Biểu tình ở Myanmar. Ảnh AP.
Động thái này được đưa ra khi khối gồm 27 quốc gia này hồi tháng trước đồng ý nhắm đến quân đội Myanmar và lợi ích kinh tế của quân đội nước này sau cuộc chính biến đầu tháng 2.
Một quan chức ngoại giao EU cho biết, 11 quan chức thuộc quân đội và cảnh sát Myanmar sẽ chịu trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và liệt vào danh sách cấm visa của EU.
Các biện pháp trừng phạt đầu tiên này dự kiến sẽ không nhắm đến các doanh nghiệp liên quan đến quân đội, tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết một vài doanh nghiệp có thể sẽ bị áp trừng phạt vào những tuần tới.
Ngày 20/3, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tình hình Myanmar Tom Andrews đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ngay lập tức ứng phó với tình trạng bạo lực tiếp tục leo thang tại nước này bằng cách "tước đi quyền tiếp cận nguồn tiền và vũ khí" của lực lượng an ninh.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng tái lên án đối với tình hình ở Myanmar, đồng thời tố cáo tình trạng bạo lực tại đây. Người phát ngôn của ông Guterres nhấn mạnh, cần phải có một "phản ứng quốc tế thống nhất và vững chắc".
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lên nắm quyền hôm 1/2, gây ra hàng loạt cuộc biểu tình mà lực lượng an ninh đã dùng đến bạo lực để trấn áp.
Ít nhất 234 người được xác định đã thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị bắt giam cho đến ngày 20/3, theo một nhóm theo dõi tình hình địa phương. Tình hình bất ổn cũng khiến nhiều người Myanmar phải rời khỏi đất nước. Ấn Độ cho biết hơn 1.000 người đã vượt biên từ Myanmar sang bang Mizoram của Ấn Độ từ cuối tháng 2. Con số này dường như tiếp tục gia tăng, các nhà chức trách cho biết bang này đang đẩy mạnh xây dựng các trại tị nạn ở khu vực biên giới.
Tình hình biểu tình vẫn tiếp diễn ở Myanmar. Nhiều người đã tham gia các buổi cầu nguyện vào tối 19/3 tại Mandalay, cũng như tại bang Kachin và Shan.