào cho sự toan tính?
Sự toan tính đẹp nhất đến từ chiến thắng đẹp nhất, ấn tượng nhất và vĩ đại nhất của Euro lần này. Chiến thắng của sự tính toán mang thương hiệu Italia, đến từ đoàn quân trong sắc áo thiên thanh của nhà chiến lược đại tài Conte.
Có toan tính đến mấy, Tây Ban Nha cũng không thể ngờ rằng Italia dám "đánh phủ đầu" ngay từ khi bóng lăn. Mà không chỉ đánh phủ đầu, những điều chỉnh mang tính thời điểm trong trận đấu của Conte cực kỳ chính xác, khiến Tây Ban Nha hết rơi vào cái bẫy này, lại sa vào cái bẫy kia.
Những toan tính chiến thuật mang tầm thiên tài của Conte khiến Italia thăng hoa trước nhà ĐKVĐ Euro Tây Ban Nha.
Một ví dụ tiêu biểu: phút 79 của trận đấu, thống kê cho thấy 15 phút trước đó, Tây Ban Nha cầm bóng đến 72%. Đá 1/3 sân nhà, Italia đổi chiến thuật đẩy cao, đá nhanh và 4 phút sau đó, Conte thay Eder bằng Indige.
Thay một tiền đạo "hết hơi" bằng một tiền đạo khác, để nhận bóng và cầm bóng, xử lý khi hậu vệ có bóng triển khai, thay vì phá dài cho mình Pelle "tự xử" rồi mất bóng và bị phản công như vài phút trước.
Bàn thắng ở phút bù giờ, Insige cầm bóng đột phá, phối hợp để Italia có tình huống 3 đánh 4 bên cánh trái. Bóng được chuyển cánh cho 2 cầu thủ áo xanh chờ sẵn bên kia. Hai đánh hai, và thế là xong.
Trong khi đó, toan tính của người Anh đưa họ... ra đường.
Ở một thái cực khác, đội tuyển Anh đầy toan tính khi thay đến 6 vị trí trong trận đấu cuối cùng vòng bảng gặp Slovakia. Có lẽ ông Roy Hodgson coi đấy là một trận thử nghiệm, để rồi ngậm ngùi chia điểm và rơi xuống vị trí nhì bảng, đưa Tam sư rơi vào nhánh đấu toàn "cao thủ".
Trận gặp Iceland, một lần nữa tuyển Anh thay lại 6 vị trí, và chết tức tưởi trước Iceland trong trận đấu mà thậm chí họ có bàn thắng dẫn trước từ rất sớm. Cũng là toan tính, nhưng với Conte là thiên đường, là đỉnh cao sự nghiệp, còn với Roy Hodgson, là thất bại nhục nhã nhất mang tầm thế kỷ cho tuyển Anh.